Truyện ngắn đầu tiên tôi đọc của Như Bình là Đêm nguyệt thực. Truyện ngắn này ra đời cách đây khoảng 20 năm. Câu chuyện về số phận và tình yêu của hai con người tật nguyền đã ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Câu chuyện của họ vừa làm cho tôi thương cảm, vừa làm cho tôi thấy an lòng. Thương cảm bởi có không ít những con người như hai nhân vật ấy mà tôi từng chứng kiến đã sinh ra trên cuộc đời này phải gánh chịu những thiệt thòi vô lý. Nhưng chính họ và câu chuyện về cuộc sống, về tình yêu của họ lại làm cho tôi an lòng. An lòng bởi cuối cùng họ cũng đã tìm thấy hạnh phúc hay là được ban cho hạnh phúc. Mà khi con người dù ở địa vị nào, ở thân phận nào tìm thấy hạnh phúc thì ngay tức khắc họ trở nên bình đẳng với mọi người chung quanh. Hạnh phúc khi nó trú ngụ ở bất cứ ngôi nhà nào, trong bất cứ con người nào thì nó luôn như nhau. Khi ta thấu hiểu HẠNH PHÚC thì ta nhận ra rằng: không có hạnh phúc nhỏ và hạnh phúc lớn. Hạnh phúc của một nông phu không bao giờ nhỏ hơn hạnh phúc của một ông vua và ngược lại hạnh phúc của một ông vua không thể nào lớn hơn hạnh phúc của một người nông phu. Thực sự, hạnh phúc làm cho con người trở nên bình đẳng. Như Bình đã chọn lựa hai số phận như vậy để đưa ra một câu hỏi đầy thách thức đồng thời trả lời câu hỏi đầy thách thức ấy một cách trọn vẹn.
Từ Đêm nguyệt thực cho đến những truyện ngắn bây giờ của chị, tôi thấy con đường trong tâm hồn của chị không hề thay đổi cho dù bút pháp truyện ngắn của Như Bình đã trở nên nhuần nhuyễn. Chị không thay đổi cách lựa chọn nhân vật, không thay đổi tình yêu với những số phận thiệt thòi, bất hạnh, không thay đổi niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, không thay đổi những giấc mơ da diết, không thay đổi thái độ đối với cái ác, không thay đổi cả nỗi đa cảm của mình... Như Bình là một người đàn bà luôn hòa vào những nơi chốn bình dị, luôn lắng nghe những thân phận vô danh để rồi tìm thấy từ những nơi chốn ấy, từ những con người ấy vẻ đẹp lấp lánh của cuộc đời này. Giọng kể của Như Bình giống như những tiếng thì thầm của những người đàn bà trong những làng thôn còn nghèo khó, những khu phố bình dân sau một ngày tất bật và vất vả với trăm thứ việc, giờ ngồi xuống nói cho nhau nghe chen lẫn tiếng thở dài về chính cuộc đời của họ và những người quanh họ. Tiếng thì thầm ấy như một giọng chủ đạo của Như Bình cho dù những câu chuyện được kể không ít dày vò, không ít cay nghiệt, không ít đau đớn và không ít nổi giận. Giọng kể này làm cho những người dễ dãi đưa ra một nhận xét dễ dãi là một nhà văn đầy nữ tính. Không phải vậy.
Nhà văn Như Bình
Mà tôi phải nói: Như Bình đã tạo ra giọng nói của mình. Và đấy chính là thành công của chị hay của mọi nhà văn. Và bởi một lý do là trong mỗi câu chuyện hay cụ thể là trong mỗi truyện ngắn của mình, chị thật mãnh liệt. Mãnh liệt đi đến tận cùng cảm xúc, tận cùng yêu thương, tận cùng khát khao, tận cùng phán xét... Ví như người đàn bà trong Đêm nguyệt thực. Con đường mà người đàn bà ấy đi đến hạnh phúc của mình vừa làm ta ứa nước mắt vừa làm ta trân trọng và khâm phục. Con người khuyết tật ấy lúc đầu làm ta có cảm giác thương hại nhưng cuối cùng lại trở thành một cái gì đó cho ta nhận ra sự yếu đuối và đôi khi hèn nhát của mình. Chỉ bằng khát khao mãnh liệt như thế và lòng quả cảm như thế, con người mới đặt chân lên được bến bờ hạnh phúc. Truyện ngắn ấy và một số truyện ngắn khác của chị như Ranh giới, Hoa mua trắng, Giông biển, Hoa gạo, Chợ Âm phủ, Người gác Hải Đăng, Vườn trăng vẫn ám ảnh tôi bởi bây giờ và sau này, thông điệp về hạnh phúc của con người từ những truyện ngắn như thế vẫn còn nguyên giá trị.
Mạch văn của Như Bình dễ đọc, trau chuốt, ngôn ngữ giàu chất thơ, điều đó chứa đựng tâm hồn lãng mạn và nữ tính của chị. Như Bình còn có tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi có tên Dòng sông một bờ, chị viết khi sinh con gái đầu lòng. Tập truyện xinh xắn, dễ thương chị dành kể cho con gái nghe những bí mật trong thế giới rộng lớn đang chờ đón con gái của chị. Những câu chuyện, những bài học đầy tính nhân văn ẩn sâu trong tâm hồn chị, chị thủ thỉ kể cho con nghe, nhưng tôi thấy ở đó chứa đựng những tâm sự, thông điệp không chỉ dành riêng cho con trẻ mà cả người lớn khi đọc cũng có thể chiêm nghiệm cho riêng mình. Tiếc chị chưa có dịp trở lại với mảng văn chương này.
Giọng kể của Như Bình có tính thống nhất trong cả những thể loại văn học khác như thể loại chân dung văn học. Ra Hà Nội, thành công của chị trong nghề báo là chị đã hoàn thành và xuất bản được những bộ sách về thể loại chân dung văn học. Tôi từng nhận xét về thể loại chân dung văn học của Như Bình là: khám phá ra một con người mới trong chính một con người mà chúng ta và cả chính nhân vật được viết đã nghĩ chẳng còn gì mới mẻ nữa. Đó chính là bản chất sáng tạo của thể loại chân dung văn học. Nhưng điều ấy không chỉ của riêng thể loại chân dung văn học mà của văn học nói chung.
Đấy chính là điều mà Như Bình đã làm được. Một điều không phải dễ dàng làm được. Những câu chuyện, những con người, những chi tiết trong truyện ngắn Như Bình tôi có thể nghe thấy hoặc chứng kiến ở mọi làng quê, ở mọi khu phố... mà chính Như Bình đã qua, nhưng tôi đã nghe hoặc nhìn một cách lơ đãng. Còn Như Bình thì dừng lại, đến gần, ngồi xuống, mỉm cười, cất tiếng và lắng nghe. Rồi chị kể lại toàn bộ những câu chuyện ấy trong cảm xúc, trong ngôn ngữ, trong tư duy và cách nhìn của mình để khi tôi đọc những truyện ngắn của chị, tôi muốn trở lại cái làng ấy, khu phố ấy, gặp lại những con người ấy và nhìn lại họ thật lâu và tự hỏi với một sự ngạc nhiên: Có phải chính những con người này đã bước vào trang viết của chị không?
Sau thành công của những tập ký chân dung đánh dấu một quãng đời làm báo An ninh Thế giới Cuối tháng, Giữa tháng: Người mang lại ái tình, Những ẩn khuất của số phận, Những chuyện khó tin nhưng có thật, Như Bình ra mắt tập truyện ngắn Bùa yêu, tản văn Những chiếc bóng bên hồ. Một sự trở lại với văn chương dù mới chỉ là sự trở lại khẽ khàng của ký ức. Văn chương như một nỗi nhớ ám ảnh và dai dẳng, luôn tìm cách để đánh thức ai đó đã một lần ghé lại. Tôi tin Như Bình sẽ có thứ để kể cho tôi, và các bạn nghe trong sự trở lại sắp tới của chị.