Những người chăm lo “sức khỏe” cho máy bay

NDO - Nhiều người thường gọi vui những cán bộ, kỹ sư của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên kỹ thuật máy bay (VAECO) là “bác sĩ” chuyên chăm sóc sức khỏe, trị bệnh cho “chim sắt”. Giống như đội ngũ phi công, tiếp viên, các cán bộ, nhân viên của VAECO rất ít khi được ăn Tết cùng gia đình, nhưng với họ, thực hiện nhiệm vụ trong những ngày đầu Xuân là niềm hạnh phúc, tự hào vì được góp một phần nhỏ bé vào mục tiêu an toàn là số 1 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Các kỹ sư VAECO hiệu chỉnh thông số kỹ thuật máy bay.
Các kỹ sư VAECO hiệu chỉnh thông số kỹ thuật máy bay.

Hiện thực hóa mơ ước

Với mơ ước trở thành kỹ sư máy bay giỏi, anh Lê Thái Hồng Vinh đã không ngần ngại lựa chọn theo học chuyên ngành Hàng không Việt-Pháp, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, cách quê hương Đà Nẵng của anh gần 1.000 cây số. Thời điểm anh Vinh tốt nghiệp đại học cũng là lúc ngành hàng không bắt đầu phát triển và điều may mắn nhất là anh Vinh có cơ hội quay về cống hiến cho quê hương khi trúng tuyển vào Chi nhánh VAECO Đà Nẵng.

Từ một kỹ sư cơ giới trẻ trung và tràn đầy háo hức với công tác kỹ thuật bảo dưỡng những chú “chim sắt”, sau 13 năm, anh Vinh đã trở thành một người Tổ trưởng mẫu mực, đầy trách nhiệm với công việc. Để trở thành kỹ sư máy bay và có chứng chỉ ký (release) đưa tàu vào khai thác mức B, anh Vinh phải trải qua hơn 5 năm học tập tích cực với hàng loạt các môn học về cơ bản hàng không, chuyển loại máy bay, con người, an toàn lao động, an ninh hàng không, quy trình các bên… Sau khi hoàn thành chương trình học, anh Vinh phải tham gia kỳ sát hạch để có chứng chỉ của Cục Hàng không Việt Nam, đồng thời định kỳ phải kiểm tra các chứng chỉ trên.

Hằng ngày, nhiệm vụ của anh chủ yếu thực hiện các chu trình: đón máy bay, kiểm tra kỹ thuật, khắc phục các hỏng hóc phát sinh, nạp lại nhiên liệu và ký đưa tàu bay vào khai thác trở lại bảo đảm an toàn, khả phi [sẵn sàng bay-PV] tại sân đỗ. Những kỹ sư máy bay tại VAECO đều cho rằng, môi trường làm việc rất thuận lợi, năng động, tiếp xúc nhiều người ở các bộ phận khác nhau như phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất,... đồng thời được tạo điều kiện học tập, công tác ở nhiều nơi trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, năng lực.

Những người chăm lo “sức khỏe” cho máy bay ảnh 1

Kỹ sư Lê Thái Hồng Vinh - VAECO Đà Nẵng.

Tuy nhiên, công việc của kỹ sư bảo dưỡng máy bay cũng gặp vô vàn khó khăn, thử thách, nhất là môi trường sân đỗ có nhiều tiếng ồn, bụi, sóng vô tuyến, ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt,… phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe. Song với niềm say mê “chăm sóc” những chú “chim sắt”, anh Vinh chưa bao giờ hết đam mê học hỏi, tìm tòi sáng tạo để nâng cao tay nghề, tiếp tục cống hiến cho công việc.

Đặc thù công việc hầu như cả ngày chỉ làm bạn với máy móc, tưởng chừng khô khan nhưng cũng không ít lần mang đến cho anh Vinh sự xúc động bất ngờ. Anh nhớ mãi chuyến bay của hãng hàng không Air Busan gần đây, đúng dịp sinh nhật của anh, phải hạ cánh lúc 12 giờ đêm do phát sinh hỏng hóc, cần khắc phục khẩn cấp. Rất nhiều áp lực từ tổ bay, của hãng cũng như lo âu chờ đợi của hành khách khiến các anh em trong tổ bảo dưỡng hôm đó quyết tâm thức trắng đêm khắc phục hỏng hóc. Trong sự mệt nhoài sau một đêm căng mình sửa chữa nhưng đầy hân hoan, cảm xúc của anh và tổ bảo dưỡng vỡ òa vui sướng khi nhận được lời chúc mừng cùng chiếc bánh sinh nhật từ hãng Air Busan để tri ân những nỗ lực của anh.

Từ khi làm việc tại sân bay Đà Nẵng, năm nào anh Vinh cũng thực hiện nhiệm vụ những ngày Tết, nhất là vào đúng giao thừa. Có năm anh trực tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) từ mồng 1 đến mồng 7 Tết, có năm theo chuyến bay sang Narita (Nhật Bản) đúng hôm 30 Tết và đón giao thừa trên không trung ở độ cao 36.000ft… Tuy không được quây quần đón Tết bên gia đình nhưng với anh, đón Tết trên không cũng có những niềm vui rất riêng.

“Tết xa nhà chắc chắn cũng có nhiều nỗi niềm, nhưng thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn Tết cũng là điều hãnh diện, tự hào. Tôi còn nhớ có một lần tôi được phục vụ chuyên cơ Thủ tướng Chính phủ dịp Tết, tôi được đích thân Thủ tướng Chính phủ mừng tuổi, lì xì đầu năm trên máy bay. Tôi vô cùng xúc động và vui sướng!”, anh Vinh chia sẻ.

Không ngừng học hỏi, trang bị kỹ năng

Còn đối với kỹ sư cơ giới Nguyễn Như Nam, công tác tại Phòng Kỹ thuật (Trung tâm bảo dưỡng ngoại trường Hà Nội-VAECO), thì luôn tâm niệm: Khi nhiệm vụ của mình hoàn thành thì những chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia mới cất cánh đúng giờ và bảo đảm tuyệt đối an toàn!

Công việc hiện tại của kỹ sư Như Nam là hằng ngày rà soát chất lượng bảo dưỡng ở Trung tâm, nhằm phát hiện, phòng ngừa các hỏng hóc tiềm ẩn trên đội bay A321. Đồng thời, lên kế hoạch bảo dưỡng hằng ngày của toàn trung tâm và thực hiện bảo quản, dừng bay tàu bay, chuẩn bị chuyên cơ, lên kế hoạch xử lý các hỏng hóc khác.

Để trở thành một kỹ sư ngành hàng không và kỹ sư cơ giới tại Trung tâm Bảo dưỡng ngoại trường VAECO, anh Nam cũng như các đồng nghiệp khác đều phải trải qua quá trình tuyển dụng rất khắt khe. Trong quá trình làm việc, các kỹ sư của trung tâm phải thường xuyên học hỏi, trang bị thêm kỹ năng, kiến thức mới, hoàn thành các chứng chỉ theo yêu cầu để đáp ứng công việc.

Đặc thù của nghề bảo dưỡng máy bay là phải bảo đảm trạng thái tập trung 100% trong quá trình làm việc, bởi chỉ một sự cố xảy ra, dù rất nhỏ cũng có thể gây ra sự cố nguy hiểm. Các kỹ sư tại VAECO luôn tâm niệm khoa học kỹ thuật tiến bộ và thay đổi từng giây, nếu không ngừng học hỏi, tự tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức, đổi mới sáng tạo để cạnh tranh và phát triển theo xu thế chung, chắc chắn sẽ bị tụt hậu và đào thải.

Những người chăm lo “sức khỏe” cho máy bay ảnh 2

Kỹ sư Nguyễn Như Nam (áo trắng) thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng động cơ máy bay.

Công việc của kỹ sư ngoại trường phải thường xuyên làm việc ngoài trời, những ngày hè nắng nóng phải thường xuyên làm việc trong điều kiện thời tiết 40, 50 độ C, hay mùa đông tiết trời lạnh giá, đêm hôm và phải tuyệt đối không được sai sót trong công việc. Chuyến công tác đáng nhớ của anh Nam và đồng nghiệp là cách đây vài năm, anh nhận nhiệm vụ đột xuất xử lý sự cố tàu bay cùng 2 đồng nghiệp ở sân bay Kansai (Nhật Bản). Do không có chuyến bay thẳng tới sân bay Kansai, các anh phải bay tới sân bay Narita, lên tàu điện tới Kansai.

Khi đến nơi, kim đồng hồ chỉ 2 giờ sáng, mặc dù rất mệt nhưng các anh vẫn bắt tay ngay vào công việc. Sân bay Kansai gần biển, thời tiết hôm đó rất lạnh, do công tác đột xuất nên cũng không chuẩn bị nhiều quần áo ấm. Vượt qua mọi mệt mỏi và rét buốt dưới 0 độ C, các anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xử lý sự cố. Đối với các anh, tham gia chuyến bay phục vụ chuyên cơ, sửa chữa tàu bay ở nước ngoài, tăng cường cho trung tâm khác,… là nhiệm vụ thường xuyên, kể cả trong ngày lễ Tết.

Trong dịp Tết năm nay, anh Nam cũng như nhiều kỹ sư máy bay khác nhận nhiệm vụ làm việc cả ngày mồng 1 và mồng 2 Tết. Trong khi các gia đình quây quần sum họp, du xuân những ngày Tết, thì những nhân viên kỹ thuật máy bay vẫn cặm cụi dưới bụng máy bay hay bên trong động cơ. Trong giờ phút giao thừa điểm, từ sân bay Nội Bài cách trung tâm Thủ đô hơn chục km, họ dừng tay cờ-lê đôi phút bên cạnh những chú chim sắt, ngắm nhìn pháo hoa bung nở rực rỡ trên bầu trời đêm, dù tiết trời giá lạnh vẫn thấy ấm lòng.