Liên hợp quốc kêu gọi hạn chế hậu quả bom mìn

Hơn 25 năm qua, hàng triệu thiết bị bom mìn khắp thế giới đã được rà phá kể từ khi Công ước quốc tế về cấm mìn sát thương (Công ước Ottawa) được thông qua và Cơ quan Hành động bom mìn Liên hợp quốc được thành lập. Song, lãnh thổ của gần 70 quốc gia vẫn còn "ô nhiễm" do bom mìn và hàng chục triệu người vô tội vẫn phải đối mặt nguy cơ tử vong hoặc thương tật rình rập hằng ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Hai cán bộ rà phá bom mìn đang làm việc. (Ảnh: UN)
Hai cán bộ rà phá bom mìn đang làm việc. (Ảnh: UN)

Nhân Ngày Quốc tế Nhận thức và Hỗ trợ hành động bom mìn (4/4), Liên hợp quốc phát động chiến dịch "Hành động bom mìn không thể chờ đợi", nhấn mạnh các quốc gia, như Afghanistan, Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Campuchia, Lào và Việt Nam vẫn phải hứng chịu hậu quả kéo dài sau hàng chục năm bị ô nhiễm bom mìn.

Theo các báo cáo, trong năm 2021, hơn 5.500 người đã chết hoặc bị thương do bom mìn trên thế giới, hầu hết là dân thường và một nửa trong số đó là trẻ em.

Trong thông điệp gửi tới Hội nghị chuyên đề về hành động bom mìn mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, đối với hàng triệu người, nhất là phụ nữ và trẻ em, những người đang sống trong môi trường đầy bất ổn và hỗn loạn do các cuộc xung đột vũ trang gây ra, mỗi bước chân đều có sự nguy hiểm rình rập. Ngay cả sau khi chiến sự hay xung đột chấm dứt, hòa bình không thể bảo đảm sự an toàn khi các cộng đồng vẫn phải đối mặt mối đe dọa hiện hữu từ bom mìn và các vật liệu nổ có khả năng sát thương nguy hiểm khác, nằm rải rác khắp nơi, dưới những con đường, những cánh đồng.

Theo các báo cáo, trong năm 2021, hơn 5.500 người đã chết hoặc bị thương do bom mìn trên thế giới, hầu hết là dân thường và một nửa trong số đó là trẻ em.

Bom mìn là một vấn đề lớn và đặc biệt nguy hiểm ở các quốc gia có nhiều diện tích nông nghiệp.

Tại Afghanistan, quốc gia chịu nhiều thương vong do bom mìn gây ra nhất thế giới, hơn 18 triệu quả mìn đã được rà phá kể từ năm 1989, giải phóng hơn 3.000km2 đất, mang lại môi trường sống an toàn cho hàng nghìn cộng đồng, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Song, công tác rà phá khối lượng bom mìn quá lớn đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và kinh phí.

Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) chỉ ra, bất chấp những nỗ lực trong việc rà phá bom mìn suốt 10 năm qua, hàng loạt vật liệu nổ vẫn ẩn khuất dưới diện tích hơn 15 triệu m2 trên khắp Libya. Theo thống kê từ UNSMIL, năm 2022, nhóm hành động bom mìn quốc tế đã loại bỏ 27.400 vật liệu nổ tại các thành phố Tripoli, Misurata, Benghazi và Sirte.

Vấn đề bom mìn nằm rải rác trong đất cũng là mối lo ngại của Iran. Chủ tịch Trung tâm hành động bom mìn của Iran ước tính, hiện có khoảng 20 triệu bom mìn còn sót lại trong khu vực rộng 42.000km2 trải dài trên năm tỉnh dọc biên giới phía tây và tây nam ở Iran, sau cuộc chiến tranh kéo dài tám năm với Iraq từ năm 1980 đến năm 1988, vẫn là mối nguy hiểm thường trực đối với hơn 4 triệu người dân Iran.

Theo Tổng Thư ký Guterres, Cơ quan Hành động bom mìn Liên hợp quốc (UNMAS) đã nỗ lực phối hợp nhiều đối tác nhằm loại bỏ loại vũ khí phát nổ nguy hiểm này và hỗ trợ các quốc gia để bảo đảm an toàn cho trẻ em trên hành trình đi học, những bệnh nhân trên đường đi khám, hay nông dân làm việc trên đồng ruộng… ở các khu vực có nguy cơ cao. Kể từ những năm cuối thập niên 1990, hơn 55 triệu quả mìn trên thế giới đã bị phá hủy, hơn 30 quốc gia không còn bị ô nhiễm bom mìn, cùng với số lượng thương vong đã giảm đáng kể và các cơ chế, bao gồm Quỹ Ủy thác tự nguyện của Liên hợp quốc về hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, đã được thành lập để hỗ trợ các nạn nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng.

Kể từ những năm cuối thập niên 1990, hơn 55 triệu quả mìn trên thế giới đã bị phá hủy, hơn 30 quốc gia không còn bị ô nhiễm bom mìn, cùng với số lượng thương vong đã giảm đáng kể và các cơ chế, bao gồm Quỹ Ủy thác tự nguyện của Liên hợp quốc về hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, đã được thành lập để hỗ trợ các nạn nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, thế giới vẫn cần nỗ lực hơn nữa để bảo đảm người dân vô tội tránh khỏi các tác động nguy hiểm của bom mìn.

Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các thành viên Liên hợp quốc đoàn kết hành động nhằm loại bỏ mối đe dọa mìn sát thương, hỗ trợ các cộng đồng chữa lành những vết thương do bom mìn, cũng như giúp họ trở lại và tái thiết cuộc sống trong môi trường an toàn ■