Đến với triển lãm 100 tác phẩm của Văn Chiến mới thấy hết sức lao động sáng tạo của người họa sĩ đã bước vào tuổi 73. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1984, ông đã vẽ nhiều thể loại, trên nhiều chất liệu, nhưng thành công và nổi tiếng nhất là với sơn mài. Điều đó thể hiện trong loạt tranh sơn mài của ông tại triển lãm lần này.
Nét độc đáo của sơn mài Văn Chiến là kỹ thuật xử lý cốt vóc và gắn vỏ trứng để tạo nên màu bạc sáng theo nhiều sắc độ bền vững. Mỗi tác phẩm sơn mài trứng của ông là sự kết hợp đa dạng với vàng, bạc và các chất liệu màu then, màu cánh gián hay sắc đỏ của son để tạo hiệu ứng độ sâu huyền ảo, vừa mộc mạc, vừa sang trọng.
Hoạ sĩ Văn Chiến bên một tác phẩm sơn mài trứng khổ lớn mang phong cách riêng của ông. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân) |
Để trở thành một bậc thầy trong lĩnh vực hội họa sơn mài trứng là cả một quá trình tìm hiểu và sáng tạo không ngừng nghỉ. Cho đến nay, họa sĩ Văn Chiến đã có một kho tàng đồ sộ các sáng tác sơn mài trứng mang một phong cách riêng độc đáo, tỉ mỉ, chi tiết và đầy biến hóa trong từng tác phẩm và cũng bởi vậy, cái biệt danh “Chiến trứng” đã gắn với ông từ ấy.
Từ những thành công của mình, họa sĩ Văn Chiến còn thử nghiệm kết hợp những chất liệu ông sử dụng trong sơn mài với sơn khắc. Hướng đi mới này đã phát huy thế mạnh của từng thể loại trong đường nét tinh tế, hình khối chắc khỏe và màu sắc rực rỡ, sâu lắng, mang đến những hiệu ứng thị giác và cảm nhận nghệ thuật mới lạ, đầy thú vị.
Toàn cảnh không gian trưng bày tại triển lãm. |
Họa sĩ Văn Chiến là người yêu thích sự dịch chuyển với nhiều chuyến đi thực tế để trải nghiệm và đưa những cảm nhận của mình vào trong các sáng tác. Chính vì vậy, cách nhìn con người, sự vật của ông rất sắc sảo, mang tính triết lý mà vẫn tràn ngập sự lãng mạn, hào hoa trong một phong cách hiện đại, thu hút sự chú ý của công chúng bởi sự đa dạng và sắc màu trong biểu cảm nghệ thuật.
100 tác phẩm tại triển lãm của ông lần này như một ghi dấu chặng đường sáng tác mới của ông. Các tác phẩm đa dạng về chủ đề, giàu cá tính, vừa mang đậm chất cổ điển, đồng thời lấp lánh trong đó phong cách đương đại và xu thế thể hiện mới của hội họa đương đại. Có thể nói, mỗi tác phẩm như một câu chuyện riêng biệt, thể hiện tài năng và trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ.
Một số tác phẩm sơn mài của hoạ sĩ Văn Chiến tại triển lãm. |
Theo họa sĩ Văn Chiến, những tác phẩm tại triển lãm giống như dòng hồi ức, chứa đựng những kỷ niệm và cả trải nghiệm của cuộc đời sáng tác gắn với quê hương, đất nước cùng những cảm nhận các giá trị văn hóa, tâm linh dân tộc. Trước đây, ông đã từng giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm ấn tượng được công chúng yêu nghệ thuật biết đến như: Nhà tôi, Quê nội, Phong cảnh Bắc Giang, Đền Bảo Lộc Nam Định, Đình làng Tây Tựu, Tây Bắc tháng Ba... thì lần này nổi bật vẫn là những hình ảnh gần gũi, thân quen của: Chợ quê, Làng quê, Hà Nội phố, Ngoại ô, Vùng cao, Lễ hội, Tâm linh, Chân dung...
Các tác phẩm sơn mài tại triển lãm mang đậm nét đặc trưng của phong cảnh, văn hóa, những phong tục, đời sống sinh hoạt của các vùng miền, được chắt lọc và phóng tác bằng đường nét, hình khối và sắc màu sơn mài bay bổng. Đó là thành quả của tư duy sáng tạo từ hàng nghìn bức ký họa trong những chuyến đi thực tế khắp các miền đất nước. Còn với Văn Chiến, ông chỉ chia sẻ một cách bình dị: “Tôi tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ về sơn mài và kỹ thuật làm sơn mài thời xưa, học hỏi kinh nghiệm và chắt lọc tinh hoa từ các nghệ nhân, các danh họa để từ đó tìm cho mình một hướng đi riêng”.
Hoạ sĩ Văn Chiến và nhà nghiên cứu, sưu tập tranh Nguyễn Đức Tiến. |
Họa sĩ Văn Chiến từng tham gia vào nhiều triển lãm mỹ thuật toàn quốc và đã có nhiều triển lãm cá nhân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần mang lại sự đa dạng và đổi mới trong phong cách hội họa Việt Nam. Các tác phẩm của ông cũng đã có mặt tại không ít triển lãm quốc tế và trong các bộ sưu tập của bảo tàng các nước. Đã có nhiều thành công, nhưng ở độ tuổi “thất thập” ông vẫn luôn đau đáu mong muốn làm việc và sáng tạo nhiều hơn nữa để chung tay đưa sơn mài Việt Nam lan tỏa, vươn xa và nổi danh ở tầm quốc tế.