Những người giữ gìn di sản truyền thống

NDO - Hà Nam là mảnh đất hiền hòa, nơi còn nhiều nghệ nhân hết lòng với các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát dậm, chầu văn, xẩm, Trống quân, Lải lèn… Nhiều thế hệ, gia đình nghệ nhân đã tích cực gìn giữ, trao truyền kinh nghiệm, bồi đắp cho di sản văn hóa truyền thống của tỉnh nhà nói riêng, di sản văn hóa đất nước nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Trịnh Thị Phẩm (thứ ba từ phải sang) hướng dẫn học trò múa hát.
Nghệ nhân Trịnh Thị Phẩm (thứ ba từ phải sang) hướng dẫn học trò múa hát.

Kỳ 1: Hết lòng với câu ca

Hai chị em gìn giữ điệu hát dậm

Hát dậm là một “đặc sản” văn hóa độc nhất vô nhị mà đến nay vẫn được các nghệ nhân, người dân và các em học sinh xã Thi Sơn (Kim Bảng) gìn giữ.

Theo các tài liệu hát dậm gắn với truyền thuyết về Thái úy Lý Thường Kiệt. Năm 1069, Lý Thường Kiệt đem quân đánh Chiêm Thành, đến đoạn sông Đáy gần trại Canh Dịch (thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn ngày nay) thì gặp gió lớn nên đã dừng lại hạ trại, cho quân nghỉ. Sớm hôm sau Lý Thường Kiệt cho quân sửa soạn lễ vật tế trời đất rồi cùng đoàn quân lên đường. Thắng giặc trở về qua Quyển Sơn, ngài cho quân làm lễ tạ ơn trời đất, khao thưởng quân sĩ và dân làng. Trong thời gian ngắn lưu lại ngài cho tuyển những cô gái trẻ trong làng đến và dạy múa hát. Ngài còn dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Những điệu múa, lời ca được gọi là hát “dậm”.

Để ghi nhớ công lao, dân làng lập đền thờ tại đền Trúc, hằng năm tổ chức hội từ mồng một đến mồng mười tháng Giêng. Từ đó hát dậm trở thành nét sinh hoạt văn hóa trong những ngày lễ hội và sinh hoạt văn hóa của vùng quê này…

Trước đây, giọng hát của bà trùm Trịnh Thị Răm đã khiến biết bao nhà văn hóa, người dân say mê tìm đến chỉ để được nghe bà hát. Tìm hiểu, bà Răm biết hát từ năm 12 tuổi và mau chóng thuộc 38 điệu hát cổ. Từ năm 2010 trở đi, bà hướng dẫn cho em gái là bà Trịnh Thị Phẩm với mong muốn hát dậm được phát triển bền vững. Từ năm 1974 cho đến năm 2014, bà Răm làm trùm phường hát dậm Quyển Sơn, sau năm 2014 bà Răm trao trọng trước trùm phường hát dậm cho bà Phẩm.

Điều đáng nói, bà Răm là người đã mang điệu hát dậm đi quảng bá, biểu diễn ở 14 quốc gia trên thế giới. Những nơi bà đã được đặt chân đến là Đan Mạch, Na-uy, Anh, Bỉ, Đức và Mỹ…

Bà Phẩm chia sẻ: “Bây giờ, chị gái tôi không còn. Nhưng tôi cũng mong có điều kiện thuận lợi để đi biểu diễn ở nước ngoài, giúp quảng bá vẻ đẹp và văn hóa Việt Nam”.

Cùng với chị, bà Phẩm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì có công gìn giữ hát dậm, tích cực truyền dạy cho hàng trăm em nhỏ ở quê hương, từ lớp này qua lớp khác.

Bà Phẩm cho hay: Đội múa hát dậm có khoảng 12-24 con dậm, với độ tuổi từ 14-20, là những cô gái chưa lập gia đình. Trong những ngày diễn ra lễ hội, trước bàn thờ Thánh khi diễn xướng bà trùm mặc áo lụa vàng, đội khăn vàng đứng giữa. Dọc hai bên là các thiếu nữ duyên dáng trong tà áo, đầu đội khăn vấn màu đỏ, thắt lưng màu đỏ, đứng thẳng hàng quay mặt vào ban thờ và cùng hát xướng.

“Hát dậm có 38 bài, là những bài thơ, văn có làn điệu. Bài dài tới cả trăm, bài ngắn chỉ có ba, bốn câu thơ. Hát dậm không chia thành chặng, phường dậm vừa hát vừa múa từ bài này sang bài khác. Trong 38 làn điệu ấy có một nửa là nhạc múa, còn lại là hát. Ngày nay không phải kỳ hội xuân, thì trong sinh hoạt thường, phường chúng tôi để cả chị em lớn tuổi cùng hát”, bà Phẩm nhấn mạnh.

Hiện nay, sum vầy bên bà Phẩm là hơn 30 học sinh nữ, quây quần để được bà truyền dạy điệu hát, đến kỳ lễ, ngày hội thì đi phục vụ. Bà Phẩm bảo, cần nhiều cách để khích lệ các em yêu câu hát truyền thống, một trong những cách dễ dàng là thương lấy các em, rồi làm cho các em tự hào khi hát hay và giỏi múa.

Những người giữ gìn di sản truyền thống ảnh 1
Nghệ nhân Hoàng Văn Hởi (bên trái) chia sẻ về một ngón đàn.

Gia đình 4 thế hệ hát chèo

Gia đình Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Hởi ở thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng thật đặc biệt. Hiện ông cùng các thành viên Câu lạc bộ Chèo Lê Hồ vẫn tích cực gây dựng phong trào văn hóa, nghệ thuật, giúp nghệ thuật chèo ở vùng quê lúa luôn có sức sống.

Căn nhà của Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Hởi luôn có khách và ngân nga câu hát bởi đây là một trong những địa điểm họp bàn, tập vở của các thành viên Câu lạc bộ Chèo Lê Hồ. Điều đặc biệt, hiện con trai, con gái, cháu nội của ông Hởi đều biết hát chèo.

Ông Hởi kể rằng, mẹ ông, bố ông đều là những người biết hát chèo, nhưng bà cô họ Nguyễn Thị Đại mới nắm vững kỹ thuật hát điêu luyện và đã dạy cho ông Hởi nhiều làn điệu cổ và cách diễn vai chèo cổ.

“Từ năm 1955, lúc đó mới 9 tuổi, tôi được dạy hát, học nhạc lý và từ đó tham gia hoạt động đội chèo của xã, biểu diễn các vở chèo ngắn phục vụ cho địa phương, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, như các vở Đi đôi ngả, Con trâu hai nhà, Bụi tre gai, Gặp gỡ nàng tiên, Câu thơ thêu dở…

Năm 1963, tôi tham gia hội diễn các đội văn nghệ không chuyên của tỉnh và đã đạt giải Nhất vở Cô đội trưởng. Thời bấy giờ chưa có huy chương chỉ có giải Nhất, Nhì, Ba”.

Năm 1966, ông Hởi nhập ngũ, phục vụ trong quân đội và là hạt nhân văn nghệ của đơn vị. Trong chiến trường, ông tham gia tích cực và sáng tác những bài hát chèo động viên tinh thần chiến đấu cho đồng đội.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về địa phương lao động, sản xuất, tiếp tục phát triển nghệ thuật chèo ở quê nhà. Cũng phải nói thêm, từ năm 1986, nghệ thuật chèo ở nhiều làng chèo tại Hà Nam Ninh (khi chưa tái lập tỉnh) bị rơi vào thoái trào. Nhiều làng chèo gần như không hoạt động.

Ông Hởi tâm sự: “Tuy thế, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì làng chèo. Cụ Trùm Bách khi đó là chủ nhiệm, vẫn vực chèo và tiếng hát chèo vẫn vang ngân trong các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của dân tộc… Chúng tôi vẫn được mời phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, huyện, địa phương”.

Những người giữ gìn di sản truyền thống ảnh 2

Tác giả (bên trái) cùng nghệ nhân Nguyễn Đình Lâu.

Tạo sức sống cho Trống quân

Ở thôn Lau, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, ông Nguyễn Đình Lâu lại nổi tiếng là người cần mẫn gìn giữ điệu hát Trống quân độc đáo.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, tuổi thơ của ông Lâu đã gắn bó với những câu hát Trống quân do các bà, các mẹ, từ những nông dân chân lấm, tay bùn thể hiện, nên ngay từ nhỏ đã thuộc các làn điệu hát. Với tình yêu nghệ thuật và sự ham học hỏi, năm 1959 ông Lâu đã được các nghệ nhân trong xã Liêm Thuận, đặc biệt là cụ Nguyễn Văn Xuyên - một người giỏi về hát Trống quân ở thôn Sông, xã Liêm Thuận, truyền dạy các bài hát và cách làm, đánh Trống quân. Song năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông làm đơn tham gia lực lượng thanh niên xung phong, cùng toàn quân và dân ta chống đế quốc Mỹ.

Ông Lâu nhớ lại: “Năm 1985 sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, tôi trở về quê công tác. Lúc này tôi nhận thấy các làn điệu hát Trống quân đã bị mai một, không còn nhiều người biết đến. Trong tôi luôn suy nghĩ rằng nếu không có ai đứng lên sưu tầm, truyền dạy cho thế hệ mai sau thì chẳng mấy chốc các làn điệu hát Trống quân do cha ông bao đời sáng tác và truyền lại sẽ bị mất và chẳng còn ai biết đến. Muốn để người dân mai sau biết đến thì trước tiên phải đi sưu tầm các bài hát cổ sau đó mới truyền dạy”.

Nghĩ và làm, ông Lâu thu xếp việc nhà, bắt tay vào đi sưu tầm các bài hát cổ từ những nghệ nhân trong thôn, xã. Khi đã thu lượm được một số vốn khá lớn các bài hát Trống quân, ông mạnh dạn đề đạt với lãnh đạo thôn Sông, thôn Chảy, thôn Lau cho phép xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ và là người trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy các bài hát, cách làm và đánh trống cho người dân địa phương. Sau khi được chấp thuận ông đã trực tiếp đến từng nhà động viên các chị, các mẹ, các anh tham gia những buổi sinh hoạt văn nghệ và mọi người tham gia nhiệt tình. Từ làng quê hồn hậu, những buổi sinh hoạt, ngày xuân, ngày hội thôn làng, những điệu hát vang lên.

Còn nhớ, năm 2006, Bảo tàng tỉnh Hà Nam phối hợp Viện nghiên cứu Văn hóa về khôi phục và bảo tồn điệu hát Trống quân Liêm Thuận. Ông Lâu được mời tuyển chọn nghệ nhân, đồng thời tiếp tục biên soạn, truyền dạy các làn điệu hát Trống quân cho nhóm hoạt động văn nghệ.

Được sự cổ vũ của lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Liêm Thuận, hiểu được tầm quan trọng của các làn điệu hát Trống quân đối với đời sống của người dân nơi đây và nhằm bảo tồn các giá trị của các làn điệu hát Trống quân cho các thế hệ trẻ mai sau, cũng trong năm 2006 ông Lâu đã mạnh dạn đề xuất và được sự nhất trí của lãnh đạo UBND xã Liêm Thuận, thành lập Câu lạc bộ Hát Trống quân Liêm Thuận.

“Ban đầu Câu lạc bộ có 15 người, nhưng với sự hướng dẫn, dìu dắt của tôi, Câu lạc bộ dần hoạt động sôi nổi và đã phát triển ngày càng lớn mạnh và được nhân dân địa phương và các tỉnh bạn lân cận nhiệt tình đón nhận. Từ năm 2007 đến nay chúng tôi đã tham dự liên hoan các di tích tiêu biểu tỉnh Hà Nam do Bảo tàng tỉnh Hà Nam tổ chức, được mời tham gia biểu diễn tại các Liên hoan Dân ca và Chèo tại Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Nam; tham gia biểu diễn tại các lễ hội, các sự kiện chính trị tiêu biểu của tỉnh, huyện...”, ông Lâu chia sẻ.

Với sự nhiệt tình, chịu khó, chịu nghe và nghĩ, tính đến nay ông Lâu đã sưu tầm được gần 300 bài hát cổ, trong đó 98 bài hát đối đáp giao duyên, 146 bài hát đúm, 18 bài hát địch vận trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp… ngoài ra ông còn tham gia viết sách, báo nhằm tuyên truyền, quảng bá các làn điệu hát trống quân đến nhân dân.

(Còn nữa...)