Những người “đầu sóng, ngọn gió” ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm
Bệnh nhân Lê Thị G. (sinh năm 1993, Long Biên, Hà Nội) đi khám ở một bệnh viện tư nhân ở ngày thứ 4 của sốt xuất huyết. Lúc này, bệnh nhân có xuất huyết tiêu hóa, chảy máu mũi, chảy máu chân răng không thể cầm. Trong tình trạng cấp cứu, bệnh nhân lập tức được đưa đến chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng có chảy máu chân răng, chảy máu cam, tổn thương gan, men gan tăng hơn 3.000U/L, tiểu cầu giảm 12G/L có hiện tượng cô đặc máu.
Đại tá Tiến sĩ Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm Khoa bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm cho hay bệnh nhân vô cùng nguy kịch vì chỉ sau nửa ngày nhập viện, bệnh nhân đi vào tình trạng sốc, tổn thương, suy đa cơ quan, suy chức năng cơ quan, viêm cơ tim cấp, suy tim, suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, toan chuyển hóa, tràn dịch đa màng trong đó có dịch màng phổi, bụng, tim và xuất huyết tiêu hóa nôn ra máu đi ngoài phân đen, xuất huyết dưới da.
“Chúng tôi lọc máu thay huyết tương liên tục, đặt ống nội khí quản thở máy. 28 ngày điều trị tại khoa hồi sức với tổng cộng 16 lần lọc máu, 11 ngày thở máy, truyền tới 129 túi huyết tương tươi đông lạnh, 10 túi khối tiểu cầu, 9 khối hồng cầu và 2 khối tủa lạnh, bệnh nhân đã thoát cửa tử kỳ tích”, Đại tá Vũ Viết Sáng chia sẻ.
Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm đối mặt với nhiều nguy hiểm trong việc chăm sóc người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm. |
Mặc dù chưa phải là đợt dịch căng thẳng như 2017, nhưng diễn biến sốt xuất huyết năm 2023 vô cùng bất thường, các ca nhanh chóng diễn tiến nặng, nguy kịch. Trung bình mỗi ngày, Viện Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận khám cho hơn 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết và đã cứu được nhiều ca nặng, sốc do cô đặc máu dù trong tình trạng thiếu cả nhân lực và thiếu giường điều trị. Thời gian qua, các cán bộ y tế tại đây vẫn luôn căng mình trên tuyến đầu chống dịch.
Đại tá Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Phó Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm chia sẻ, có rất nhiều bệnh truyền nhiễm, tưởng chừng đã lùi rất xa nhưng vẫn là nỗi ám ảnh với người dân hiện nay khi chủ quan. Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm vẫn luôn ghi nhận các ca mắc bệnh sốt mò, uốn ván, liên cầu khuẩn lợn, whitmore, viêm màng não cầu thể ác tính…
“Có những bệnh truyền nhiễm mặc dù không gây dịch lớn, nhưng diễn biến cấp tính, tiến triển nặng, nguy kịch rất nhanh…”, Đại tá Vũ Viết Sáng chia sẻ.
Đại tá Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Phó Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm. |
Nhớ lại đại dịch Covid-19, Đại tá Vũ Viết Sáng cho biết, các cán bộ nhân viên y tế của Viện, kể cả nữ cán bộ y tế đang mang bầu không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng dấn thân vào điểm nóng.
10 năm qua, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm đã chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, phương án đối phó hiệu quả với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi và tái nổi xâm nhập, lây lan vào nước ta như: MERS-CoV, Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết do virus Ebola, Marburg, bệnh đậu mùa khỉ, bệnh lao, bệnh cúm, bệnh do màng não cầu và đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Trong dịch sốt xuất huyết Dengue bùng phát năm 2017 tại Hà Nội, Viện đã đề xuất sáng kiến triển khai khu điều trị dã chiến thu dung điều trị ngoại trú trên 3.000 bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue góp phần giảm tải điều trị nội trú, cùng với Hà Nội đẩy lùi dịch bệnh.
Trong đại dịch Covid-19, giai đoạn từ tháng 1/2020-10/2021, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, linh hoạt, Viện đã cùng các đơn vị trong bệnh viện làm tốt công tác phân luồng, khám sàng lọc, phát hiện, cách ly kịp thời người bệnh nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 không để dịch bệnh thâm nhập, lây lan trong bệnh viện, góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh viện hoạt động ổn định.
Đặc biệt, khi triển khai Trung tâm điều trị Hồi sức Covid-19, Viện đã khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc 1.200 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch, chủ yếu là đối tượng A, quân nhân đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Vững vàng trên mặt trận chống bệnh truyền nhiễm
Gần 10 năm thành lập, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm có 74 cán bộ y tế, phải cáng đáng một khối lượng công việc khổng lồ. Hàng năm, Viện khám bệnh kê đơn điều trị ngoại trú 55.000-60.000 lượt người bệnh, thu dung điều trị nội trú: 3.500-4.500 người bệnh, cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực 800-1.000 người bệnh nặng, nguy kịch.
Viện đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khó chẩn đoán, bệnh hiếm gặp, bệnh nguy hiểm, bệnh kết hợp với bệnh nền nội - ngoại khoa phức tạp. Riêng Khoa Điều trị hồi sức, mỗi năm nỗ lực cứu chữa cho 600 bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Là đơn vị chịu nhiều sức ép nhất vì các bệnh truyền nhiễm đều có tính chất cấp tính và diễn biến rất nhanh nên đòi hỏi các cán bộ y tế phải bám sát bệnh nhân chặt chẽ hàng giờ, nếu không bệnh nhân sẽ chuyển trạng thái nguy hiểm.
Chăm sóc cho người bệnh Covid-19 khi đại dịch đang diễn ra căng thẳng. |
So với các mặt bệnh khác, các y, bác sĩ làm trong lĩnh vực truyền nhiễm luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn hẳn vì "kẻ thù" chính là các mầm bệnh có thể gây chết người và lây lan rất nhanh. Do đó, nếu không làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo hộ thì nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh đầu tiên. Dịch bệnh SAR 2003, Covid-19… đã cướp đi tính mạng nhiều nhân viên y tế cho thấy, những người làm nhiệm vụ gác cửa dịch bệnh luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập.
“Đối tượng của chúng tôi là vi sinh vật, vi khuẩn, virus – những kẻ thù "vô hình" không nhìn thấy được nên việc phát hiện chẩn đoán điều trị khó khăn, trong khi phương tiện chẩn đoán hạn chế. Bên cạnh đó, tính chất dịch bệnh đến dồn dập, gây quá tải. Có những lúc dịch bệnh nhân đến dồn dập như Covid-19, nếu không có công tác chuẩn bị thì việc đáp ứng dịch rất khó khăn, thậm chí khủng hoảng trong tiếp nhận, thu dung điều trị”, Đại tá Vũ Viết Sáng cho hay.
Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm được thành lập ngày 11/12/2013 do Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Song là Viện trưởng đầu tiên. Hiện nay, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm có 4 khoa gồm: Khoa Bệnh lây đường máu, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Khoa Hồi sức Truyền nhiễm do Đại tá, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đăng Mạnh là Viện trưởng.
31 năm công tác trong chuyên ngành truyền nhiễm, Đại tá Vũ Viết Sáng cũng như các anh em trong Viện luôn coi nhiệm vụ khám, sàng lọc người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh viện hoạt động là một áp lực lớn.
Không chỉ là đơn vị gác cửa đầu tiên, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm còn là đơn vị gác cửa cuối cùng. Các bệnh nhân sau khi điều trị nội, ngoại khoa nhưng sức đề kháng yếu, dễ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, đặc biệt nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, các bác sĩ tại Viện phải giải quyết những vấn đề phức tạp nhất của người bệnh.
Thách thức với các y, bác sĩ chống nhiễm khuẩn hiện nay chính là thực trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam. Tốc độ phát minh kháng sinh không theo đổi với sự phát triển của vi khuẩn, nên trong quá trình điều trị, các bác sĩ thường xuyên gặp tình trạng có loại vi khuẩn đa kháng, kháng rộng, toàn kháng với kháng sinh.
“Có những bệnh nhân khi được nuôi cấy ra vi khuẩn nhưng không còn kháng sinh hiệu quả, bác sĩ không còn vũ khí trong tay để điều trị nên chỉ còn cách tối ưu hóa liều, tăng liều, xử lý hài hòa làm sao hiệu quả cao nhất”, bác sĩ Sáng cho biết.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của các dịch bệnh truyền nhiễm, nhiều năm qua, viện đã phát triển, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán các tác nhân vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm như các kỹ thuật sinh học phân tử (Realtime-PCR, giải trình tự gene, giải trình tự gene thế hệ mới, nuôi cấy định danh vi khuẩn, kháng sinh đồ, các kỹ thuật miễn dịch…).
Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm bảo đảm vị trí gác cửa các bệnh truyền nhiễm, không cho dịch bệnh tấn công bệnh viện. |
Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm cho biết, Viện đã phát triển, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực, chăm sóc bệnh nhân nặng, nguy kịch như: Lọc máu liên tục (200-250 lần/năm), lọc thay thế huyết tương (100 lần/năm), thở máy chức năng cao (4.000-5.000 ngày/năm), theo dõi huyết động bằng hệ thống PiCCO, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn, đặt ống nội khí quản cấp cứu, mở khí quản, điều chỉnh các rối loạn toan-kiềm, nước-điện giải và các kỹ thuật điều trị hồi sức tích cực khác.
Với những thành tích đặc biệt, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, được Bộ Quốc phòng và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tặng nhiều bằng khen, Cờ thi đua quyết thắng; Đảng bộ Viện luôn đạt trong sạch vững mạnh; Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội phụ nữ được Tổng cục Chính trị và bệnh viện tặng bằng khen.
74 cán bộ y tế tại Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm xác định khi theo nghề truyền nhiễm là “nghề chọn người” nên dù có vất vả, nguy hiểm nhưng họ luôn tự hào có thể cứu sống nhiều người từ ranh giới giữa cái sống và cái chết, chữa khỏi hoàn toàn nhiều ca bệnh mà khi nhập viện cơ hội sống chỉ còn vài phần trăm. Niềm tự hào nữa là dù chịu nhiều hy sinh, vất vả, nhưng các cán bộ y tế tại Viện luôn tự tin khi được trang bị đầy đủ các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán điều trị để chăm sóc người bệnh một cách toàn diện.