"NGỌN ĐUỐC" CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ
Trong cộng đồng người Hà Nhì ở Sín Thầu, ông Lỳ Xuyến Phù được bà con địa phương gọi bằng cái tên rất riêng "Ngọn đuốc của người Hà Nhì" nơi biên cương Mường Nhé.
Bản thân luôn chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ông Phù thường dành thời gian đến từng nhà vận động, tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nghe luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu và không di cư tự do.
Bản nào có việc lớn, già làng Lỳ Xuyến Phù đều đến dự; gia đình nào có việc cần đến ông thì ông không bao giờ từ chối, bởi thế mà người dân các dân tộc trên biên giới Mường Nhé đều dành cho ông sự quý trọng, tin tưởng. Với họ, ông đã là "cây đại thụ" để tất cả nương nhờ trên biên giới xa xôi.
Ông Lỳ Xuyến Phù (người ngồi giữa) cùng nhân dân bản A Pa Chải lập kế hoạch đi tuần tra bảo vệ biên cương. |
Trên đường đưa chúng tôi về thăm nhà ông Lỳ Xuyến Phù, Thiếu úy Hạng A Minh, Đội trưởng Vũ trang Đồn Biên phòng A Pa Chải đã nói rằng, không phải mới đâu mà đã suốt 40 năm qua, chẳng quản gian nan khó nhọc, ông Lỳ Xuyến Phù luôn chuyên tâm với việc đến từng nhà vận động người dân Hà Nhì thực hiện bảo vệ rừng, phát triển kinh tế-xã hội và đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên mốc giới nơi biên cương.
Mỗi ngày được ăn, được ngủ, được quây quần bên con cháu dưới mái nhà truyền thống của người Hà Nhì thì tôi cảm thấy như vẫn đang được “sống” cùng ông bà, tổ tiên trong những ngày xưa.
Ông Lỳ Xuyến Phù, người có uy tín ở Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
Với các bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải, ông Lỳ Xuyến Phù chính là “cánh tay nối dài” góp sức quan trọng cùng Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Ngoài việc tuần tra biên giới, góp sức bảo vệ an ninh bản làng, ông Lỳ Xuyến Phù còn luôn trăn trở với suy nghĩ về bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Bởi thế nên khi huyện Mường Nhé có chủ trương phục dựng nhà trình tường truyền thống của người Hà Nhì để phục vụ khách du lịch thì chính ông Lỳ Xuyến Phù đã tiên phong thực hiện. Với ông, việc xây dựng và được ở dưới ngôi nhà trình tường là cách lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc Hà Nhì một cách chân thực, ý nghĩa nhất.
Mỗi ngày đều được ăn, được ngủ, được quây quần bên con cháu dưới mái nhà truyền thống ông Lỳ Xuyến Phù như cảm thấy đang được “sống” cùng ông bà, tổ tiên trong những ngày xưa.
Nhờ sự đóng góp của già làng Lỳ Xuyến Phù suốt nhiều năm tháng qua, Sín Thầu đã trở thành là xã biên giới đầu tiên của huyện Mường Nhé đạt chuẩn nông thôn mới. Không những thế, Sín Thầu còn là xã điểm về an ninh trật tự, xã không có tệ nạn, không còn tình trạng vượt biên trái phép, an ninh trật tự được giữ vững và là xã điển hình trong các phong trào trong huyện Mường Nhé suốt nhiều năm…
NGƯỜI GÁNH TRÊN VAI ĐẠO VÀ ĐỜI
Đó là ông Sùng Vảng Say, người dân tộc H'Mông hiện đảm đương đồng thời hai chức là Trưởng bản, Phó điểm nhóm tôn giáo bản Huổi Chạ 2, xã Nậm Vì huyện Mường Nhé.
Để hoàn thành hai trọng trách trên vai, mỗi tuần một lần ông Sùng Vảng Say đều dành thời gian cùng các thành viên đoàn thể xã và bản Huổi Chạ 2 đến từng nhà để phổ biến pháp luật, luật tín ngưỡng tôn giáo chính thống đến người dân.
Gần 60 tuổi đời - cái tuổi cần được nghỉ ngơi vậy nhưng mỗi lần bầu trưởng bản thì dân bản Huổi Chạ 2 vẫn tín nhiệm bầu ông làm trưởng bản cho dù ông đã tìm đủ mọi lời nói khéo “xin thôi”. Bởi vậy mà trọng trách trưởng bản và danh vinh “người có uy tín tại cộng đồng” đã gắn bó với ông Say đã gần 20 năm. Đó cũng là quãng thời gian ông trở thành người dẫn lối, người hòa giải của bà con dân tộc H'Mông bản Huổi Chạ 2, xã Nậm Vì.
Ông Sùng Vảng Say hướng dẫn người dân bản Huổi Chạ 2 cách trồng, chăm sóc cây quế. |
Trong hành trình phát triển kinh tế của gia đình, địa phương, ông Sùng Vảng Say chính là người đầu tiên ở bản Huổi Chạ 2 tiên phong thực hiện Nghị quyết 05 của huyện Mường Nhé về phát triển lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2025 bằng việc đưa cây quế vào trồng trên diện tích nương bạc màu; sau đó ông Say tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Hiện tại, đàn gia súc của gia đình ông lên tới hàng chục con; diện tích quế lên đến gần 2ha; tài sản của gia đình trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhìn cách ông làm, nhân dân và tín đồ thuộc điểm nhóm bản Huổi Chạ 2 đã lần lượt học tập, làm theo.
Đánh giá cao cách làm, cách sống của ông Sùng Vảng Say, các đồng chí lãnh đạo đại diện cấp ủy, chính quyền xã Nậm Vì cho rằng, bằng vào con người thực, việc làm thực của ông Sùng Vảng Say thì sức ảnh hưởng và uy tín của Đảng sẽ tiếp tục được lan tỏa sâu rộng đến quần chúng nhân dân và cộng đồng các tín đồ tôn giáo.
Ông Sùng Vảng Say (ở giữa) về từng nhà thăm hỏi, động viên nhân dân tích cực phát triển kinh tế, góp sức xây dựng nông thôn mới. |
Đồng chí Vũ Hoài Nam, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Vì, cho biết, với bà con trong bản Huổi Chạ 2 nói riêng và bà con nhân dân xã Nậm Vì nói chung, ông Sùng Vảng Say là tấm gương điển hình trong sống, làm việc theo pháp luật; đặc biệt, trong các phong trào thi đua lao động sản xuất tại địa phương, ông Say luôn tiên phong làm gương và làm trước để bà con học tập làm theo.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Say cho biết, muốn bà con tin làm theo thì bản thân mình phải làm gương, làm mẫu. Bản thân ông luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật và rạch ròi việc đạo việc đời là giúp mọi người sống tốt hơn chứ không phải như luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu là “theo đạo thì xa đời” mà bấy lâu nay kẻ xấu thường dùng để gây chia rẽ, xích mích…
CHĂM LO NHỮNG "NGƯỜI DẪN LỐI"
Xác định người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt, xuyên suốt các nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ huyện Mường Nhé luôn chủ động đề ra phương hướng, giải pháp chỉ đạo cơ sở dành sự quan tâm đặc biệt nhằm hỗ trợ, phát huy vai trò của người có uy tín tại cộng đồng khu dân cư, sao cho người có uy tín được trọng dụng, bồi dưỡng kịp thời.
Người có uy tín, trưởng các điểm nhóm tôn giáo trên địa bàn huyện Mường Nhé dự buổi gặp mặt, đối thoại do Huyện ủy Mường Nhé tổ chức. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, cho biết, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số của huyện chiếm hơn 90% dân số. Trong đó, dân tộc H'Mông chiếm hơn 60%; dân tộc Hà Nhì gần 12%; dân tộc Thái hơn 10%. Hiện toàn huyện có 116 người có uy tín ở 115 bản, tổ dân cư. Hầu hết số người có uy tín là đồng bào các dân tộc thiểu số; nhiều người là trưởng bản; trưởng, phó các điểm nhóm tôn giáo.
Nhận thấy vai trò, đóng góp quan trọng của đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, những năm qua, Huyện ủy Mường Nhé đã thường xuyên tổ chức gặp mặt người có uy tín tại cơ sở là các đồng chí đang đảm đương chức vụ bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận của 115 bản, tổ dân cư trên địa bàn huyện.
Những năm qua, Huyện ủy Mường Nhé đã thường xuyên tổ chức gặp mặt người có uy tín tại cơ sở là các đồng chí đang đảm đương chức vụ bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận của 115 bản, tổ dân cư trên địa bàn huyện.
Ngoài thông tin mọi tình hình đến đội ngũ người có uy tín, qua gặp mặt, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng mong muốn lắng nghe những tâm tư, ý kiến và kinh nghiệm của những người có uy tín, để từ đó có giải pháp thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn.
Với sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương và bằng lòng nhiệt huyết, trách nhiệm của mình, đội ngũ người có uy tín huyện Mường Nhé đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc, động viên nhân dân thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng quê hương Mường Nhé ngày càng giàu đẹp, văn minh…
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Điện Biên giúp nhân dân xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé làm đất chuẩn bị sản xuất. |
Để người có uy tín đóng góp nhiều hơn trong mọi hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn bảo vệ đường biên mốc giới, đồng chí Bùi Minh Hải, cho biết, thời gian tới, Mường Nhé sẽ tổ chức thường xuyên các khóa tập huấn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của những cá nhân đó tham gia vào các hoạt động xã hội ở thôn bản. Đồng thời, thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại, lắng nghe kịp thời các ý kiến, tâm tư của nhân dân để từ đó có biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời thỏa đáng, không để thành điểm nóng phức tạp…