Chính quyền các cấp của tỉnh coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần bảo đảm yêu cầu tiến độ, hiệu quả của các dự án.
Tỉnh Hà Nam hiện có tám khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.043 ha. Các khu công nghiệp đã được đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, trong đó tỷ lệ diện tích đất công nghiệp, các khu công nghiệp đã lấp đầy khoảng hơn 80%.
Để tiếp tục đón các nhà đầu tư mới, Hà Nam đang tập trung chỉ đạo các địa phương tập trung làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng nhằm phát triển và mở rộng các khu công nghiệp.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
Trong 10 năm qua, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng đã triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng 21 công trình, dự án với tổng diện tích đất phải thu hồi khoảng 70 ha tương đương 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng số tiền bồi thường hơn 110 tỷ đồng.
Đến nay cơ bản, nhân dân trong xã đều đồng thuận, không có các tranh chấp phát sinh, không có đơn thư khiếu kiện và không có trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế giải phóng mặt bằng hay biện pháp bảo vệ thi công. Các dự án đã được bàn giao mặt bằng sạch, đúng thời gian để triển khai thực hiện.
Để có được kết quả đó, theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Sơn Nguyễn Văn Trị là nhờ có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Đội ngũ cán bộ của xã thường xuyên sâu sát với cơ sở, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân để nắm chắc tình hình, tư tưởng của từng hộ dân có liên quan đến giải phóng mặt bằng, từ đó, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân để đấu tranh, phản bác những tư tưởng, việc làm thiếu tích cực.
Tương tự, từ năm 2020 đến nay, huyện Lý Nhân đã triển khai giải phóng mặt bằng 33 dự án, bảo đảm đúng quy trình, công khai, dân chủ, đúng quy định và cơ bản được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thái Hà 2 có quy mô 100 ha thuộc địa bàn các xã Trần Hưng Đạo, Chân Lý và Bắc Lý.
Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt dự án, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo địa phương triển khai thực hiện các bước trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư thi công hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.
Trong đó, quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân có diện tích đất thuộc diện giải phóng mặt bằng hiểu về ý nghĩa, vai trò của Khu công nghiệp Thái Hà trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và của địa phương nói riêng.
Đến thời điểm này, Khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn 1 đã thu hút được gần 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 95%. Với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động, Khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn 2 đã giải phóng mặt bằng được hơn 40% diện tích.
Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Nguyễn Đức Nhương cho biết: Huyện xác định, công tác giải phóng mặt bằng thúc đẩy phát triển công nghiệp là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025, là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trong quá trình thực hiện, huyện chỉ đạo và yêu cầu bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải thực hiện theo đúng quy định, công khai, minh bạch; thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến để nhân dân tiếp cận đầy đủ thông tin và thực hiện tốt các quy định giải phóng mặt bằng.
Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, xác định rõ nhiệm vụ, lộ trình thực hiện; phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng tổ chức và cán bộ, đảng viên phụ trách thôn, hộ quần chúng, lấy đó là một trong những tiêu chí quan trọng làm căn cứ đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ và là tiêu chí thi đua đối với mỗi địa phương, đơn vị, cá nhân.
Từ năm 2021 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hà Nam đã giải phóng mặt bằng 246 dự án với tổng diện tích phải thu hồi hơn 1.700 ha; trong đó, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 1.500 ha. Về cơ bản, các dự án đã đáp ứng yêu cầu tiến độ, kế hoạch, phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời quỹ đất phục vụ các dự án trên địa bàn, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo, rà soát cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục liên quan đến thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với thực tế.
Hài hòa lợi ích
Xác định công tác giải phóng mặt bằng góp phần quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư của tỉnh, các cấp, ngành đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; rà soát quy định của tỉnh về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ; quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để sửa đổi, bổ sung cho đúng quy định, phù hợp với thực tế.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ lợi ích và trách nhiệm đối với việc xây dựng và phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tổ chức các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu với nhân dân để nắm bắt nguyện vọng liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như giải đáp những thắc mắc cho người dân.
Từ đó, kịp thời điều chỉnh và vận dụng linh hoạt các chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo sự đồng thuận của đa số nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết: Để giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước, nhà đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác tái định cư cho người dân, hướng đến mục tiêu tạo ra nơi ở mới có điều kiện bằng hoặc tốt hơn cho người dân khu vực có đất bị thu hồi; tái định cư phải đi trước một bước trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Các huyện, thị xã, thành phố phải bố trí quỹ đất cho tái định cư, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư các khu đô thị mới phải bố trí quỹ đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho những dự án sau này trên địa bàn. Người dân có đất bị thu hồi được tỉnh quan tâm để an sinh bền vững.
Các địa phương phối hợp tốt với nhà đầu tư, các trường học trên địa bàn để đào tạo nghề cho con em và lo sinh kế cho người dân tại những nơi có dự án, bảo đảm nhân dân có cuộc sống ổn định, thu nhập tốt hơn và được làm việc ngay trên mảnh đất đã gắn bó.
Năm 2023, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật kết nối đối với bốn khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung.
Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm có vai trò huyết mạch đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm kết nối nội bộ, kết nối vùng thuận lợi, kết nối các khu công nghiệp với tuyến đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ...
Trong số đó, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành một số dự án như: Nút giao Phú Thứ; tuyến đường liên kết vùng và đường nối hai đền Trần; mở rộng tuyến đường nối hai cao tốc, tuyến đường song hành vành đai 5; đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng khu công nghiệp, tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng thu hút đầu tư.