Nguy cơ lớn từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi

Từ đầu năm 2023 đến nay, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, ghi nhận 143.200 trường hợp mắc bệnh, 35 trường hợp tử vong. Việc sớm phê duyệt vaccine phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này được người dân mong mỏi. Đồng thời, bổ sung nhân lực cho chuyên ngành truyền nhiễm là yêu cầu cấp thiết, theo phân tích của các chuyên gia.
0:00 / 0:00
0:00
Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: BVĐK Đống Đa
Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: BVĐK Đống Đa

Dịch vẫn diễn biến phức tạp

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) thông tin, chỉ tính từ ngày 10-17/11, tại 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, có 2.476 ca mắc sốt xuất huyết. Những địa phương có nhiều bệnh nhân trong tuần này bao gồm: Thanh Oai, Hà Đông, Đống Đa, Hoàng Mai, Thường Tín, Thanh Trì, Phú Xuyên, Chương Mỹ.

Các chuyên gia nhận định, tại Hà Nội dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận định, thời tiết tại miền bắc diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến cho số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao. Cụ thể, trong thời gian gần đây, Hà Nội liên tục xuất hiện hiện tượng mưa sau nắng nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết diễn ra rất nhanh. Bên cạnh đó, vị bác sĩ này cũng đưa ra dự báo, mùa đông ở miền bắc không còn lạnh như trước đây. Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có nguy cơ cao đối mặt với dịch sốt xuất huyết bùng phát. Ngoài sự biến đổi của thời tiết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng làm suy giảm hệ miễn dịch của người dân.

Các yếu tố nguy cơ như tốc độ đô thị hóa gia tăng, đa dạng hóa các ổ bọ gậy nguồn, đặc biệt tại các khu vực nhà trọ, lán trại, khu xây dựng, khu đất xen kẹt, khu vực công cộng đông dân cư và các ổ bọ gậy ngay trong hộ gia đình không được xử lý, hay như việc di dời dân cư cũng tác động đến việc gia tăng quần thể muỗi truyền bệnh.

Trong khi đó, Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Tổ chức Y tế thế giới dự báo: Trong năm 2023 và 2024, biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền nhiễm. Đặc biệt, thời gian tới lại vào cao điểm mùa mưa ở nhiều tỉnh, thành phố, cho nên số ca mắc vẫn có xu hướng tăng nếu không tích cực diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy.

Khẩn cấp bổ sung nhân lực chuyên ngành truyền nhiễm

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trước đây, từng có một loại vaccine sốt xuất huyết do một hãng dược của Pháp sản xuất nhưng được đánh giá là không đạt miễn dịch ổn định, không sinh miễn dịch với tất cả chủng virus Dengue, cụ thể là type 2.

Chính vì vậy, mới đây, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC và Công ty TNHH Takeda Pharmaceuticals (Takeda), thuộc Tập đoàn Takeda (Nhật Bản) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược và việc này được kỳ vọng sẽ sớm mang đến cơ hội tiếp cận và ứng dụng các giải pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là vaccine sốt xuất huyết cho người dân Việt Nam. Theo đó, vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết của Takeda, TAK-003 (tên thương mại đăng ký QDENGA) đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Argentina và một số quốc gia có tình hình dịch tễ sốt xuất huyết giống nước ta, như Indonesia, Brazil và gần đây hơn là Thái Lan. Song TAK-003 hiện chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine này có thể tạo phản ứng miễn dịch ở mức độ khác nhau đối với cả bốn chủng virus Dengue đang lưu hành trên thế giới, giúp phòng bệnh và giảm khả năng nhập viện ở người mắc sốt xuất huyết. Theo Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), đơn vị cấp phép sử dụng vaccine tại EU, vaccine QDENGA đã được duyệt sử dụng cho độ tuổi từ bốn tuổi, không phân biệt đã từng nhiễm bệnh hay chưa. Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, rất kỳ vọng hợp tác giữa Takeda và VNVC sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. "Chúng tôi hy vọng người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận vaccine sốt xuất huyết trong thời gian sớm nhất"- ông Quang nói.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai: Để hạn chế số người mắc ở mức thấp nhất, chúng ta cần phải chủ động chuẩn bị, đầu tư cho công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh. Cụ thể, công tác phòng, chống dịch cần phải được chỉ đạo quyết liệt, phối hợp hiệu quả, có trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan. Trong đó, việc phun thuốc diệt muỗi cần phải chủ động triển khai ngay từ đầu mùa dịch. Về giải pháp căn cơ, ngành y tế cần có kế hoạch, chiến lược và triển khai ngay vấn đề đáp ứng nhân lực cho chuyên ngành truyền nhiễm. Hiện nay, lực lượng này trên cả nước rất mỏng. Hai năm chống đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy rõ thực trạng này. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế ở khối ngành này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong khi các bệnh truyền nhiễm mới nổi đang ngày càng gia tăng.

Với tình hình số lượng người mắc sốt xuất huyết phải nhập viện ngày càng tăng, đặc biệt là các bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo, các cơ sở y tế cần tăng cường khám sàng lọc, phát hiện sớm các dấu hiệu, phân loại tình trạng bệnh (bệnh nhẹ có thể được điều trị tại nhà, bệnh nặng cần được đưa đến các bác sĩ chuyên khoa). Trường hợp cần bác sĩ có chuyên môn, nhất là về điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở có sẵn vật tư, thiết bị để có thể hồi sức và được cứu sống. "Không phải tất cả các ca bệnh sốt xuất huyết đều có thể chuyển nặng. Nhưng chỉ cần 10% số các ca bệnh có biểu hiện nặng nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời thì có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, trong khi chờ đợi có vaccine phòng chống sốt xuất huyết, để hạn chế các ca tử vong, chúng ta cần phải tăng cường phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ"- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.