Những điểm số “nhất” trong kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023

NDO - Môn Giáo dục Công dân có số điểm 10 nhiều nhất với 14.693 điểm 10 (chiếm tỷ lệ 89,77% tổng số điểm 10 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023); trong khi đó, môn Địa lý có số điểm 0 nhiều nhất với 80 điểm 0 (chiếm 49,68% tổng số điểm 0 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023).
0:00 / 0:00
0:00
Môn Giáo dục Công dân có số điểm 10 nhiều nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Môn Giáo dục Công dân có số điểm 10 nhiều nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Theo công bố điểm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số chín môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có tổng số 5.798.631 thí sinh dự thi, môn Ngữ văn có nhiều thí sinh dự thi nhất: 1.008.239 thí sinh; môn Sinh học có số thí sinh dự thi ít nhất: 324.625 thí sinh.

Kết quả điểm thi, có tổng số 161 điểm 0. Trong đó, môn Địa lý có số điểm 0 nhiều nhất gồm 80 điểm 0 (chiếm tỷ lệ 49,68% số điểm 0 của kỳ thi); môn Toán có số điểm 0 ít nhất gồm 2 điểm 0.

Đối với điểm 10, trong tổng số chín môn thi có 16.363 điểm 10. Trong đó, môn Giáo dục Công dân có số điểm 10 nhiều nhất: 14.693 điểm 10 (chiếm tỷ lệ 89,77% số điểm 10 của kỳ thi); môn Ngữ văn có số điểm 10 ít nhất chỉ có một bài thi đạt điểm 10.

Trong tổng số điểm các môn thi có 1.070.809 thí sinh có điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm). Trong đó, môn Toán có số thí sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất: 217.093 thí sinh; môn Giáo dục Công dân có số thí sinh đạt điểm thi dưới trung bình ít nhất: 5.492 thí sinh.

Tính trung bình điểm số của môn thi, môn Giáo dục công dân có điểm thi trung bình cao nhất: 8,29 điểm; môn tiếng Anh có điểm trung bình thấp nhất 5,45 điểm.

Những điểm số “nhất” trong kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ảnh 1
Thí sinh ở Hà Nội làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Việt Đức. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Việc phân tích điểm số, phân bố điểm cao, thấp theo phổ điểm của mỗi môn thi là cơ sở quan trọng để đánh giá tính hiệu quả, phù hợp của đề thi so với yêu cầu của kỳ thi.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, kết quả của kỳ thi cho thấy những tín hiệu tích cực: Khẳng định được việc ổn định của kỳ thi tốt nghiệp THPT; có sự phân hóa; bảo đảm là kỳ thi tốt nghiệp nên đòi hỏi một mặt bằng chung chứ không phải thi để chọn lựa. Kết quả kỳ thi là nền tảng cần thiết để nhìn nhận những môn cần cải tiến.

Thí dụ, môn Lịch sử, sau quá trình cải tiến cách dạy, cách học, kiểm tra, đánh giá, cho nên kết quả thi cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Trong khi đó, nhìn vào kết quả môn tiếng Anh sẽ đặt ra yêu cầu cần cải thiện thế nào cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá, đầu tư về ngoại ngữ cho các vùng miền khác nhau.

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, qua quan sát phổ điểm năm 2023 so với 2 năm trước là tương đối ổn định. Sự ổn định này nói lên việc ra đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá chắc chắn, tạo ra sự ổn định cho xã hội, cho học sinh, phụ huynh. Đây là điều đáng mừng.

Đặc biệt, một số môn có sự cải thiện tốt hơn. Thí dụ như phổ điểm của môn Lịch sử năm nay, về hình dáng đẹp hơn so với 2 năm trước. Các môn: Toán, Vật lý, Hóa học tính ổn định khá cao. Tuy nhiên, đối với phổ điểm môn tiếng Anh thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phân tích đến từng vùng, từng trường học để xem như thế nào. Trên cơ sở đó mới có một kết luận và các đề xuất chính xác về dạy và học ngoại ngữ.