Nhà văn Như Bình ký tặng sách cho độc giả.
Nhà văn Như Bình ký tặng sách cho độc giả.

Như Bình: Cồn cào một đóa trầm thơ…

NDO - Lần đầu đọc “Sự im lặng biếc xanh” của Như Bình theo lẽ thường từ trang 1 mà đi đến hết, tôi cứ mơ màng nghi hoặc trong cảm thức về một bản thể trầm cảm, đang bập bênh giữa Trầm và Sống, chấp chới trong Thiền và Mộng, bất chấp mọi cố gắng “bình tâm thở” và kiên nhẫn vẽ nên một khung trời “biếc xanh” trong mường tượng.

Chút khó khăn khi tìm gương mặt thơ Như Bình trong cái trật tự nội dung mà chị đã kỳ công sắp đặt: Trầm – Mộng – Thiền, may sao đã được chỉ dẫn bằng hình ảnh như muốn sừng sững trong những bài thơ chói bời từng cơn đau đớn, tôi quyết định, sẽ đọc ngược “Sự im lặng biếc xanh”.

Lẽ thường, sự oái oăm của đời thực đôi khi lại là may mắn của người viết, một khi người ta dám đi trong bóng tối nghiệt ngã. Nhưng nếu xuôi theo cấu trúc dẫn dắt của “Sự im lặng biếc xanh”, thật dễ dàng hình dung con đường thơ của chị giống như con đường chuyển biến tâm thức của một người tìm cầu đạo hạnh. Chị dắt tôi đi từ bờ vực của cái vỡ, đau và chết đến một khu vườn tràn đầy tiếng chim buổi sớm.

Như Bình: Cồn cào một đóa trầm thơ… ảnh 1
Nhà văn Như Bình ký tặng sách.

Song sự quyến rũ của thơ chị đối với tôi hoàn toàn không nằm ở vùng bình yên mơ ước này. Ngược lại, nó ám ảnh và vẫy gọi từ trong vực thẳm, nơi một bản thể sống động trong tận cùng hiển lộ, cứ muốn điên lên muốn khóc òa lên; nơi trầm cảm muốn kéo chị đến gần hơn với nỗi tuyệt vọng. Dường như đang có sự rối bời, hỗn mang và lạc lối nào đó trên con đường tưởng như rõ ràng đến chân tơ kẽ tóc mà Như Bình muốn độc giả song hành...

Đi tìm một Như Bình khi Thiền…

“Hãy để em yên/ Em che kín mình bằng những mảnh mùa thu/ Đừng vô tình giẫm lên/ Bàn chân không thấy đau sao dưới thảm vàng hoai mục…// Em truyền chú mật ngữ vào thinh không…// Đừng gọi nữa hỡi vọng câm/ Hãy lặng yên tảng đá đang thiền” (Tảng đá đang thiền).

Cả đoạn thơ là một thức mệnh lệnh thiền kéo dài, của một “tảng đá”, hay cho một “tảng đá”? Một thứ quá nặng nề, im lìm, lặng câm, lạnh lẽo, phải làm sao để bắt đầu thiền đây? Trong khi ngoài kia, “bầu trời triệu năm đã thiền bên mây trắng” (Những đám mây thiền bên cửa sổ máy bay). Có gì đó tựa như sự tự hối thúc trong mỗi niệm cầu, ở bốn bài thơ Thiền có chung âm hưởng điệp khúc kinh kệ: “thở vào chợt phiêu diêu/ thở ra làn hơi ấm/ nghe tiếng chim gọi trời/ xôn xao ngày im vắng” (Thiền 1); “này tâm này thân/ bên nhau vô ngã/ ban mai nhập thiền/ ngã hương ngày lạ” (Thiền 4).

Như Bình: Cồn cào một đóa trầm thơ… ảnh 2
Tác giả Như Bình trong buổi ra mắt các tác phẩn văn thơ và hội họa của mình.

Tôi hình dung Như Bình trong cố gắng mỗi ngày ngồi xuống, bình tâm, lắng nghe từng hơi thở. Không biết cố gắng ấy có đưa tâm chị chạm cõi lặng không, hay đó mới chỉ là niệm quán tưởng mang bóng dáng kinh kệ, mà khi bắt đầu với thiền, người ta niệm như một cách để dẫn dắt tâm thức. Tôi hy vọng những đóa mây dịu hiền đã đậu xuống bao bọc chị khi thiền, có thể xoa dịu những tổn thương, nâng giấc thân tâm chị trên những “đóa sen” thơm của mỗi “ngày im vắng”…

Như Bình: Cồn cào một đóa trầm thơ… ảnh 3

Nhưng khi bắt gặp chị “ước mình rỗng không/ rỗng như mùa về/ rùng mình/ trút vào một con gió rụng” (Rỗng không), tôi bỗng khấp khởi hơn với cái ao ước mang bóng dáng thiền từ trong vô thức này. Nó đã gần hơn, dễ chạm tới, dẫu cảm thức, mong ước ấy còn một khoảng cách với rất nhiều nội lực để có thể chuyển hoá thiền vào thơ. Như Bình chới với trong mong muốn thoát khỏi thực tại để tìm đến thiền, nhưng có vẻ như mới bắt đầu trên con đường buông bỏ gian nan này, chị đã bị những vọng âm từ thực tại kéo giật lại.

…gặp Như Bình cố vẫy vùng trong Mộng

Xuất hiện dày lên những bài thơ đậm dấu ấn chung chiêng của hình ảnh, ngôn ngữ, khi bản thể chực ngã cố gắng gượng dậy, loay hoay và lạc lối trong cơn Mộng đời người. Điều này khiến tôi có thêm cơ hội được đọc những bài thơ vừa mê đắm quyến rũ vừa vật vã khổ đau mà càng đi ngược trở về đầu tập thơ, Như Bình càng khiến tôi bị “sốc”.

“giữa anh và em/ như đáy biển không ánh sáng/ như loài san hô câm điếc/ như ngọc trai khóc bóng tối mịt mùng” (Sự im lặng biếc xanh 1)

Như Bình: Cồn cào một đóa trầm thơ… ảnh 4

“những chật hẹp khiến em mệt lả…// em bơi về ngày/ trôi vào đêm/ ngược sóng…// thèm bã bời trăng…”; “ôi những bức bối ngộp thở/ không đủ lãnh cảm em/ không đủ chôn lấp em/ không đủ giam cầm em” (Khúc hát của người đàn bà và khe cửa hẹp). Vì sao? Vì “anh vô tình/ anh chẳng biết đâu/ trong căn nhà chúng ta sự tra tấn đến từ anh chưa bao giờ dừng/ người đàn ông vô tư rót đầy em mỗi ngày tách trà chiều thương tổn…” (Nói với anh)

Cố gắng đi vào mộng, nhà thơ không thoát khỏi sự bao vây của thực tại cuộc sống và cả sự truy vấn nội tâm. Cầm lòng, chị “hoan hỉ đón những vết yêu sắc như dao/ trùng trùng máu rỏ” (Mộng du) – như một tuyên bố đối diện với tất thảy nghiệt ngã, không ai khác ngoài chị đang phải vác mang…

Và “Những câu thơ thật thà tuột run qua tim”…

Ấy là những câu thơ đau nhất nhưng quyến rũ, mãnh liệt nhất giữa lúc tác giả của nó “trầm cảm quên/ rối loạn nhớ”, nhưng không thể nào loanh quanh mãi trong ảo giác nội tâm của một cơn Mộng dài nhiều khi hoảng loạn. Sự thật thà gan ruột bật ra trong một bản thể tức tưởi, đuối sức, đẩy câu thơ cũng như chính tác giả của thơ có lúc lún sâu thêm vào bế tắc.

Như Bình: Cồn cào một đóa trầm thơ… ảnh 5

Tôi hình dung chị yếu đuối và mệt lả đi sau mỗi bài thơ. (Xin đọc: “Nói với anh”, “Giới hạn”, “Viết về cái chết”, “Viết về một nỗi sợ hãi”, Trầm cảm…) Mối đau này tưởng như không bao giờ có thể mon men tìm đến với một người đàn bà lúc nào cũng như mọng căng hạnh phúc, nghiệt thay, đã như “tảng đá” đè lên cuộc đời một con người!

“Tảng đá” ấy, liệu đã có thể thiền được không?

Chị “ngồi trầm cảm như đêm”; viết đến ba bài thơ mang tên “Trầm cảm”! Trong tiếng kêu thảng thốt “em đã kịp sống đâu”, “đã kịp yêu đâu”…, tôi nhận ra một bản năng thơ cuồn cuộn đang dâng lên trong cơn vẫy vùng “thoát kiếp”. Bởi vì, trong người đàn bà ấy, là một “Con thú” “thực ra rất cô đơn”. Một con thú “tưởng mình đã chết” và “sợ mình như một linh hồn lang thang đi lạc”, giờ bỗng thấy con đường phía trước có một đốm lửa: “khi em trở về/ những thớ gỗ trên bậc cầu thang vặn mình hôn gót chân em cuống quýt”. (Sự lãng quên trùng kiếp)

Tôi ước gì đọc thấy nhiều hơn những câu thơ ấm áp trong “Sự im lặng biếc xanh” mà quyến rũ nồng nàn như câu thơ kia, nên lập tức ngụp lại với bầu không bình yên được “vẽ” kỹ lưỡng ở phần Thiền. Song đành phải thú nhận, thật nhanh, tôi muốn ra khỏi những khung hình, khái niệm, để trở về với bản năng tự do bung phá cảm xúc của Như Bình ở Trầm. Sự phóng chiếu mơ ước và mong muốn định hình khái niệm thật khó có thể khiến người viết chạm đến phẩm tính thơ như ở những câu/bài mà bản thể được thả trôi oà vỡ từ đáy sâu tâm tưởng. Thật sự khi Như Bình viết về tan vỡ, trầm cảm, sợ hãi…, nỗi ám ảnh cứ thế ứ lên đầy chật đến nỗi nó không thể ngăn được mong mỏi duy nhất trong tôi, chỉ muốn xóa đi mặc định thơ là cuộc đời!

Như Bình: Cồn cào một đóa trầm thơ… ảnh 6
Tác giả Như Bình chia sẻ trong buổi ra mắt sách.

Đến đây, tôi tin vào sự “đọc ngược Như Bình”. Chị đang rón rén những bước chân đầu tiên vào “khu vườn lặng im”. Nhưng khối thực tại chua xót vẫn đang “truy nã” cảm xúc, buộc chị dù hoang mang thế nào vẫn phải trở về đối diện.

Người đàn bà nhiều khao khát như mê sảng mụ mị trong một cơn thơ ào ạt, ắp ứ tràn trề bản năng sống, một khi không cần che giấu làm gì nữa tấm thân rã rời muốn gục xuống nhiều lần trong tuyệt vọng, tự nhiên hiện diện kiêu hãnh trong dáng vẻ “sầu đau, đẹp đến não nùng”.

***

Trên hành trình đi tìm gương mặt thơ Như Bình không phải từ Trầm đến Thiền mà ngược lại, tôi nhận ra, chưa phải ở Thiền, cũng không ở Mộng, thơ Như Bình rực rỡ trong vực thẳm Trầm, cái rực rỡ như ngọn lửa ngùn ngụt muốn thiêu rụi mọi tuyệt vọng. Nhưng như chính chị viết, chị “lạc lối đi hoang”, vì thế, vừa hóa “con thú”, chị đã gục xuống mệt lả cô đơn; vừa “về trên sen trắng” đã nặng câm đá tảng và cứ luôn phải nhắc mình “bình tâm quán chiếu”. Trong chị, đang mãnh liệt một giấc mơ khác, giấc mơ thoát khỏi thứ “tai ách” khiến chị trở nên “bất hoà với số phận” (chữ của Nguyễn Khắc Phục). Nên dẫu có đến hai bài thơ tên là “Sự im lặng biếc xanh”, tôi vẫn có cảm giác cái tên tập thơ có phần còn “xa cách” với phẩm tính thơ chị. Chị viết như muốn tung hê hết thảy, đốt cháy hết thảy, muốn khóc tràn trề, nên có lúc, khối trực cảm mãnh liệt khiến chị bị thách thức, rợn ngợp… mà run rẩy để lẫn vào đâu đó trong Thiền và Mộng, một vài bài thơ còn đơn sơ, câu chữ có phần vụng về, như trong trí nhớ quen thuộc mà lạc đến… Cái “biếc xanh” mà tôi hiểu, hồ như vẻ im lặng đằm sâu lấp lánh, nó khó có thể ánh lên mà không bị những câu thơ cháy ngời rừng rực như lửa thiêu đốt.

Như Bình: Cồn cào một đóa trầm thơ… ảnh 7
Tác phẩm thơ "Sự im lặng biếc xanh".

Người đàn bà làm thơ, làm hoà được với chính mình thì sẽ làm chủ được ngọn lửa bản năng thơ mình. Như Bình là người đàn bà đích thực trong nghịch cảnh. Đọc ngược Như Bình, tôi nhìn thấy sự nôn nóng của cái tôi bản thể đang trên con đường trở về, muốn “thoát kiếp” bằng cách làm hòa với số phận. Nhưng đó cũng là cách tôi muốn nhanh chóng đi qua những định thức khởi lên từ khái niệm, và lãng quên những bài thơ còn đôi chút vụng dại khi tác giả của nó muốn trốn chạy chính mình trong Thiền và Mộng, để nhanh chóng trở về nén sâu tâm cảm với một Như Bình đích thực ở Trầm.

Tôi chờ mong đến ngày không còn “bất hòa với số phận”, một đóa trầm thơ Như Bình đi qua cơn cháy khát cồn cào trong bản năng rực rỡ, thật sự khẽ khàng “im lặng biếc xanh”...

back to top