Những ngày cuối tuần, khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) thường sôi động và rực rỡ hơn khi các nhóm bạn trẻ Việt Nam đến tham quan kết hợp quay phim, ghi hình với cổ phục. Không ít du khách quốc tế ngạc nhiên, thích thú khi biết trang phục truyền thống của Việt Nam không chỉ có chiếc áo dài hiện đại, và họ còn có thể tìm hiểu kỹ hơn cũng như mặc thử tại các gian hàng trải nghiệm cổ phục trong khuôn viên Hoàng thành như Vạn Thiên Y, Việt phục Hoàng thành.
Theo anh Nguyễn Hải Ðăng, quản lý của Việt phục Hoàng thành, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua có rất đông khách hàng chọn mặc cổ phục thay cho áo dài thông thường mà một phần là nhờ “trend” trên mạng xã hội. Ðiều đó cho thấy người trẻ tuy dễ tiếp cận cái mới nhưng vẫn có tinh thần hướng về cái cũ, tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Do đó, các thương hiệu cổ phục khi làm nội dung trên mạng không chỉ đăng tải hình ảnh đẹp mà còn gắn với các kiến thức về tên gọi, ý nghĩa hoa văn, chất liệu, cách sử dụng, dấu ấn lịch sử từng thời kỳ...
Có thể kể đến các dự án, ý tưởng tiêu biểu trong năm nay, trong đó Việt phục Hoàng thành dự kiến kết hợp một số công ty du lịch để ra mắt tour trải nghiệm với cổ phục dành cho du khách nước ngoài, tạo thêm điểm nhấn quảng bá văn hóa Việt Nam. Chia sẻ niềm vui và tự hào khi cổ phục được yêu thích, chị Nguyễn Huyền Lê, quản lý của Vạn Thiên Y cho biết, thời gian qua đơn vị này phát triển mạnh dòng sản phẩm cổ phục làm từ tơ lụa làng nghề truyền thống như Nha Xá (Hà Nam), Vạn Phúc (Hà Nội)...
Cũng được gây dựng bởi một nhóm người trẻ tâm huyết với vốn quý văn hóa, Vạn Thiên Y vinh dự được lựa chọn thực hiện triển lãm “Hành trình vàng son” trong chuỗi sự kiện ngoại giao văn hóa “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023”, mang cổ phục Việt Nam đến ba quốc gia ở ba châu lục là Nam Phi, Pháp và Nhật Bản; gây ấn tượng với bạn bè quốc tế và khơi dậy lòng tự hào của người Việt xa xứ.
Thực tế, trào lưu chụp ảnh cổ phục cho lễ tốt nghiệp, lễ cưới hay check-in danh lam thắng cảnh đã có từ vài năm trước nhưng không “sớm nở tối tàn” như nhiều xu hướng khác của giới trẻ, mà trái lại còn phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Không chỉ ở các đô thị lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương khác nổi tiếng về du lịch di sản như Ninh Bình, Huế, Hội An... thời gian qua cũng chứng kiến sự nở rộ của các thương hiệu may đo và cho thuê cổ phục Việt Nam, góp phần đẩy lùi hiện tượng du khách check-in với trang phục truyền thống nước ngoài.
Cổ phục còn được các nghệ sĩ đưa vào phim điện ảnh, MV ca nhạc, đồng thời liên tiếp tạo cơn sốt với người dùng trẻ trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến. Năm 2023, nỗ lực của những người yêu cổ phục Việt đã khiến những trang phục xưa tưởng như thất truyền trở lại trong cuộc sống đương đại, xuất hiện xuyên suốt các sự kiện cộng đồng như Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023, Festival Huế 2023, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh...
Những thuật ngữ như: áo nhật bình, áo tấc, áo ngũ thân, áo giao lĩnh, viên lĩnh... trở nên thông dụng, được nhiều người biết đến. Tìm hiểu về cổ phục cũng là chạm vào một “kho tàng” văn hóa đồ sộ bởi trang phục luôn đi cùng phong tục tập quán, văn hóa vùng miền với những nét riêng biệt từng thời đại. Ðó là một trong những con đường kết nối bạn trẻ với truyền thống, lịch sử.
Nhắc đến nghiên cứu, phục dựng cổ phục, không thể không kể đến sự tiên phong của nhóm Ðại Việt Cổ Phong. Từ một diễn đàn trực tuyến ra đời năm 2014, những thành viên trẻ giàu đam mê đã sáng lập dự án “Hoa văn Ðại Việt” để thu thập, nghiên cứu, phục chế và bảo tồn các hoa văn cổ phổ biến, đặc trưng và đặc sắc của mỹ thuật Việt Nam qua các triều đại phong kiến (từ thời Lý đến thời Nguyễn).
Hiện nay, khoảng 250 mẫu hoa văn được chia sẻ miễn phí và là kho dữ liệu uy tín, dồi dào cho việc phục dựng trang phục, trang sức truyền thống. Một số nhóm nghiên cứu cổ phục khác như Ðông Phong, Great Việt Nam thì tìm kiếm và thực hiện lại các kỹ thuật thêu, dệt vải, nhuộm vải cổ để hạn chế việc phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài khi sản xuất cổ phục. Ỷ Vân Hiên do bạn trẻ 9x Nguyễn Ðức Lộc sáng lập thì phối hợp nghệ nhân các làng nghề thủ công phục chế, tái hiện nhiều bộ cổ phục khác nhau cùng với hài, quạt, mũ mão, gối xếp... được người xưa sử dụng trong các nghi lễ hoàng gia, tâm linh, hay sinh hoạt thường ngày.
Với thế mạnh sản xuất hình ảnh và tổ chức sự kiện, nhóm Vietnam Centre theo đuổi dự án “Dệt nên triều đại” với nhiều hoạt động phong phú như tái hiện Nghi lễ sắc phong Hoàng thái hậu thời Lê, xuất bản sách ảnh, tọa đàm về cổ phục Việt, triển lãm và trải nghiệm hoạt động thẩm mỹ xưa như vấn tóc, nhuộm răng đen...
Khi người trẻ có thái độ, hành động đề cao, phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc thì phải chỉ ra được những phần nào trong văn hóa ấy, bản sắc ấy vẫn còn hữu ích, hữu dụng, tức là còn giá trị, thậm chí gia tăng giá trị trong cuộc sống của họ. Ðó cũng là con đường để cho các di sản văn hóa tiếp tục sống cuộc đời của nó trong thế giới hôm nay, con đường mà giới quản lý văn hóa gọi là “bảo tồn động”.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Lý Tùng Hiếu (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh)
Ước tính hiện nay có khoảng 30 thương hiệu cổ phục Việt, ngoài những cái tên kể trên còn có Cổ trang Ðại Việt quán, Ðại Việt Phong Hoa, Ða La Xước Phục, Ðông Phong, Việt Cổ phục cách tân, Thủy Trung Nguyệt, Ðại Nam Chân Ảnh... Dù mới ra đời hay hoạt động đã lâu, hầu hết các nhóm này do người trẻ (dưới 40 tuổi) điều hành và hướng đến những mục tiêu chính gồm: nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian; tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn; tư vấn về văn hóa và cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước.