Những câu chuyện cảm động về Bác trên cầu truyền hình “Hồ Chí Minh – Sáng ngời ý chí Việt Nam”

NDO -

NDĐT – Trong chương trình cầu truyền hình “Hồ Chí Minh – Sáng ngời ý chí Việt Nam”, nhiều nhân chứng đã kể những câu chuyện xúc động về những kỷ niệm với vị Cha già của dân tộc.

Cụ Hoàng Ngọc tại Khu di tích Tân Trào, Tuyên Quang. Ảnh chụp màn hình.
Cụ Hoàng Ngọc tại Khu di tích Tân Trào, Tuyên Quang. Ảnh chụp màn hình.

Chương trình cầu truyền hình đặc biệt do Ban Tuyên giáo Trung ương, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND tỉnh Nghệ An, UBND thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện tại các điểm cầu: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Bến Nhà Rồng và Công viên Văn Miếu thành phố Cao Lãnh.

Hầu hết các nhân chứng tham dự chương trình đều đã ở vào tuổi 70-80, nhưng khi được gặp Bác Hồ, họ chỉ mới ở độ tuổi thiếu niên. Cụ Hoàng Ngọc năm nay 84 tuổi, ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, Tuyên Quang là nhân chứng duy nhất còn lại ở đây từng được gặp Bác. Cụ kể lại, khi gặp Bác, cụ là một cậu bé mới 9 tuổi. Hình ảnh Bác Hồ vẫn còn rõ nét trong tâm trí cụ như mới ngày hôm qua : “Ngày 21-5-1945, Bác nghỉ trưa ở đình Hồng Thái đây, sau đó đi vào làng thăm các cụ. Khi đó Bác gầy lắm nhưng mắt sáng, lời nói thì dễ nghe, đi vào lòng người. Bác dặn chúng tôi phải giữ bí mật cho cả cụ già và cách mạng”. Tại Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lán Nà Lưa, và Người có 92 ngày đêm chuẩn bị cho bước ngoặt lịch sử của dân tộc. Tháng 7-1945, trước khi diễn ra Hội nghị Tân Trào, Bác ốm nặng tưởng chừng không qua khỏi. Trong căn lán nhỏ, Người đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Ngày 16 và 17-8-1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào.

Có mặt trong chương trình có một số dũng sĩ diệt Mỹ từng được ra Hà Nội gặp Bác, trong đó có ông Võ Phổ (thành phố Hồ Chí Minh). Ông là người 12 lần được phong dũng sĩ diệt Mỹ, ra Hà Nội gặp Bác Hồ năm 16 tuổi với chiếc chân đau còn găm 11 mảnh đạn.

Ông Võ Phổ kể lại: “Trong bức ảnh này tôi ngồi bên phải và cuối cùng, rất xa Bác Hồ và Bác Tôn, các bạn tôi đều được ngồi cạnh Bác. Lúc bấy giờ tâm trạng của người ngồi xa bao giờ cũng thấy buồn, vì ngồi gần Bác bao nhiêu thì thấy hạnh phúc bấy nhiêu. Khi đó Bác như đọc được suy nghĩ ấy của tôi, và Bác nói với một cô trong Phủ Chủ tịch lấy thêm một chiếc ghế thấp đặt trước mặt Bác. Khi ghế được đem đến, Bác vẫy tay gọi “cháu Phổ lại đây”. Lúc đó tôi ngần ngại chưa dám ngồi. Bác bảo: “Không, đây là ghế của cháu”. Khi tôi ngồi xuống, Bác bảo, “như vậy Bác cháu ta không còn xa nữa mà thậm chí cháu còn gần hơn các bạn khác”. Kỷ niệm nhỏ này đã theo ông Võ Phổ suốt cả cuộc đời.

Với ông Lê Chí Đức (Đồng Tháp) lại là một kỷ niệm khác, rất đặc biệt. Ông Lê Chí Đức chính là người đã mang tấm ảnh chụp mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và một nắm đất trên mộ Cụ ra bắc gặp Bác Hồ. Năm 1954, ông Lê Chí Đức là một trong những cán bộ và chiến sĩ miền nam tập kết ra bắc. Ông kể, trước khi đi, ông cùng các đồng đội bàn nhau xây dựng lại mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ ở Cao Lãnh, Đồng Tháp: “Chúng tôi cùng bà con xã Hòa An đem vật liệu đến xây, mỗi người một tay, chỉ một ngày là xong. Khi xong rồi, mọi người mới bảo nhau, bây giờ Bác không có ở đây, vậy phải làm sao để Bác được nhìn thấy mộ Cụ? May mắn khi đó có anh Lê Hưng là thợ chụp hình đã chụp lại tấm hình mộ Cụ Phó bảng để chúng tôi đem ra cho Bác. Mọi người lại có ý kiến rằng phải đem cho Bác một nắm đất miền nam, thế là anh em giao cho tôi bốc một nắm đất ở mộ Cụ gói vào tờ báo”. Đến giữa tháng 10-1954, ông Lê Chí Đức mới ra đến Hà Nội. Tới nơi, ông ra Bờ Hồ mua một chiếc hộp sơn mài, bỏ nắm đất vào đó, viết mấy chữ “Kính dâng Bác Hồ nắm đất miền nam được lấy tại mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khi nhận được chiếc hộp, Bác đã khóc…

Những câu chuyện cảm động về Bác trên cầu truyền hình “Hồ Chí Minh – Sáng ngời ý chí Việt Nam” ảnh 1

Tấm ảnh chụp mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được lưu giữ trân trọng tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Lê Chí Đức cho biết, năm 1978, ông có ra Hà Nội viếng Lăng Bác, có thấy chiếc hộp nhưng không rõ tấm ảnh có còn hay không.

Chiếc hộp hiện nay vẫn được lưu giữ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. TS Trần Viết Hoàn, người cận vệ của Bác năm xưa và cũng là nguyên Giám đốc Khu Di tích cho biết: “Tấm ảnh khi từ miền nam ra miền bắc như thế nào, chúng tôi không được biết. Chỉ biết rằng, ngay sau khi Bác mất, chúng tôi đã thống kê, ghi chép, lập hồ sơ tất cả những vật dụng của Bác để bảo quản và giữ gìn, trong đó có một hộp sơn mài, bên trong có một tấm hình. Chúng tôi được các đồng chí phục vụ Bác cho biết rằng, đây là tấm hình của đồng bào ở Cao Lãnh gửi ra biếu Bác. Tấm hình ấy ghi lại tất cả những hy sinh anh dũng của đồng bào để bảo vệ bằng được mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc khi địch tìm mọi cách phá hoại. Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác cho biết chiếc hộp này luôn được lau chùi sạch sẽ. Mỗi lần nhìn thấy tấm ảnh là Bác lại ứa lệ. Bác nói rằng, quê mình ở Nghệ An, mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh, ở những nơi như Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống, mình đã đi đến nơi, nhưng chưa về đến chốn. Tức là Bác chưa được vào thăm mảnh đất miền nam, chốn ấy là nơi cả cha và mẹ của Bác đều trút hơi thở cuối cùng. Từ năm 1954 đến nay, dù muôn vật có đổi thay, nhưng tấm ảnh này vẫn nằm ở vị trí trang trọng tại nơi sống và làm việc của Người”.

Những câu chuyện này dù đã được kể nhiều hay chưa bao giờ từng được biết đến, nhưng đều đã đi theo suốt cuộc đời và trở thành những kỷ niệm không bao giờ quên đối với mỗi nhân chứng.

Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam”