Những lễ thức dịp Tết trong Hoàng thành Thăng Long còn là việc Vua “thay mặt” cho cả quốc gia kính cáo việc năm qua với trời đất, cầu mong mọi việc năm mới hanh thông, cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Trong Hoàng thành, những nghi thức ở triều đình để đóng lại một năm cũng thêm nhiều cung bậc khác hẳn với nghi lễ tại gia đình của dân chúng.
Kỳ “nghỉ Tết” của văn võ bá quan trong triều được chuẩn bị các nghi thức từ trước ngày tiễn Táo quân. Từ trong năm, các quan ở Tư thiên giám đã phải làm công việc tính toán làm lịch để nhà vua (có lịch mà) ban cho thiên hạ. Các công việc hằng ngày tạm ngừng nghỉ để chuẩn bị cho Tết sau Lễ Phất thức (Lễ Phong ấn) - là lễ lau chùi ấn tín, được triều đình tiến hành trang trọng. Đến thời Nguyễn lễ này thường làm vào ngày 20 tháng Chạp. Vua cùng các quan văn võ mặc phẩm phục cùng các nhân viên Nội Các, Cơ Mật thực hiện nghi lễ rửa ấn tín bằng nước thơm, sau đó lau bằng vải đỏ. Ấn được rửa xong, cho vào tủ khóa lại bên ngoài dán giấy niêm phong ghi hai chữ “Hoàng phong”. Vì thế Lễ Phất thức còn gọi là Lễ Phong (bao bọc, gói kín lại) ấn. Sau lễ này, vua và các quan tạm dừng công việc, không dùng ấn nữa. Đến đầu năm mới, sẽ chọn ngày tốt làm lễ khai ấn, sau đó các công việc mới được tiến hành trở lại. Tại Thăng Long, lễ Phong ấn không được chép rõ như thời Nguyễn nhưng nghi lễ này đã được thực hành rất phổ biến dưới thời Lê. Các thương lái nước ngoài ở Thăng Long thời đó (như Samuel Baron) ghi chép rằng: “Tết của người Việt bắt đầu từ ngày 25 tháng 12” (âm lịch) khi đó “Ở phủ quan, cái ấn lật ngược lúc đó đặt trong một cái hộp”.
Mâm lễ tiễn Táo quân.
Lễ cúng Táo quân được triều đình làm đúng ngày 23 tháng Chạp. Triều đình nhà Lê quy định lễ phẩm trong lễ cúng Táo quân, gồm “12 phẩm oản, một mâm chè, một con lợn, giấy vàng, giấy bạc, trầu cau, hương, dầu”. Sau lễ cúng Táo quân một ngày, Tư thiên giám làm Lễ tiến lịch lên vua tại sân Đan Trì. Sách xưa ghi: “Đến cuối tháng Chạp, làm Lễ tiến lịch. Trong buổi lễ, bá quan đều mặc phẩm phục nghiêm trang thực hiện nghi lễ, Tư thiên giám tiến hoàng lịch năm mới”. Với cư dân nông nghiệp, lịch có vai trò đặc biệt trong quan niệm, đời sống sản xuất và sinh hoạt. Lịch được xem là lệnh trời. Vua, là “Thiên tử”, thay trời ban lịch cho dân để làm nông vụ và tế lễ nên lễ Tiến lịch được xem là rất quan trọng.
Cây nêu Tết xưa được phục dựng trước sân Đoan môn.
Đón Tết xưa trong Hoàng thành không thể thiếu Lễ Thướng tiêu - là lễ dựng cây nêu ngày Tết. Ý nghĩa của dựng cây nêu ngày Tết là xua đuổi điều xấu và cầu những điều tốt đẹp, may mắn. Trong cung đình xưa, nhà vua dựng cây nêu ở nhiều nơi trước chính điện thiết triều và các miếu điện. Dưới đất quanh gốc cây nêu thường có hình cánh cung rắc bằng vôi trắng, mũi tên hướng về phía đông. Theo truyền thuyết thì hình cây cung được Bụt dạy cho dân chúng vẽ để răn đe đám ma quỷ từ biển đông không được xâm phạm quấy nhiễu con người. Cây nêu cao vút còn là biểu tượng báo hiệu Tết đến xuân về. Trong cung, Lễ Thướng tiêu được làm trong khoảng từ ngày 23 đến trước ngày 30 tháng Chạp. Khi nhìn thấy cây nêu dựng trong Hoàng cung, lúc đó ở bên ngoài thành các “ông chủ” gia đình cùng nhau đi dựng cây nêu ở đình rồi mới về dựng cây nêu và treo tràng pháo trước sân nhà mình.
Trong Hoàng thành xưa còn Lễ tiến Xuân Ngưu vào tiết lập xuân trước Tết. Đây là nghi lễ cung đình quan trọng ở Thăng Long và được duy trì đến thời Nguyễn. GS Trần Quốc Vượng cho biết: Lễ tiến Xuân Ngưu đã xuất hiện từ thời Lý, năm 1048, khi vua Lý Thái Tông xuống chiếu “định phép đánh xuân ngưu”. Thời Trần, “ngày lập Xuân đi du Xuân, vua sai vị trưởng họ dùng roi đánh con trâu đất, xong rồi, các quan lại giắt hoa lên mũ, vào cung dự tiệc”. Đến thời Lê lễ tiến Xuân Ngưu trở thành nghi lễ ghi vào điển chế, cử hành ở sân Đan Trì, sau khi rước Xuân Ngưu và thần Câu Mang từ đền Bạch Mã (trên phố Hàng Buồm ngày nay). Lễ tiến Xuân Ngưu có hai phần: Lễ tống tiễn mùa đông và lễ lập xuân. Vật tế cũng có hai phần - Xuân Ngưu đại diện tượng trưng cho tháng chạp âm lịch (là tháng Sửu), lạnh và thần Câu Mang là đại diện cho tháng giêng mùa xuân, cây cối xanh tốt. Triều đình tổ chức Lễ tiến Xuân Ngưu vào dịp năm mới và mọi người hồ hởi tham gia với ý nghĩa mong muốn “cầu một năm mới bội thu, may mắn, thịnh vượng”.
Những ngày Tết, “trong kinh, ngoài kẻ” mọi người đều sống với nhau bằng cái tình thiện, khiết, hòa, vọng - lương thiện, trong sạch, hòa hợp và hướng đến tương lai với nhiều hy vọng. Mọi người đều bỏ xích mích mà chúc nhau những điều tốt đẹp bằng những chữ xúc tích, “ý tại ngôn ngoại”: phúc, lộc, thọ, khang, ninh, hòa, tiến, đạt, vạn sự như ý... Tết trong Hoàng thành Thăng Long xưa cũng nổi bật phong vị xứng đáng của một Kinh đô trong hành lễ với trời đất, tổ tiên.
Du khách đến Hoàng thành Thăng Long dự Hội Xuân hôm nay, thưởng lãm những nghi lễ xưa được tái hiện cũng có thể cảm nhận được phần nào không khí lễ hội ngày xuân linh thiêng, rạng rỡ của mảnh đất nghìn năm văn hiến. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng: “Mỗi di tích, di vật đều ẩn chứa trong đó những giá trị tinh thần. Khu Di sản Hoàng thành thăng Long không những lưu giữ những dấu vết vật chất tập trung nhất thời hoàng kim chế độ tập quyền ở Việt Nam, điều này đã được cả thế giới biết đến, mà nơi đây còn lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần, phi vật thể độc đáo - đó là những lễ thức, sinh hoạt cung đình, chứa đựng cả thế giới quan của người xưa. Phục dựng tái hiện phần nào những giá trị tinh thần đó cũng làm cho khu di sản Hoàng thành Thăng Long trở nên có “hồn” và hấp dẫn thêm du khách cũng như có thể giáo dục và truyền cảm hứng trân trọng truyền thống cho các thế hệ sau”.