Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Ninh Bình lựa chọn giải pháp chính là phát huy vai trò quản lý nhà nước kết hợp lấy người dân làm trung tâm để phát huy vai trò của cộng động tích cực tham gia giữ gìn di sản.
Hoạt động du lịch không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư trong vùng, mà còn phát huy các giá trị nổi bật của di sản Tràng An. Qua đó giới thiệu, quảng bá tốt hơn về điểm đến, về vùng đất địa linh nhân kiệt, một thời là kinh đô của nước Đại Cồ Việt, về văn hóa người Tràng An-Ninh Bình tới công chúng cả nước và bạn bè quốc tế.
Bà Lê Thị Dung, cư trú trong vùng di sản Tràng An cho biết: “Việc phát triển du lịch đã tạo sinh kế cho hàng nghìn lượt người dân địa phương bằng việc tham gia làm dịch vụ du lịch, làm hướng dẫn viên; hoặc làm việc tại các nhà hàng, khách sạn với thu nhập tăng gấp hai lần so làm ruộng như trước đây”.
Khu du lịch Hang Múa (Ninh Bình) nhộn nhịp đón khách dịp cuối năm 2022. (Ảnh: Lê Hồng) |
Thấy rõ hiệu quả thiết thực từ giá trị di sản trong phát triển du lịch, cho nên cả cộng đồng dân cư trong vùng đều nỗ lực tham gia giới thiệu, quảng bá, bảo vệ di sản.
Điều đó cho thấy, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch có mối quan hệ tương hỗ mật thiết. Nếu biết quản lý, khai thác di sản đúng hướng sẽ tạo nguồn lực phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội theo quan điểm không “đánh đổi” di sản với phát triển “nóng” du lịch; hoặc các loại hình kinh tế khác, làm biến dạng cảnh quan, môi trường như đã từng xảy ra ở một số ít địa phương trong nước”.
Đó là điều kiện ‘‘cần và đủ” để du lịch Ninh Bình phục hồi và phát triển nhanh, dù đại dịch Covid-19 vừa qua đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề.
Trong 9 tháng năm 2022, Ninh Bình ước đón được hơn 2,78 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2021, Trong đó, khách nội địa đón hơn 2,74 triệu lượt, khách quốc tế đón gần 35 nghìn lượt. Doanh thu ước đạt hơn 1.952 tỷ đồng, tăng gấp 3,26 lần so cùng kỳ năm trước.