Để bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du, hạn chế ảnh hưởng đến vùng thượng lưu đập dâng Thác La, đơn vị triển khai điều tiết mở cao 13 cửa xả lũ để tăng lưu lượng thoát lũ qua đập dâng.
Khi xả lũ gia tăng các cửa điều tiết, mực nước trên sông Lạng (chảy qua hai tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình) phía hạ du đập dâng sẽ lên cao, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình đã thông báo đến nhân dân khu vực của hai tỉnh nắm được và có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản trong thời gian đập dâng Thác La xả lũ.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão
Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 trên lưu vực đập dâng Thác La xảy ra mưa vừa, mưa to, đặc biệt là phía thượng nguồn sông Lạng, tỉnh Hòa Bình. Thực hiện Quy trình vận hành điều tiết đập dâng Thác La và phương án ứng phó thiên tai hồ chứa năm 2024, đơn vị đã mở 8 cửa điều tiết nước từ 10 giờ và mở 13 cửa lúc 16 giờ ngày 7/9 để phòng lũ (tại thời điểm mở 13 cửa mực nước trên đập dâng Thác La là +12,10m thấp hơn ngưỡng tràn tự do 0,10m).
Nhân dân khu vực của hai tỉnh Hòa Bình và Nam Định đã nhận được thông báo để có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản trong thời gian đập dâng Thác La xả lũ. |
Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện các công trình cống và trạm bơm vẫn đang được đơn vị vận hành tiêu nước đệm trong hệ thống và các vùng trũng, khu công nghiệp; vận hành 186 máy/48 trạm, 11 cống dưới đê; đặc biệt là 23 cống hồ (Thác La mở 13 cửa xả tràn, hồ Đồng Chương mở 2 cửa; điều tiết hồ Yên Đồng tràn 1 mở 1 cửa, tràn 3 mở 3 cửa, tràn cao-su hạ xuống cao trình +2.50; hồ Yên Thắng tràn Đồi Dù 1 cửa, tràn Thượng Phường 1 cửa, tràn Tiên Dương 1 cửa; hồ Núi Vá mở 1 cống) để hạn chế úng ngập và nguy cơ mất an toàn trên các công trình thủy lợi. Ngoài ra, nếu vẫn còn diễn biến mưa lớn và kéo dài, đơn vị sẽ triển khai các phương án phòng lũ và tiếp tục xả lũ gia tăng.
Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình kiểm tra tại tràn Tiên Dương, hồ Yên Thắng. |
Theo ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xảy ra giông lốc, kèm theo mưa vừa đến mưa to gây thiệt hại về nhà ở và nhiều diện tích nông nghiệp của người dân. Điển hình là 544ha lúa bị đổ, trong đó có nhiều diện tích lúa đang vào chắc; 65ha cây màu, cây vụ đông bị dập nát; hàng nghìn cây xanh bị gãy, đổ, nghiêng; …
Dự báo trong 24-48 giờ tới, khu vực tỉnh Ninh Bình có lượng mưa từ 40-80mm; đặc biệt là cảnh báo lũ trong đợt này đối với: mực nước đỉnh lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu và sông Đáy tại Ninh Bình ở mức báo động 1,2; cũng như đối với các hồ, đập trên địa bàn tỉnh.
Để bảo đảm an toàn cho sản xuất cho nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến của hoàn lưu cơn bão số 3, tình hình mưa, lũ sau bão; huy động tối đa các trạm bơm tiêu úng trong trường hợp mưa lớn xảy ra; rà soát các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố trên địa bàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó; tăng cường cán bộ đi cơ sở hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật khôi phục sản xuất do ảnh hưởng của mưa bão.