Những bức thư thời chiến - ký ức không phai mờ

NDO - Sau khi mẹ qua đời, tôi thường vào phòng của bà để sắp xếp lại đồ đạc. Mỗi lần nhìn thấy những bức thư mẹ cẩn thận giữ gìn suốt nhiều năm, tôi không khỏi xúc động. Những lá thư ấy, nhuốm màu thời gian, như một kho báu quý giá mang ký ức của một thời chiến tranh khốc liệt.
0:00 / 0:00
0:00
Những bức thư thời chiến. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Những bức thư thời chiến. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tôi lần lượt lật giở từng bức thư, nhẹ nhàng làm phẳng chúng với mong muốn lưu giữ thật lâu. Có hôm, tôi ép thư giữa những trang sách dày nặng; có hôm, dùng máy scan để số hóa, phòng khi thời gian làm mục nát tờ giấy. Cả cuộc đời mẹ hẳn đã nhận được rất nhiều thư từ, nhưng trong số đó, bà chỉ lưu lại thư của bố gửi cho mẹ và các con, những bức thư thăm hỏi, động viên từ bạn bè, người thân khi bố tôi hy sinh (1973), cùng thư của mẹ và anh chị em tôi gửi cho bố – những lá thư được quân đội bàn giao cùng di vật của ông.

Đọc từng bức thư, tôi như được sống lại những năm tháng chiến tranh. Từng con chữ, từng lời nhắn nhủ chứa đựng tình cảm chân thành và sâu sắc. Những người viết thư dường như đang ở ngay bên cạnh chúng tôi, cùng sẻ chia mất mát, đau thương và động viên vượt qua khó khăn.

Những dòng chữ từ tiền tuyến và hậu phương

Tôi bắt đầu bằng những bức thư của họ hàng, bạn bè gửi mẹ khi nghe tin bố hy sinh. Những lá thư ấy, dù đã gần nửa thế kỷ, vẫn chứa chan tình cảm và lời an ủi, động viên đầy chân tình. Có cả thư từ chiến trường gửi về, như bức thư của anh Trung (con dì Thảo) viết tháng 5/1973, căn dặn mẹ và các con của bố hãy kiên cường, và hứa sẽ tiếp bước con đường bố còn dang dở. Nhưng chỉ ít lâu sau, anh Trung cũng hy sinh.

Đọc thư, tôi nhận ra, người thời ấy rất giỏi viết thư. Lời mở đầu, kết thúc đều chỉn chu theo khuôn mẫu, trong khi phần nội dung chứa đựng những cảm xúc dồn nén, ký thác vào từng dòng chữ. Mong ước lớn nhất của họ trong những bức thư là hòa bình và gia đình đoàn tụ.

Những bức thư thời chiến - ký ức không phai mờ ảnh 1
Bức ảnh gia đình anh Nguyễn Anh Vũ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong một bức thư ngày 6/2/1973, bố kể về cái Tết Quý Sửu ở Quảng Bình:

“Chung quanh anh là những quang cảnh đầm ấm sum vầy của từng gia đình một. Từng đoàn, từng tốp cán bộ của địa phương đưa nhau về quê ăn Tết. Anh cứ hồi tưởng lại cảnh những năm anh được về quê ăn Tết cùng mẹ con em. Trông thấy các cháu tíu tít bên tay mẹ, tay bố đi chơi Tết, gặp cháu nào anh cũng cố hỏi cháu mấy tuổi để hình dung lại xem thử các con Tuấn, Tú, Vũ của chúng ta đã lớn đến chừng nào”.

Thời điểm này, Hiệp định Paris đã được ký kết, và bố tin chiến tranh sắp kết thúc. Trong thư, ông viết:

“Kim Anh em yêu thương, dân tộc Việt Nam ta đã thắng Mỹ, hòa bình đã được lập lại trên cả nước. Thắng lợi của Việt Nam ta là thắng lợi có ý nghĩa của thời đại. Đó là kết quả của hơn 20 năm kiên trì dũng cảm mưu trí chiến đấu của quân và dân cả nước. Trong đó anh và em có đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình. Em có thấy tự hào không? Em có một người chồng đã liên tục chiến đấu gần 25 năm liền không nghỉ. Em đã là một người vợ hiền, trung hậu, đảm đang, đã phải chịu đựng hy sinh bao nhiêu tình cảm riêng tư của mình. Em đã làm tròn nhiệm vụ của một người vợ, người mẹ, là người cán bộ. Chúng ta có quyền tự hào lắm chứ phải không em?”.

Những lá thư gửi trẻ thơ

Bố không quên viết thư riêng cho các con, với những câu từ đơn giản, dễ hiểu, và đặc biệt nắn nót. Trong một bức thư sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông viết:

“Anh Tuấn, Minh Tú, Anh Vũ, ba con thân yêu của bố!

Bố rất vui mừng viết thư báo tin cho các con biết: Hòa bình đã được lập lại ở khắp nước Việt Nam ta. Đế quốc Mỹ đã thua ta. Chúng sẽ rút quân ra khỏi nước ta. Không còn máy bay ra đánh phá miền Bắc nữa. Các con không phải sống trong cảnh khủng khiếp vì bom đạn nữa. Các con sẽ được sống một cuộc đời vô cùng sung sướng, hạnh phúc, ăn, chơi, học hành thoải mái.

Được tin này chắc các con sẽ vô cùng sung sướng phấn khởi. Bố của các con cũng rất sung sướng phấn khởi.”

Nhưng niềm vui ấy không trọn vẹn. Bố đã không thực hiện được lời hứa trở về, vì ông hy sinh trong một chuyến công tác vào ngày 3/4/1973 tại Ngã ba Đông Dương, khi ngày thống nhất đất nước đã đến rất gần.

Ký ức và lời dặn dò

Những bức thư của họ hàng, bạn bè, của anh chị em tôi gửi cho bố đã được trao trả lại sau khi ông hy sinh. Đọc lại những lá thư ấy, tôi không khỏi rưng rưng. Lá thư cuối cùng của anh Huệ từ Liên Xô ngày 24/5/1973 gửi cho ba anh chị em tôi viết:

“Các em nhớ thương của anh! Giờ này các em đang làm gì? Đã nguôi nỗi đau thương để cắp sách tới trường chưa? Hay các em vẫn còn khóc thương tiếc bố. Các em cứ khóc lên để rồi mà nhớ các em ạ! Các em còn nhỏ nhưng anh rất tin tưởng ở các em đã có nghị lực. Các em hãy nuốt lấy nỗi uất hận đối với kẻ thù vừa thua chạy ở nước ta, rồi mà học tập, lao động để xứng đáng với bố của các em”.

Những lời động viên, dặn dò ấy đã tiếp thêm sức mạnh để mẹ tôi vừa làm mẹ, vừa làm cha, nuôi dạy ba anh chị em tôi trưởng thành.

Những bức thư thời chiến - ký ức không phai mờ ảnh 2
Lá thư cũ mà mẹ luôn giữ gìn cẩn thận.
Những bức thư thời chiến - ký ức không phai mờ ảnh 3
Lá thư cũ mà mẹ luôn giữ gìn cẩn thận.
Những bức thư thời chiến - ký ức không phai mờ ảnh 4
Lá thư cũ mà mẹ luôn giữ gìn cẩn thận.
Những bức thư thời chiến - ký ức không phai mờ ảnh 5
Lá thư cũ mà mẹ luôn giữ gìn cẩn thận.
Những bức thư thời chiến - ký ức không phai mờ ảnh 6
Lá thư cũ mà mẹ luôn giữ gìn cẩn thận.

Hòa bình là món quà vô giá

Ngày nay, hòa bình dường như là một điều hiển nhiên như ánh sáng mặt trời hay không khí ta thở. Nhưng để có được điều hiển nhiên ấy, biết bao thế hệ đã phải hy sinh. Đọc lại những lá thư thời chiến, tôi thấm thía giá trị của hòa bình, tự do, và càng thêm biết ơn những người đã ngã xuống vì tổ quốc.

Hãy trân trọng từng phút giây trong cuộc sống hòa bình hôm nay, bởi đâu đó trên thế giới này, lửa chiến tranh vẫn âm ỉ cháy, và những mất mát vẫn không ngừng hiện hữu.