Những bông hồng trong xưởng thêu không định kiến

NDO -

Dù xã hội đang từng ngày phát triển, nhưng những định kiến về người khuyết tật vẫn còn tồn tại đâu đó. Thực tế, người khuyết tật vẫn có thể tự lo kế sinh nhai, tham gia vào các hoạt động cộng đồng, thậm chí hỗ trợ lại cho nhiều người khác. Vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng tôi được gặp một người phụ nữ đặc biệt, tại một xưởng thêu đặc biệt.

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương bên tác phẩm sắp hoàn thiện. (Ảnh: Minh Duy)
Nghệ nhân Hoàng Thị Khương bên tác phẩm sắp hoàn thiện. (Ảnh: Minh Duy)

Cô bé khuyết tật và tình thương của mẹ...

Ngồi trong xưởng thêu tranh của mình tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội, nghệ nhân Hoàng Thị Khương vừa thực hiện những mũi kim khéo léo, vừa hồi tưởng lại về những ngày đầu bước chân vào nghề thêu. Từ nhỏ, chị Khương đã khuyết tật vận động một chân sau một cơn sốt bại liệt. Lên tám, lên mười, sự tủi thân ngày càng lớn lên khi các bạn trong xóm có thể chạy chơi khắp nơi, còn mình phải ngồi một chỗ. Chị Khương trải lòng: “Tôi buồn lắm, có một trò chơi của lũ con gái đứa nào cũng yêu và thích là trò nhảy dây mà tôi không thể chơi được. Cơn sốt bại liệt ngày còn bé đã làm cho đôi chân cô bé xinh xắn không được phát triển như nhau. Vốn là con gái nên dễ mang nhiều tự ti nên tôi cũng ngại khi giao tiếp”. 

Khi chúng bạn đang vui chơi thì chị Khương lại ở nhà. Gia đình chị là một gia đình có truyền thống nghề thêu của làng nghề Quất Động. Cũng chính vì “cái duyên” phải ngồi ở nhà mà cô bé thiếu nữ bén duyên với nghề thêu truyền thống của gia đình. “Ngày còn bé bên khung thêu của mẹ, nhìn mẹ thêu những bông hoa trên chiếc áo dài, hay những bức tranh về phong cảnh quê hương, đất nước, nghề thêu ngấm vào trong con người tôi lúc nào không hay”, chị Khương chia sẻ.

Những bông hồng trong xưởng thêu không định kiến -0
Nghệ nhân Hoàng Thị Khương đang hoàn thiện những mũi thêu cuối cùng của bức tranh sau 3 tháng miệt mài. (Ảnh: Minh Duy)

Xã hội thời đó đầy rẫy định kiến về người khuyết tật. Người ta đặt ra câu hỏi rằng liệu một cô bé khuyết tật thì có thể làm gì để nuôi thân chứ đừng nghĩ đến chuyện nuôi gia đình. Ấy vậy mà người mẹ kiên cường ấy vẫn không bỏ chị. Mẹ dạy cho chị từng đường kim, mũi chỉ đầu tiên. Học may đã khó, thêm phần tâm lý tự ti, đã nhiều lần làm cô gái nhỏ năm nào muốn bỏ cuộc. Những lần như vậy, mẹ chỉ động viên, khuyên bảo rồi nhẹ nhàng hướng dẫn lại từ đầu. 

Những kỹ thuật về thêu như bắt vàng, thêu độn hình rồng, đâm xô, lát nền cũng được mẹ truyền dạy cho chị. Rồi đến một ngày, kỹ thuật thêu của chị Khương cũng được mẹ công nhận. Nhận ra tài năng của con gái, mẹ chị mỗi ngày đều đạp xe đưa chị đến “tầm sư học đạo" tại các nghệ nhân cao niên của làng thêu Quất Động. 

Những bông hồng trong xưởng thêu không định kiến -0
Những đường chỉ sắc nét được thêu nên từ bàn tay tinh hoa của một nghệ nhân khuyết tật. (Ảnh: Minh Duy)

Kết thúc câu chuyện về mũi thêu vụng về của những ngày đầu, cũng là lúc chị Khương vừa thêu xong một mũi thêu đầy kỹ thuật. Xếp gọn khung thêu vào góc, chị ngầng lên trong nghẹn ngào. Tôi còn nhớ câu nói của mẹ lúc tôi ra nghề: “Con hãy bay ra thế giới bên ngoài để thấy cuộc sống này có những điều tốt đẹp đang chờ đón con ở ngoài đó. Có thể đôi chân của con sẽ chịu nhiều tổn thương, nhưng hãy đứng trên đôi chân của mình, con nhé!”

...Đến người thợ thêu đầy những tâm tư

Trong xưởng thêu của nghệ nhân Hoàng Thị Khương lúc này có tầm 10 thợ thêu đang miệt mài với công việc. Chị Khương cho biết, đây hầu như đều là những người khuyết tật. Có người khuyết tật vận động, có người khuyết tật về trí não. Họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, được chị giúp đỡ để có công ăn việc làm. 

Nói về cái duyên của xưởng thêu dành cho người khuyết tật, chị Khương cho biết: “Năm 2010, tôi có tham dự một cuộc thi về thêu tại Hàn Quốc. Thời điểm đó, mọi thứ ở nước ngoài với tôi rất lạ lẫm. Có một lần, tôi bước vào thang máy và bị ngã, may là có những người khác giúp đỡ để kịp đến cuộc thi. Không hiểu sao từ sau lúc đó, trong đầu tôi luôn tâm niệm rằng phải làm thế nào để những người đồng cảnh ngộ như mình cũng phải được cải thiện cuộc sống, cũng phải đến được với nghề, cũng phải được xã hội công nhận. Từ đó, tôi ấp ủ thành lập một cơ sở thêu cho người khuyết tật.”

Những bông hồng trong xưởng thêu không định kiến -0
Xưởng thêu của nghệ nhân Hoàng Thị Khương là nơi tạo ra sinh kế cho hơn 20 người khuyết tật trong khu vực. (Ảnh: Minh Duy)

Với những cố gắng của mình, đến năm 2013, xưởng thêu của nghệ nhân Hoàng Thị Khương ra đời với các nhân công là những thợ thêu khuyết tật. “Đối với các chị khuyết tật, mình cần nhẹ nhàng và thông cảm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ. Vì các chị thêu khá lâu so với những người không khuyết tật. Sau khi thêu xong, mình phải kiểm tra tỉ mỉ, rồi mới xuất hàng”, chị Khương cho biết.

Vậy là hơn 10 năm nay, xưởng thêu này đã trở thành nơi tạo sinh kế cho gần 20 chị em khuyết tật. Điều này chứng tỏ rằng chị Khương đã đúng, một người khuyết tật hoàn toàn có thể nuôi sống bản thân, gia đình và giúp đỡ cộng đồng của họ.

Những bông hồng trong xưởng thêu không định kiến -0
Người khuyết tật thường bị hạn chế các cơ hội tiếp cận việc làm. Những khung thêu này đã giúp cho thợ thêu khuyết tất có thể khẳng định bản thân, nuôi sống gia đình. (Ảnh: Minh Duy)

Những bức tranh vô giá

Không chỉ những giải thưởng trong nước và được công nhận là nghệ nhân quốc gia, tranh của chị Khương còn được nhiều khách quốc tế biết đến. Dắt chúng tôi đi một vòng xưởng tranh để tham quan sản phẩm của các chị, trong đó có những bức tranh được trả giá rất cao nhưng chị Khương nhất quyết không bán. 

Dừng lại trước một bức tranh đặc biệt, đôi mắt chị sáng lên, đôi tay nâng niu bức tranh như một báu vật. Chị cho biết: “Tôi luôn tâm niệm rằng khi mình thêu được chân dung, người đầu tiên mình thêu sẽ là Bác”. Bức ảnh Bác Hồ được thêu bằng tơ tằm, tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ. Với phần râu, mỗi sợ tơ chị phải tách ra làm 4 rồi mới bắt đầu thêu lên. Đôi môi của Bác chị cũng thêu nhiều lần cho đến khi ưng ý. Chị chia sẻ: “Đây là bức tranh đặc biệt, mình phải để hết tâm tư vào để thêu. Có nhiều người trả giá cao nhưng mình vẫn không bán. Đây là một kỉ vật vô giá đối với mình”.

Những bông hồng trong xưởng thêu không định kiến -0
Bức tranh Hồ Chủ tịch làm từ chỉ tơ tằm là một trong những kỷ vật vô giá của nghệ nhân Hoàng Thị Khương. (Ảnh: Minh Duy)
Những bông hồng trong xưởng thêu không định kiến -0
Từng chi tiết thêu đều được người nghệ nhân thực hiện một cách tỉ mỉ và công phu. (Ảnh: Minh Duy)

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, xưởng thêu của chị Khương cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Gần 2 năm qua, nguồn tranh bán ra không nhiều, nhưng chị vẫn cố gắng bảo đảm được sinh kế cho chị em khuyết tật. Lúc này, người nghệ nhân đầy tâm tư chỉ mong mình vẫn có thể cống hiến cho cộng đồng, mang lại niềm vui cho chính mình và trả ơn nghề bằng những việc làm có ích.