Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Những cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp phát triển ở Hà Nam

Tỉnh Hà Nam xác định, công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng; công nghiệp phát triển sẽ là động lực để dẫn dắt các ngành nghề khác như thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị cùng phát triển; góp phần đưa tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics của vùng đồng bằng sông Hồng.

Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 11NQ/TU ngày 15/9/2021 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, xác định rõ mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2025: phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 12,6%/năm; tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh là 56,5%. Tạo việc làm mới cho hơn 50.000 lao động ngành công nghiệp. Phấn đấu cơ bản lấp đầy các khu công nghiệp đã hoạt động, lấp đầy 50% diện tích các khu công nghiệp mới thành lập. Từng bước đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp. Xây dựng và đưa vào sử dụng các dự án nhà ở xã hội phục vụ được từ 10.000 công nhân các khu công nghiệp trở lên.

Những cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp phát triển ở Hà Nam ảnh 1

Dây chuyền sản xuất may công nghiệp tại khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện nghị quyết và phân công cụ thể cho các ngành, địa phương. Đồng thời, xác định các khâu đột phá cần tập trung thực hiện để phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới. Trước hết là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua hợp tác với các cơ quan ngoại giao, các đơn vị tư vấn nước ngoài, các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia nhằm khai thác hiệu quả các kênh thu hút đầu tư trong và ngoài nước.Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động, duy trì các kênh đối thoại với các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện, tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, với 8 khu công nghiệp đã được thành lập với diện tích 2.516ha, Khu công nghệ cao Hà Nam đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, 4 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch với diện tích 940 ha và dự kiến thành lập các khu công nghiệp mới với tổng diện tích là 3.200ha.

Đến nay, tỉnh đang tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối, nhất là về hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh như: dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với đường Quốc lộ 21A, Quốc lộ 21B; đường nối 2 cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Hà Nội-Ninh Bình; kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu di tích lịch sử-văn hóa đền Trần (Nam Định) với tổng mức đầu tư 4.950 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 21, Tổng nguồn vốn đầu tư dự án hơn 691 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường nối Vành đai 4-Vành đai 5 qua Quốc lộ 38 đến đường Quốc lộ 21, huyện Kim Bảng, dự án có tổng mức đầu tư 1.496 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, tổng mức đầu tư dự án gần 1.400 tỷ đồng….

Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao theo định hướng, quy hoạch, khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, phù hợp điều kiện của địa phương.

Những cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp phát triển ở Hà Nam ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hợp Tiến.

Tỉnh Hà Nam có chủ trương thu hút các tập đoàn lớn để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, kết hợp mua sắm, đưa Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa của các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí và mua sắm.

Hiện đã có nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam, cũng như trên thế giới đến đầu tư vào Hà Nam, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Flamingo, Tập đoàn Central Retail,…

Hà Nam cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh cả về số lượng và chất lượng. Khu đại học Nam Cao tỉnh Hà Nam có quy mô 912 ha, được quy hoạch thống nhất, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại đang thu hút các trường đại học về đầu tư, xây dựng. Đến nay đã có Trường FPT, Đại học Xây dựng đã đi vào hoạt động.

Xác định công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà để phát triển các ngành khác, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã có các giải pháp đột phá về cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp. Trong đó, tập trung vào một số cơ chế chính sách như: đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp"

Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics.

Củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp như điện, cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, logictics, nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.

Hà Nam đang quyết liệt triển khai Đề án của Thủ tướng Chính phủ về "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Hiện có 2 dự án nhà ở xã hội; 3 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đang được triển khai; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính. Từ đó, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất.

Tỉnh Hà Nam đã tổ chức thành công các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), một số nước châu Âu,… Qua đó giúp Hà Nam luôn giữ vững được vị trí nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Thực hiện phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, tăng cường nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Hiện, Hà Nam có tỷ lệ lao động qua đào tạo khá cao, đạt khoảng 70%. Đây cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các dự án công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề về làm việc, sinh sống tại tỉnh.

back to top