Chung sức bảo vệ đường biên, cột mốc

Bên cạnh nỗ lực tuần tra, kiểm soát của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, người dân khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang cũng góp sức, hỗ trợ đắc lực trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tuyên truyền, vận động người dân khu vực biên giới tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. (Ảnh TIẾN VINH)
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tuyên truyền, vận động người dân khu vực biên giới tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. (Ảnh TIẾN VINH)

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (thuộc Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) đứng chân trên địa bàn thành phố Hà Tiên, chịu trách nhiệm quản lý đường biên giới đất liền dài hơn 14 km tiếp giáp tỉnh Kampốt, Vương quốc Campuchia. Thời gian qua, lực lượng biên phòng nơi đây cùng chính quyền địa phương phát động nhiều phong trào, mô hình hướng về đồng bào nghèo khu vực biên giới, như: “Nâng bước em tới trường”, “Thắp sáng đường biên”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân xây tặng nhà “Mái ấm tình thương”, hỗ trợ phát triển kinh tế, điều kiện học tập cho con em hộ nghèo…, từ đó góp phần giúp nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc nghèo nơi biên giới vơi bớt khó khăn.

Đáp lại, người dân khu vực biên giới xem lực lượng biên phòng như những người thân, luôn tin tưởng vào bộ đội, không tiếp tay cho kẻ xấu buôn lậu, quấy phá. Nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc còn góp sức tuyên truyền, vận động nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ đường biên, cột mốc.

Ông Hồng Quang Trung (ngụ khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên) là người Việt gốc Hoa, sinh sống trên vùng biên giới Hà Tiên hơn 50 năm. Tuy đã ngoài 70 tuổi, nhưng hằng ngày ông Trung vẫn thường xuyên lui tới các hàng quán, nắm tình hình trong phum, ấp. Nếu thấy có dấu hiệu gì lạ trên địa bàn, hay ngoài biên giới, ông Trung báo ngay cho lực lượng biên phòng nắm bắt, xử lý kịp thời. Còn khi gặp các đối tượng buôn lậu, người dân tiếp tay cho buôn lậu, ông Trung mềm mỏng khuyên bảo họ bỏ nghề, tìm công việc phù hợp, chí thú làm ăn, không vi phạm pháp luật. Sự chân thành và tiếng nói uy tín của ông Trung đã làm cho con em trên địa bàn kính trọng, nghe theo.

Trải qua hơn 30 năm buôn bán ở vùng đất biên cương, gia đình bà Thị Mỹ Loan (46 tuổi, người dân tộc Khmer) trở thành những công dân ưu tú của khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức. Năm 1990, bà Thị Mỹ Loan từ huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang chuyển đến xin cất chòi tạm gần đường biên giới để sinh sống. Trước đây, khu vực này trũng, ngập nước, không có đường bê-tông, chỉ đi lại bằng bè chuối hoặc bè xốp. Dù vậy, mỗi khi cán bộ biên phòng cần vào các ấp tuyên truyền hay ra các vị trí mốc kiểm tra, bà Loan đều dùng bè tự chế chở cán bộ, chiến sĩ đi. Nhiều đoàn khảo sát của bộ, ngành, của tỉnh và lực lượng biên phòng muốn ra điểm cuối đoạn biên giới trên bộ giữa Việt Nam-Campuchia đều nhờ bà Loan dẫn đường…

Nói về những người góp phần bảo vệ đường biên, cột mốc, Trung tá Lê Tuấn Phong, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên chia sẻ: “Ông Trung có thể nói 3 ngôn ngữ Kinh, Hoa, Khmer. Mỗi khi có họp dân, cần tuyên truyền nội dung gì để người dân dễ tiếp thu thì đơn vị lại nhờ đến ông. Còn bà Loan thường xuyên giúp lực lượng biên phòng nắm bắt thông tin, lui tới tuần tra, bảo vệ cột mốc, chủ quyền”.

Tại huyện biên giới Giang Thành (Kiên Giang), tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc có cả cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên và người có uy tín trên địa bàn. Bà Võ Thị Phương, ngụ ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành có gần 8 năm làm Tổ trưởng Tổ phụ nữ tuyên truyền bảo vệ đường biên, cột mốc ấp. Không ngại gian khó, bà Phương nhiều lần lội ruộng ngập nước theo bước chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) tuần tra. Bà cùng cán bộ, chiến sĩ phát quang bụi rậm chung quanh cột mốc, tuyên truyền người dân chung sức bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. “Do có nhà trên tuyến biên giới, nên khi địa bàn phát sinh vụ việc phức tạp, hay đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, tôi cùng các thành viên của Tổ báo lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương”, bà Phương nói.

Trung tá Danh Kim Huôl, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành cho biết, đến nay đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền thành lập các mô hình phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, thanh niên xung kích bảo vệ đường biên… Đặc biệt, hiện tất cả 5 xã của huyện Giang Thành đều đã thành lập Tổ phụ nữ tuyên truyền, vận động bảo vệ đường biên, cột mốc. Từ công tác phối hợp, lực lượng biên phòng kịp thời phát hiện hành vi xâm canh, xâm cư, đấu tranh với các hoạt động vi phạm pháp luật trên biên giới; tiếp nhận tố giác phần tử xấu có hành vi, dấu hiệu làm sai lệch đường biên, cột mốc…

“Mới đây, đơn vị nhận tin báo của quần chúng về trường hợp hai người dân Campuchia điều khiển máy cày tiến hành cày xới đất tại khu vực cột mốc 295, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Đơn vị thực hiện biện pháp ngăn chặn, buộc hai người này dừng cày xới đất, đồng thời thông báo cho lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia tuyên truyền, vận động hai công dân Campuchia chấp hành, dừng hoạt động cày xới trái phép”, Trung tá Danh Kim Huôl cho biết.

Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, qua 5 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, giai đoạn 2019-2024, có 202 hộ và 816 cá nhân đăng ký tự quản mốc quốc giới với 49,677 km đường biên giới. Trên toàn tuyến biên giới thành lập 17 tổ/85 thành viên Tổ an ninh trật tự; ở khu vực biên giới biển, đảo thành lập 39 tổ/460 tàu/443 thành viên Tổ tàu thuyền an toàn và 7 tổ/39 thành viên bến bãi an toàn.