Những điểm chính trong báo cáo của IPCC về tác động của biến đổi khí hậu và sự thích ứng

NDO -

Ngày 28/2, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) - cơ quan do Tổ chức Khí tượng thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc thành lập - đã công bố báo cáo mới nhất cho thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với tự nhiên, xã hội và các nền kinh tế, cũng như những gì chúng ta có thể làm để thích ứng trước tình trạng Trái đất nóng lên.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. (Ảnh: Reuters)
Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. (Ảnh: Reuters)

Dưới đây là một số kết luận chính của báo cáo:

Thiệt hại đang xảy ra trên diện rộng

IPCC cảnh báo, con người và các loài động vật đang chết dần trong các đợt sóng nhiệt, bão lũ và các thảm họa khác do sự nóng lên toàn cầu gây ra. Hàng trăm loài động thực vật đã biến mất khỏi các khu vực bản địa, cả trên đất liền và trên biển.

Thời tiết khắc nghiệt cũng đã khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, an ninh nguồn nước nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, cũng như gây gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Mức độ thiệt hại thậm chí còn gia tăng khi các tác động của biến đổi khí hậu xảy ra cùng lúc, chẳng hạn như các đợt sóng nhiệt xảy ra ở những khu vực đang bị hạn hán. Trong đó, một số tổn thất, như sự sụp đổ của các rạn san hô hay sự tan chảy của các sông băng, là không thể phục hồi.

Báo cáo kêu gọi sự thay đổi toàn diện trong cách con người ứng xử với thiên nhiên. Đồng tác giả báo cáo Ed Carr, một nhà địa lý và nhân chủng học tại Đại học Clark ở bang Massachusetts (Mỹ), cho biết chỉ cải thiện hệ thống kinh tế và xã hội thôi thì không đủ để giúp thế giới tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong tương lai. Thay vào đó, cần phải có “những thay đổi mang tính chuyển đổi”, từ thực phẩm, năng lượng, giao thông vận tải đến chính trị và xã hội.

Chúng ta đang phá vỡ các giới hạn của sự thích ứng

Theo IPCC, có một giới hạn nhất định cho việc thích ứng của chúng ta với tác động của biến đổi khí hậu. Và cuối cùng, khi các điều kiện khí hậu trở nên quá cực đoan, những rủi ro liên quan sẽ vượt quá khả năng kiểm soát.

Trong nhiều trường hợp, về mặt kỹ thuật vẫn có thể điều chỉnh cho phù hợp với các điều kiện khí hậu thay đổi, nhưng các vấn đề như chi phí hoặc chính sách lại trở thành các rào cản. IPCC gọi đây là những giới hạn “mềm” của sự thích ứng.

Không có các giải pháp rõ ràng đối với các giới hạn “cứng”. Về mặt sinh học, con người vẫn có thể chống chọi được với mức nhiệt độ lớn. Trong khi đó, các hòn đảo nằm thấp dưới mực nước biển cuối cùng sẽ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng. Một số loài động thực vật đã chạm ngưỡng giới hạn “cứng” này, chẳng hạn như các rạn san hô đã không thể sống sót qua các đợt sóng nhiệt đại dương.

Các giới hạn “cứng” gia tăng theo mức độ tăng dần của sự nóng lên toàn cầu, nhưng sẽ tăng vọt đáng kể nếu Trái đất nóng thêm 1,5 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. Sự tăng nhiệt độ toàn cầu hiện đã ở mức 1,1 độ C, và sẽ đạt ngưỡng 1,5 độ C nói trên chỉ trong vòng 2 thập kỷ nữa.

Nếu nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5 độ C, các cộng đồng dựa vào sông băng và tuyết tan để lấy nước ngọt sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước ngọt trầm trọng. Với kịch bản 2 độ C, các cây lương thực quan trọng sẽ không thể phát triển được ở nhiều nơi. Và nếu tình trạng nóng lên ở mức trên 1,5 độ C được duy trì trong một vài thập kỷ, nhiều tác động sẽ không thể đảo ngược.

Những điểm chính trong báo cáo của IPCC về tác động của biến đổi khí hậu và sự thích ứng -0
Tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng trên khắp thế giới do tác động của biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)

Thiên nhiên đang gặp “phiền toái” lớn

Mọi khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ mất mát và tuyệt chủng loài ngày càng tăng. Các nhà khoa học dự báo, nếu Trái đất nóng thêm 1,5 độ C, khoảng 3-14% số loài trên thế giới có khả năng biến mất.

Có nguy cơ cao nhất là các loài sống ven biển khi phải đối mặt với mực nước biển dâng trong tương lai, cũng như những loài sống phụ thuộc vào dòng chảy của sông theo mùa - một yếu tố sẽ bị gián đoạn do hạn hán hoặc do sự tan chảy sớm hơn của các sông băng ở thượng nguồn. Các loài thực vật và động vật không thể dễ dàng di chuyển đến các khu vực dễ chịu hơn cũng đối mặt với nguy cơ cao.

Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo tồn 30-50% diện tích đất liền, nước ngọt và đại dương trên Trái đất - tương tự mục tiêu 30% đặt ra trong Công ước Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc.

Thế giới hiện nay đang còn cách rất xa mục tiêu đó. Báo cáo của IPCC cho biết, chưa tới 15% diện tích đất liền, 21% diện tích nước ngọt và chỉ 8% diện tích đại dương trên hành tinh đang được bảo vệ dưới các hình thức khác nhau, tuy nhiên phần lớn không có sự quản lý, giảm sát đầy đủ.

Con người và xã hội cũng không tránh khỏi nguy cơ

Bên cạnh những rủi ro về sức khỏe cộng đồng do các đợt sóng nhiệt và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh lây lan qua thực phẩm hư hỏng, nguồn nước bị ô nhiễm, hoặc côn trùng mang mầm bệnh như muỗi.

Ở một số cộng đồng, đặc biệt là những người nghèo và dễ bị tổn thương, tình trạng suy dinh dưỡng đang ngày càng gia tăng. Sản lượng lương thực có thể bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và thời tiết bất ổn, cùng với sự suy giảm về chất lượng đất cũng như khả năng thụ phấn của cây trồng. Ngư nghiệp cũng sẽ hứng chịu tác động, đặc biệt là những cộng đồng có sinh kế dựa vào các rạn san hô.

Cũng theo báo cáo, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang gây gián đoạn các dịch vụ y tế và làm trầm trọng thêm tình trạng stress về sức khỏe tâm thần.

Thời gian không còn nhiều

Báo cáo kêu gọi mọi người chuẩn bị sẵn sàng cho một thế giới nóng hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tác động khác của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với dự đoán trong các báo cáo trước đó.

“Nếu còn chậm trễ hành động, thế giới sẽ bỏ lỡ cánh cửa cơ hội ngắn ngủi và đang nhanh chóng khép lại để bảo đảm một tương lai bền vững và đáng sống cho tất cả mọi người”, IPCC kết luận.

Các cộng đồng cần phải củng cố cơ sở hạ tầng và xem xét lại các biện pháp ứng phó với một số vấn đề như nhiệt độ, nguy cơ lũ lụt hoặc khả năng cung cấp nước. Báo cáo nhấn mạnh, những nỗ lực nhằm cải thiện khả năng sống đồng thời giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang trở nên “cấp thiết hơn bao giờ hết”. Các hành động ưu tiên bình đẳng và công bằng, bao gồm giải quyết bất bình đẳng về giới hoặc thu nhập, sẽ giúp tạo ra hiệu quả tổng thể tốt hơn.

Hiện nay, mặc dù các quốc gia đều đã đề cập tới vấn đề thích ứng trong kế hoạch khí hậu của mình, song hầu hết thế giới đều đang tụt hậu so các mục tiêu đề ra.

Theo Tiến sĩ Adelle Thomas, đồng tác giả báo cáo của IPCC, mặc dù quá trình thích ứng đang diễn ra, song nguồn kinh phí là không đủ, và nó cũng chưa được dành sự ưu tiên thỏa đáng.

“Chúng ta cần có hành động tập trung và hỗ trợ tài chính để thích ứng, đặc biệt là trong thập kỷ tới”, bà Adelle Thomas nhấn mạnh.