"Người vận chuyển" phiên bản Sudan

Không "ngầu" như tài tử Jason Statham trong phim "Người vận chuyển/ Transporter", cũng không sở hữu những chiếc "xế hộp" chống đạn đắt tiền, nhưng hai sinh viên Hassan Tibwa và Sami al-Gada (ảnh bên) đã tự biến mình thành những "người vận chuyển" đích thực, với chuyến xe giải cứu khoảng 60 người khỏi vùng chiến sự ở thủ đô Khartoum, Sudan.
0:00 / 0:00
0:00
"Người vận chuyển" phiên bản Sudan

Những chuyến đi xuyên làn đạn

Trong những ngày đầu, khi các vị tướng lĩnh thù địch biến Khartoum thành vùng chiến sự hồi giữa tháng 4 vừa qua, Hassan Tibwa và Sami al-Gada nhốt mình trong căn hộ, dán mắt vào Twitter để cập nhật diễn biến ngoài kia. Họ lo sợ khi những bức tường rung lên vì đạn pháo, và tự hỏi Sudan sẽ đi về đâu?

Vào ngày thứ năm của chiến sự tại Khartoum, ngày 19/4, điện thoại của Tibwa rung lên: Có người cần một chiếc taxi. Người gọi điện giải thích rằng, một nữ nhân viên Liên hợp quốc khoảng 40 tuổi bị mắc kẹt trong nhà riêng ở một khu phố trung tâm.

Hoàn cảnh của cô thật tuyệt vọng. Nhiều xe bán tải gắn súng máy chở binh sĩ đỗ bên ngoài khu căn hộ của cô, nã đạn vào những chiến đấu cơ lao vút qua đầu. Khói đen tràn vào phòng sau một cuộc không kích gần đó. Và pin điện thoại di động của cô chỉ còn 5%. Họ có thể cứu cô ấy không?

Hassan Tibwa và Sami al-Gada đều đang học năm cuối ngành cơ khí tại Khartoum, cùng có một công việc "kiếm thêm" là lái taxi. Tuy nhiên, cuộc gọi này không phải là một chuyến xe bình thường. Đó là một lời kêu cứu. "Cô ấy đã hét lên", anh nhớ lại khoảnh khắc mình bấm số gọi cho người phụ nữ ấy. "Chúng tôi chỉ có vài phút. Cô ấy đang ở một mình và hoảng loạn".

Họ nhảy lên xe của al-Gada, một chiếc Toyota Corolla bảy năm tuổi, lên đường vào thành phố, trong nỗi kinh hoàng trước sự biến đổi của Khartoum. Vết đạn chi chít các tòa nhà. Những chiếc xe cháy đen rải rác trên đường phố. Tiếng súng khắp nơi.

Họ vượt qua những con đường đầy vỏ đạn và các trạm kiểm soát của một bên tham chiến, nhóm dân quân có tên Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF). Các chiến binh quét dữ liệu từ điện thoại của hai sinh viên và kiểm tra mọi thứ. Phải mất một giờ qua quãng đường chừng 6km, họ mới tìm thấy người cầu cứu, tên là Patience, một mình trong căn hộ nằm giữa tòa nhà trống vắng. Patience đã trốn trong phòng tắm nhiều ngày, với ba chiếc điện thoại di động. Cả ba đều đã cạn pin.

Hai sinh viên an ủi Patience, quấn cô trong một chiếc áo choàng trùm kín người và nghĩ ra một câu chuyện để qua mắt các trạm kiểm soát: Hành khách của họ đang mang thai và cần đến bệnh viện. Họ dừng lại trước cửa, cầu nguyện rồi mới lên đường. "Chúng tôi biết rằng ngay khi bước ra ngoài, sẽ không còn đường lùi nữa", Tibwa nhớ lại.

45 phút liều mạng trên những con đường đầy tiếng súng và vượt qua 10 trạm kiểm soát, chiếc Toyota của họ dừng lại bên ngoài Al-Salam, một trong những khách sạn đắt nhất Khartoum, giờ là trại tị nạn năm sao. Cả hai dìu Patience vào sảnh và nhận được câu hỏi: Họ có thể quay lại trung tâm thành phố và giải cứu bạn bè của cô ấy không?

Trong sáu ngày tiếp theo, khi chiến sự leo thang, hai chàng trai đã giúp đỡ khoảng 60 người: giáo viên Nam Phi, nhà ngoại giao Rwanda, nhân viên cứu trợ từ Kenya, Zimbabwe, Thụy Điển và Mỹ… khỏi những khu vực chiến sự khốc liệt nhất.

Trên đường đi, họ bị cướp, bị còng tay và bị dọa giết khi các chiến binh nghi ngờ họ là gián điệp. Đạn rơi chung quanh xe của họ. "Sự dũng cảm của những bạn trẻ này thật đáng kinh ngạc", Fares Hadi, một giám đốc nhà máy đến từ Algeria, người đã sống sót sau chuyến đi liều mạng với hai sinh viên nhấn mạnh. "Từ duy nhất dành cho họ là anh hùng", một nhân viên Liên hợp quốc đề nghị giấu tên nói với báo The New York Times, sau khi được Hassan Tibwa và Sami al-Gada giải cứu.

Từ sinh viên đến nhân viên cứu hộ

Trong khi Hassan Tibwa chở những người lạ đến nơi an toàn, gia đình anh cũng không biết con mình ở Sudan. Chàng trai 25 tuổi đến từ Tanzania vào năm 2017, để theo học tại Trường đại học Quốc tế Châu Phi ở Khartoum, nhờ học bổng của một tổ chức từ thiện Hồi giáo. Nhưng Tibwa nói với bố mẹ rằng mình học ở Algeria, bởi gia đình anh lo lắng về lịch sử bất ổn của Sudan. Một lời nói dối mà Tibwa dễ dàng duy trì trong sáu năm. Anh không bao giờ có đủ tiền để về thăm nhà.

"Người vận chuyển" phiên bản Sudan ảnh 1

Sami al-Gada, 23 tuổi, là người Sudan nhưng lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở đông bắc Saudi Arabia. Học cùng lớp, hai chàng trai nhanh chóng thân thiết. Họ làm những công việc lặt vặt vào buổi tối để trả tiền thuê nhà. Tibwa lái một chiếc taxi chủ yếu phục vụ các quan chức Liên hợp quốc, những người mà anh cũng trở nên thân thiết. "Mọi người đều quý Hassan", một nhà ngoại giao Kenya nói. "Một quý ông thực thụ".

Bối cảnh chính trị hỗn loạn của Sudan đã phá vỡ mọi kế hoạch của họ. Bạo lực nhanh chóng lan đến trung tâm thành phố, tập trung quanh trụ sở quân đội và sân bay quốc tế. Khu vực đó cũng tiếp giáp với hai quận đắt đỏ nhất của Khartoum: Khartoum 2 và Al-Amarat, nơi tập trung nhiều đại sứ quán, văn phòng Liên hợp quốc và nhà của người nước ngoài.

Liên hợp quốc, giống như hầu hết các tổ chức quốc tế, đã ra lệnh cho 800 nhân viên và những người liên quan ở Khartoum phải "trú ẩn tại chỗ". Dù bộ phận an ninh của Liên hợp quốc đã giải cứu được một số người trong những ngày đầu, nhưng hoạt động này phải dừng lại do chiến sự leo thang ác liệt.

Trong hoàn cảnh ấy, Tibwa và al-Gada là "chiếc phao cứu sinh" duy nhất của một số người nước ngoài đang mắc kẹt. "Họ đã gọi cho chúng tôi", Tibwa kể, "Họ không có thức ăn. Điện thoại của họ bị hỏng. Chúng tôi thử đặt mình vào tình huống tương tự và hiểu rằng họ tuyệt vọng thế nào. Vì vậy, chúng tôi lên đường".

Sau một tuần sắm vai "người vận chuyển", Tibwa và al-Gada được một chỉ huy RSF thân thiện cảnh báo rằng họ nên rời Khartoum nhanh nhất có thể vì "giao tranh khủng khiếp sắp xảy ra". Cả hai thu dọn đồ đạc lên chiếc Toyota và lái đến một thị trấn gần thủ đô, nơi gia đình al-Gada có một ngôi nhà.

Trong vài ngày, họ cân nhắc các lựa chọn. Tibwa vẫn muốn ở lại Sudan, đất nước mà anh yêu quý. Nhưng với tình hình hiện tại, anh đành trở lại Tanzania. Chàng sinh viên thổ lộ: Với anh, việc chấp nhận rời Sudan khi chỉ còn một học kỳ nữa sẽ hoàn thành chương trình kỹ sư là lựa chọn khó khăn hơn nhiều so với việc lái xe qua những con phố đầy tiếng súng của Khartoum để cứu người. "Tôi như tan nát cõi lòng", giọng Tibwa sâu hun hút, gợi lên một dư âm thăm thẳm. "Tôi không sợ nguy hiểm. Nhưng biết bao giờ trường học mới mở cửa trở lại cho chúng tôi?"...