Những bước chạy “nước rút” trên cao tốc bắc-nam

NDO - Bốn dự án thành phần cao tốc bắc-nam giai đoạn I (2017-2020) gồm các đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây đang trong những bước chạy “nước rút”. Các đơn vị, nhà thầu trên tuyến đang huy động tối đa phương tiện và nhân lực, dốc toàn lực thi công “3 ca, 4 kíp”, phấn đấu thông xe kỹ thuật trước ngày 31/12 tới đây đúng theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
0:00 / 0:00
0:00
Các đơn vị, nhà thầu trên tuyến huy động tối đa phương tiện và nhân lực, dốc toàn lực thi công phấn đấu thông xe kỹ thuật trước ngày 31/12 tới.
Các đơn vị, nhà thầu trên tuyến huy động tối đa phương tiện và nhân lực, dốc toàn lực thi công phấn đấu thông xe kỹ thuật trước ngày 31/12 tới.

Cảnh tượng dễ bắt gặp trên đại công trường cao tốc bắc-nam lúc này là từng đoàn xe tải cỡ lớn chạy rầm rập suốt ngày đêm chở vật liệu đất đắp, cấp phối và bê-tông nhựa cho cả trăm mũi thi công trên suốt tuyến. Xe téc chở dầu chạy liên tục để cấp nhiên liệu cho các máy lu, máy xúc cỡ lớn chạy 2 tài lúc nào cũng nóng rực vì không có thời gian nghỉ.

Những kỷ lục ít có

“Nếu không có gì thay đổi và gặp bất lợi về mặt thời tiết thì đến ngày 31/12 tới sẽ thông xe kỹ thuật tuyến chính dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đến nút giao Đông Xuân”, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 Lương Văn Long khẳng định chắc nịch.

Đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 nối Ninh Bình-Thanh Hóa dài hơn 63km, có tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, khởi công xây dựng từ tháng 9/2020. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, “bão giá” vật tư, nhiên liệu, vật liệu, cùng điều kiện bất lợi của thời tiết, mưa nhiều kéo dài (gần 140 ngày mưa) và yếu tố địa chất (nền đất yếu),… có lúc tưởng chừng dự án không thể thông xe đúng hạn, song chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu vẫn cố gắng hết mức, phấn đấu thông xe kỹ thuật 53km tuyến chính, đoạn từ Mai Sơn (Ninh Bình) đến nút giao Đông Xuân (điểm giữa Quốc lộ 45 và Quốc lộ 47 nối vào thành phố Thanh Hóa).

Theo ông Long, tại 5 gói thầu của toàn dự án đang triển khai 79 mũi thi công, gồm 52 mũi thi công đường và cấu kiện, 24 mũi thi công cầu, 3 mũi thi công hầm. Tổng sản lượng thi công đến nay đạt hơn 80% giá trị xây lắp theo hợp đồng, còn giá trị sản lượng so mốc hoàn thành thông xe kỹ thuật ngày 31/12 đạt hơn 90%. Đối với thi công móng, mặt đường, hiện dự án huy động tổng cộng 36 dây chuyền thi công móng cấp phối đá dăm và bê-tông nhựa, 16 trạm trộn, 16 dây chuyền thảm mặt đường bê-tông nhựa và sẽ tiếp tục huy động thêm trong thời gian tới, tùy vào khả năng tiến độ.

Hơn một tháng qua, sau khi Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trực tiếp thị sát, chỉ đạo thúc đẩy tiến độ, các nhà thầu đã tích cực huy động bổ sung dây chuyền, thiết bị, nhân công, triển khai thi công “3 ca, 4 kíp” liên tục ngày đêm. Đến nay, công tác dỡ tải nền đất yếu một số đoạn trên tuyến dài hơn 14km đã cơ bản hoàn thành, nhà thầu đang tập trung làm các công trình hầm chui dân sinh, cống hộp sau khi dỡ tải để thi công các hạng mục móng, mặt đường tiếp theo.

“Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban điều hành dự án sẽ chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát tiếp tục thi công cuốn chiếu các hạng mục ngay khi có công địa để bảo đảm tiến độ thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12 tới đây trên tuyến chính dài 53km đúng theo yêu cầu”, ông Long khẳng định.

Là nhà thầu thi công gói thầu 12XL dài 6,6km (Km301-Km307+600), Phó Giám đốc Ban điều hành gói thầu 12XL Hoàng Đình Thịnh (Tập đoàn Đèo Cả) cho biết, trong hơn 1 tháng qua, sau khi hạng mục hầm Thung Thi của dự án cơ bản hoàn thành, Tập đoàn Đèo Cả lại cấp tập bắt tay vào “giải cứu” khối lượng công việc bị chậm của nhà thầu Hoàng Long (2,4km). Hạng mục khó khăn của gói thầu này là đoạn chính tuyến cắt qua sườn núi nên phải đào tới 12.000m3 đất; 600m đường cuối tuyến gặp nền đất yếu, hiện tại gia tải chưa đủ thời gian tắt lún. “Tập đoàn Đèo Cả huy động 80 thiết bị đầu máy, tổng nhân lực được huy động lên tới gần 500 người, trong đó có gần 100 lái xe, lái máy luân phiên thi công 24/7 trên công trường. Đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ để bảo đảm tiến độ chung của dự án”, ông Thịnh nói.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Phạm Thanh Bình cho biết, hiện thời gian nghiệm thu, thanh toán tại dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết được rút ngắn ở mức “kỷ lục” chỉ khoảng 2-3 ngày. Các nhà thầu cam kết cấp đủ tài chính, huy động tối đa nhân lực, thiết bị, từ tháng 10 trở lại đây, trung bình mỗi ngày dự án giải ngân 20-25 tỷ đồng, một tháng giải ngân hơn 700 tỷ đồng, bằng cả 1 năm thi công trước đó. Hầu hết các nhà thầu thi công trên tuyến cũng huy động nhân lực, thiết bị ở mức độ cao, tạo nên những kỷ lục thi công ít có.

Kích hoạt tối đa năng lực

Những bước chạy “nước rút” trên cao tốc bắc-nam ảnh 1

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy (đội mũ cối) thị sát tại công trường dự án cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo.

Tại hai dự án thành phần Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây, không khí thi công trong tháng cuối cùng của năm cũng hết sức khẩn trương, hối hả, bất chấp những trận mưa lớn xối xả trái mùa. Ngay khi nền đường vừa se, hàng trăm máy xúc, máy lu lại tiếp tục hoạt động với nhịp độ khẩn trương hơn nhằm bù lại thời gian dừng máy. Các chủ đầu tư cùng lực lượng tư vấn giám sát và nhà thầu đều tung vào công trường những nhân lực tinh nhuệ nhất, máy móc hiện đại nhất, ngày đêm bám công trường, bất kể lúc nào thời tiết thuận là dồn ra mặt đường thi công.

Một số gói thầu xây lắp đang trong giai đoạn “đường găng tiến độ” của hai dự án, đích thân lãnh đạo các doanh nghiệp xây lắp lớn ngành giao thông thường xuyên có mặt tại công trường, trực tiếp chỉ đạo, giám sát tiến độ, duy trì dòng tiền đổ vào các gói thầu đang trong giai đoạn thi công nước rút. Thậm chí, kể cả Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc doanh nghiệp vẫn chăm lo tới cả bữa ăn giữa ca tại công trường cho công nhân; hoặc rút tiền “thưởng nóng” cho các mũi thi công có tiến độ tốt.

Tại đợt kiểm tra hiện trường các dự án cao tốc vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tại 2 dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây phải thông xe kỹ thuật toàn dự án trên lớp bê-tông nhựa C.19 (bê-tông hạt trung) và lắp đặt đầy đủ dải phân cách, phấn đấu thi công lớp bê-tông nhựa C12.5 (bê-tông hạt mịn) ở các đoạn đủ điều kiện. Việc đẩy nhanh tiến độ thi công song hành cùng điều kiện bắt buộc bảo đảm quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng công trình.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu các nhà thầu chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ; nhà thầu nào bê trễ Bộ sẽ xem xét không cho tham gia thực hiện các dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II. Các nhà thầu như được “kích hoạt” năng lực, làm để có tiền “nuôi quân”, và còn vì danh dự những người lăn lộn với nghề cầu đường mấy chục năm qua.

Theo đánh giá của một chuyên gia ngành giao thông, quá trình triển khai các dự án thành phần cao tốc bắc-nam giai đoạn I gần như hội tụ đủ tất cả những khó khăn cực điểm của ngành xây lắp công trình giao thông. Từ việc khan hiếm, biến động giá vật liệu đất đắp, cát; nền đất yếu; phong tỏa công trường do dịch Covid-19; mưa lớn kéo dài gần nửa năm,… đã khiến việc thi công các dự án gần như tê liệt. Tại dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết, năm 2021 có 150 ngày mưa, 11 tháng của năm 2022 có 120 ngày mưa. Cứ sau mỗi trận mưa, công trường phải dừng ít nhất 3 ngày chờ đường khô, nhiều đoạn thi công xong gặp mưa phải đào bỏ, thi công lại vừa tốn kém, vừa mất thời gian.

Những yếu tố bất lợi trên phát sinh cùng lúc đã “bào mòn” đến kiệt quệ năng lực tài chính của nhà thầu, dự tính mỗi nhà thầu lỗ khoảng 20% giá trị gói thầu, để dồn sức lực kịp thông xe cuối năm nay, dự báo số lỗ còn tăng nữa. Có nhà thầu đã lỗ tới 1.500 tỷ đồng dù gói thầu thực hiện chưa “về đích”. Họ chấp nhận bán nhà đất, cầm cố tài sản để theo đuổi “cuộc chơi”, chịu thua lỗ để giữ chữ tín trong nghề. Trên tất cả, ý thức về niềm tự trọng nghề nghiệp là động lực giúp các doanh nghiệp giao thông vượt qua giới hạn năng lực bản thân.