Ở cách đó hàng nghìn cây số, gia đình bà Trần Thị Tuyến (Mỹ Lộc, Nam Định) cũng đã sắp đủ 3 mâm cơm trước khi ra… “ngôi mộ gió” mời người thân là liệt sĩ trở về.
Trên khắp đất nước Việt Nam, nỗi đau chiến tranh chưa bao giờ nguôi ngoai. Hàng nghìn ngôi mộ gió, hàng chục nghìn tấm bia khuyết danh, hàng nghìn đám giỗ tập thể không di ảnh vẫn cứ âm thầm tồn tại như nỗi ẩn ức chẳng thể phai.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam (27/7/1947-27/7/2022), Báo Nhân Dân xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết “Hành trình đưa các anh về đất mẹ”. Loạt bài như một nén tâm nhang tri ân lớp lớp các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do.
Vết sẹo chưa thể lành của chiến tranh
3 nén hương được thắp lên trên bàn thờ. Phía sau là tấm di ảnh người thanh niên tươi cười đã bạc phếch vì nhuốm màu tháng năm. Bà Tuyến lầm rầm khấn: “Hôm nay, tôi làm mâm cơm này, con cháu về đủ cả. Mong ông sống khôn, thác thiêng mách cho tất cả nơi ông nằm. Đã gần 70 năm rồi, nhưng mọi người vẫn ngóng mong ông”.
Người thanh niên trong ảnh là ông Trần Đức Bản, em rể của bà Tuyến. Ông Bản tham gia trận đánh trên đồi A1 Điện Biên Phủ vào năm 1954. Trong chiến dịch cuối cùng ấy, ông vĩnh viễn nằm xuống cùng hàng nghìn đồng đội ở tuổi đôi mươi mà không có một nấm mồ, một dòng bia mộ. Ngày hòa bình lập lại, gia đình bà Tuyến đã nhiều lần xuôi ngược từ tận Nam Định lên Điện Biên nhưng vẫn không tìm thấy mộ.
Ở quê nhà, bà tự mình xây một ngôi mộ gió, dựng ban thờ riêng. Và dòng họ Trần Đức cũng có thêm một ngày Giỗ lớn vào tuần cuối cùng của tháng 7 hằng năm.
“Cứ có thông tin ở đâu là chúng tôi lại đi, chỉ mong đưa ông ấy về với quê nhà. Nhưng càng tìm, càng mòn mỏi. Mãi sau này, tại nghĩa trang Điện Biên, tên của ông Bản mới được khắc trên Bảng vàng ghi danh các anh hùng liệt sĩ tham gia chiến dịch”, bà Tuyến ngậm ngùi kể, hai mắt đỏ hoe.
68 năm qua đi, gia đình bà đã chấp nhận việc nghĩa trang Điện Biên là “nơi an nghỉ chung” của ông Bản và 600 đồng đội. Ở quê nhà, bà tự mình xây một ngôi mộ gió, dựng ban thờ riêng. Và dòng họ Trần Đức cũng có thêm một ngày Giỗ lớn vào tuần cuối cùng của tháng 7 hằng năm.
Hàng nghìn gia đình ở Việt Nam có chung một ngày giỗ... |
Tại Hà Nội, Lê Công Thành - người sáng lập ra trang lietsi.com - dự án số hóa toàn bộ các nghĩa trang liệt sĩ của Việt Nam cũng có câu chuyện tương tự. Bản thân anh có người ông đi chiến trường B trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tới năm 1966, gia đình Thành nhận được giấy báo tử. Thế nhưng, trên mảnh giấy ấy chỉ vỏn vẹn có mấy dòng về tên tuổi, quê quán. Còn thông tin quan trọng nhất - nơi ông ngã xuống thì không có.
“Sau này, khi có điều kiện, cả nhà tôi đã đổ vào chiến trường B để tìm ông, thậm chí dùng mọi biện pháp, kể cả… áp vong nhưng vẫn vô vọng”, Thành kể lại.
Nỗi đau từ chiến tranh như một vết sẹo mãi vẫn chưa lành... |
Lui về phương nam, cựu binh Huỳnh Trí - Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cũng chịu chung một nỗi đau từ chiến trận. Rời bỏ cây súng và chiến trường Tây Nam đỏ lửa - nơi mà rất nhiều đồng đội không may mắn nằm lại, ông Hai mang theo sự day dứt khôn nguôi. Đến độ, ông dành tới tận 20 năm tiếp theo của mình để lặn lội đi tìm hài cốt những người nằm lại.
Dọc suốt dải đất hình chữ S, có rất nhiều câu chuyện như của bà Tuyến, Lê Công Thành hay ông Hai Trí. Dù ở thời điểm nào, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam…, vẫn còn những người lính mãi vẫn chưa trở về đất mẹ….
Những con số ám ảnh
Theo số liệu thống kê từ Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), trải qua các thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay, còn rất nhiều gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân.
Sau nhiều năm triển khai công tác tìm kiếm, quy tập, 900 nghìn hài cốt liệt sĩ đã được đưa về đất mẹ. Gần 200 nghìn anh hùng khác vẫn đang phải nằm lại với đá núi, đất sâu.
Sau nhiều năm triển khai công tác tìm kiếm, quy tập, 900 nghìn hài cốt liệt sĩ đã được đưa về đất mẹ. Gần 200 nghìn anh hùng khác vẫn đang phải nằm lại với đá núi, đất sâu. Ngay cả trong số 900 nghìn liệt sĩ đã được quy tập, cũng có tới hơn 300 nghìn mộ chưa xác định được thông tin. Con số này trong tính tới năm 2020 thậm chí còn lên tới hơn 600 nghìn (theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2013-2020).
Những hài cốt được đưa về quy tập từ chiến trường Campuchia tại An Giang. |
Rải rác trên khắp cả nước là những điểm mộ tập thể được tìm thấy đầy đớn đau. Đó là trường hợp 15 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở điểm mộ 03, khu mộ 12 tại tỉnh Thái Nguyên hay 23 hài cốt liệt sĩ tại điểm mộ 10, khu mộ 13 tỉnh Hải Dương; 52 hài cốt liệt sĩ tại điểm mộ 20, khu mộ 32 tỉnh Quảng Bình…
Các tỉnh khác như Đồng Nai cũng tìm kiếm 7 khu vực mộ tập thể, quy tập được hơn 300 hài cốt liệt sĩ. Bình Dương quy tập được hơn 150 hài cốt liệt sĩ với 2 khu vực mộ tập thể. Tương tự, tại Hà Giang và Hà Nam, thậm chí chúng ta chưa xác định chính xác số lượng người nằm xuống ở 1 điểm mộ tập thể.
Riêng trên các chiến trường đặc biệt như Lào, Campuchia, tính từ năm 2013 tới nay, bằng nỗ lực phi thường với tinh thần chạy đua cùng thời gian, 18.500 hài cốt liệt sĩ, trong đó gần 3.000 trường hợp ở Lào và hơn 6.000 hài cốt ở đất bạn Campuchia đã được đưa về với đất mẹ. Riêng đội K70 (Quân khu 7) quy tập được 1 khu mộ tập thể ở Campuchia với 124 hài cốt.
Cuộc chiến lặng thầm sau khói lửa càng trở nên khó khăn hơn khi thời gian đã phủ mờ lên tất thảy khiến việc kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ càng trở nên khó khăn hơn. Theo số liệu của Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), mặc dù Ban chỉ đạo 515 đã phát ra hơn 14 triệu phiếu để khảo sát, nhưng trong tổng số phiếu thu về có tới 13,8 triệu phiếu không có thông tin.
Theo đại diện Cục Chính sách, trong thời gian tới đây, các cơ quan chức năng đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, cũng như xác định danh tính các liệt sĩ còn thiếu thông tin; phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành tìm kiếm quy tập khoảng 15 nghìn hài cốt. Tinh thần chung được đặt ra là còn thông tin, còn tiếp tục tìm kiếm.
Bên cạnh đó, công tác xác định danh tính hài cốt bằng phương pháp giám định ADN cũng sẽ được đẩy mạnh, với mục tiêu đạt 20 nghìn mẫu đến năm 2030. Ngoài ra, các cơ quan cũng phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp chứng thực.
Tháng 7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt đề án về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237). Tại đề án này, Chính phủ đặt ra mục tiêu tới hết năm 2020, cả nước tìm kiếm, quy tập được ít nhất 60% hài cốt liệt sĩ có thông tin.
Tới tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ trên cơ sở hợp nhất Ban chỉ đạo quốc gia 1237 trước đây và Ban chỉ đạo cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Từ đây, Ban chỉ đạo 515 chính thức ra đời. Các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, đưa các anh về với đất mẹ của nhiều địa phương cũng được thành lập.
“Chúng tôi luôn xác định: Chừng nào còn thông tin về mộ chí, chúng tôi vẫn sẽ đi tìm”, Thượng tá Lê Đắc Thoa - Chính trị viên K93 - đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia nhấn mạnh.
(Còn nữa)