Miền đồng trũng Thanh Liêm, nơi cứ đến mùa mưa là nước dâng trắng đồng, khi đó chiếc thuyền nan là phương tiện đi lại. Bà con ở đây nói vui: “Chúng tôi sáu tháng đi bằng chân, sáu tháng đi bằng tay” (chèo thuyền). Những ngày nước lên, thanh niên nam nữ vẫn giao duyên trên mặt nước và đã đem hát trống quân từ trên cạn xuống thuyền, trở thành một nét độc đáo của vùng đất này.
Người ở Liêm Thuận “mê” trống quân lắm! Hội hát thường được mở vào những đêm trăng thanh gió mát và hội nào cũng đông. Nhiều thế hệ người Liêm Thuận đã lớn lên cùng với những câu hát trống quân. Nhiều đôi lứa đã nên duyên vợ chồng từ những canh hát trống quân. Hôm nay trống quân ở Liêm Thuận lại mang một sức sống mới với nhiều nỗ lực trân quý của cộng đồng.
Ông Nguyễn Đình Lâu năm nay 75 tuổi, là một thương binh, sau khi nghỉ hưu từ năm 1983 đã dày công sưu tầm những bài trống quân ở quê hương với tâm nguyện truyền lại cho con cháu vốn dân ca của cha ông. Số lời hát cổ ông sưu tập được đã tới hàng trăm. Ông Lâu còn sáng tác thêm nhiều lời mới để trống quân hát về những đổi thay trên quê hương Liêm Thuận. Ông Lâu lập ra CLB hát trống quân thôn Lau Chảy và ông là chủ nhiệm đầu tiên. Những nỗ lực say mê của ông đã được bà con hưởng ứng. Câu lạc bộ nay đã có hơn 40 người hát thạo nhiều bài.
Nay ông Lâu cũng đã có “truyền nhân”. Chị Phạm Thị Huệ là giáo viên Trường mầm non Lau Chảy, là Chủ nhiệm CLB hát trống quân sau ông Lâu, đã đưa trống quân vào trường dạy cho các cháu ở lớp 5 tuổi và mở rộng tới cả các lớp tiểu học và THCS như một chương trình ngoại khóa. Chị Huệ cũng đã truyền dạy hát trống quân được cho hơn 250 người. CLB hát trống quân Liêm Thuận tham gia hầu hết các chương trình văn hóa, văn nghệ, các buổi lễ của thôn, của xã và nhiều lần đi biểu diễn giao lưu tại các sự kiện của huyện, của tỉnh và các liên hoan dân ca do ngành văn hóa tổ chức, thu hút được nhiều sự quan tâm. Hát trống quân ở Liêm Thuận đang được chuẩn bị hồ sơ để ghi danh văn hóa phi vật thể. Chị Huệ cũng đang làm hồ sơ để xét phong tặng nghệ nhân dân gian của tỉnh.
Dòng chảy văn hóa dân gian ở Liêm Thuận cứ âm thầm và bền bỉ chảy như vậy nhờ sự trân trọng và nỗ lực của cả cộng đồng.