Đó là nhận định của Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Quốc Trị tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, chiều 27/12.
Nỗ lực hoàn thành nhiều chỉ tiêu
Báo cáo tại Hội nghị, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết năm 2023, các đơn vị thuộc khối Lâm nghiệp đã bám sát nhiệm vụ được giao, tăng cường phối hợp với các cơ quan, địa phương, tham mưu cho Bộ những giải pháp chỉ đạo kịp thời và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Đáng chú ý, trong năm 2023, đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, chiều 27/12. |
Chủ động nắm bắt tình hình điểm nóng và khoanh vùng các địa bàn trọng điểm về chặt phá rừng, các tụ điểm cất giữ, trung chuyển lâm sản lớn trên những địa bàn trọng điểm. Tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42,02%. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 là 4.130,4 tỷ đồng.
Công tác truyền thông lĩnh vực lâm nghiệp được đẩy mạnh, đa dạng các hình thức những thông tin về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, phát triển rừng trồng gỗ lớn, chứng chỉ rừng, phát huy đa giá trị của rừng, dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon rừng,... luôn nhận được sự quan tâm với hàng nghìn lượt tin, bài.
Ứng dụng khoa học, công nghệ trong lâm nghiệp có bước phát triển mạnh, nhiều đề tài nghiên cứu đã thực sự đóng góp và áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, qua đó tăng cường hợp tác phát triển sản xuất và thúc đẩy thị trường xuất khẩu lâm sản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng khô hanh kéo nên nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Vẫn còn tồn tại những điểm nóng về phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại một số địa phương, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên; Nam Trung Bộ. Thực trạng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới.
Kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất giống còn thiếu và lạc hậu.
Nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp,... Người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ và EU đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ.
Cùng với đó, chính sách bảo hộ của các quốc gia nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, do vậy, đã ảnh hưởng tới thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 14,39 tỷ USD, giảm 15,8% so năm 2022, trong đó, nhập khẩu ước đạt 2,191 tỷ USD. Toàn ngành xuất siêu ước đạt 12,199 tỷ USD.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhận định, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn thách thức đối với ngành lâm nghiệp, từ việc đứt gãy chuỗi cung cầu gây ảnh hưởng giao thương, vấn đề logistic.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu là yếu tố ảnh hưởng ngành lâm nghiệp: Năm 2023, có đến 300 vụ cháy rừng, tuy nhiên, diện tích thiệt hại của nước ta vẫn ở mức thấp nếu so sánh với nhiều quốc gia trên thế giới.
Phấn đấu về đích 2024
Mặc dù vậy, Thứ trưởng cũng ghi nhận những nỗ lực vượt khó của ngành lâm nghiệp trong năm qua để đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành, nhiều chỉ tiêu đạt mức cao. Đặc biệt là các chỉ tiêu về trồng rừng, khai thác, thu dịch vụ môi trường rừng, tỷ lệ che phủ rừng...
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị ghi nhận những nỗ lực của ngành lâm nghiệp trong năm qua. |
Nhấn mạnh thêm về chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng, Thứ trưởng Trị cho biết, đây không chỉ là chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp mà còn là chỉ tiêu Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc ngành lâm nghiệp hoàn thành chỉ tiêu trên góp phần cho việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trị cho rằng, vẫn phải nhìn nhận một thực tế là vẫn còn nhiều chỉ tiêu ngành lâm nghiệp trong năm qua chưa đạt được như mong muốn, trong đó có giá trị xuất khẩu lâm sản. Năm 2023 mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD, nhưng đến nay mới chỉ đạt khoảng 14,3 tỷ USD.
Thứ trưởng Trị chỉ rõ: “Có thể khẳng định, 20 năm qua, chưa năm nào ngành lâm nghiệp chỉ tiêu xuất khẩu không chạm đỉnh nhưng năm nay lại bắt đầu đi xuống. Đây là tín hiệu để thấy rằng, chúng ta cần nhanh chóng tái cơ cấu lại lĩnh vực này, từ sản phẩm, nguyên liệu, thị trường đến các sản phẩm phụ trợ”. Về những phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, quy hoạch ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa được ban hành, hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy để tạo ra hướng đi.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn, xác định đây sẽ là những rào cản trong thời gian sắp tới với ngành lâm nghiệp. Cụ thể, cơ sở hạ tầng ngành nông nghiệp còn lạc hậu, công nghệ thấp kém, đầu tư trong lâm nghiệp còn hạn chế.
Một số cơ chế chính sách còn chồng chéo, chưa đồng nhất nhưng cơ bản đã phủ kín lĩnh vực lâm nghiệp. Những vướng mắc còn cần phải tháo gỡ, không chỉ trong Luật Lâm nghiệp mà còn nhiều luật liên quan hay là những thông tư.
Bước sang năm 2024, Thứ trưởng đề nghị cần rà soát toàn bộ kế hoạch sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chính thức chỉ tiêu.
Về văn bản quy phạm pháp luật, năm tới là năm ngành lâm nghiệp phải làm đồng bộ nhiều việc. Cần tổ chức triển khai thực hiện, cơ chế chính sách kịp thời. Có hiệu lực cần sớm đưa vào cuộc sống, đưa vào cuộc sống chưa phù hợp thì sửa đổi, bổ sung.
Với các kiến nghị về tổ chức cán bộ, Thứ trưởng Trị cho rằng đây là điều cần thiết, đề nghị tổng hợp để xem xét giải quyết vấn đề này, giải quyết càng sớm càng tốt. Không thể để còn biên chế mà con người không đủ hay là tuyển hết mà không có biên chế.
Tháo gỡ bất cập cho nghề rừng ở Bắc Kạn
Về mục tiêu đặt ra cho năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0-5,5%; trồng rừng tập trung 245.000ha; trồng cây phân tán 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu m3; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD.