Bất cập ảnh hưởng tới mục tiêu
Bắc Kạn có diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích rừng trồng chiếm khoảng 1/3 diện tích đất lâm nghiệp. Trồng rừng được địa phương này xác định là thế mạnh, mục tiêu phát triển và đã trồng được khoảng 100 nghìn ha.
Gia đình anh Lộc Văn Huyến, xã Côn Minh, huyện Na Rì trồng rừng từ năm 2002. Toàn bộ diện tích hơn 5 ha của gia đình đã được cấp sổ đỏ, được chương trình trồng rừng 327 hỗ trợ giống và kỹ thuật. Tuy nhiên, sau này, toàn bộ diện tích rừng trồng của gia đình anh Huyến được quy hoạch thành rừng đặc dụng thuộc Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ. Anh Huyến bức xúc, từ khi bị quy hoạch, toàn bộ diện tích rừng trồng của gia đình không thể khai thác dù bây giờ cây đã hơn 20 năm tuổi. Dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Bắc Kạn hiện có gần 390 ha rừng trồng từ trước năm 2002 tại bốn xã giáp ranh Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ. Năm 2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (nay là Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ) được thành lập đã quy hoạch phần diện tích này vào đất thuộc khu quản lý. Từ đó, bà con không thể khai thác gỗ do chính mình trồng. Tương tự, người dân sinh sống chung quanh Khu Bảo tồn Nam Xuân Lạc (Chợ Đồn) có khoảng 10 ha rừng trồng bị quy hoạch từ rừng sản xuất thành rừng đặc dụng nên cũng không được khai thác nhiều năm qua.
Trong khi đó, ở những nơi được khai thác thì lại chưa có diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC. Năm 2017, hơn 900 ha rừng keo của các hộ dân tại các xã Cao Kỳ, Nông Hạ, Hòa Mục (Chợ Mới) được Công ty cổ phần Woodsland-Việt Nam phối hợp thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC và được cấp vào năm 2018. Tuy nhiên, đến khi rừng đủ tuổi khai thác, Công ty cổ phần Woodsland-Việt Nam, đơn vị cam kết thu mua gỗ của người dân thì bặt tin. Đến năm 2023, chứng chỉ rừng FSC hết hạn và toàn bộ diện tích rừng đã tham gia lại quay về xuất phát điểm ban đầu. Vì vậy, chỉ tiêu diện tích rừng đạt chứng nhận FSC của Bắc Kạn trong nhiệm kỳ này là 20 nghìn ha nhưng hiện tại vẫn chưa có diện tích nào.
Không có chứng chỉ FSC dẫn tới chế biến gỗ ở Bắc Kạn không thể xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Tại khu công nghiệp Thanh Bình có những nhà máy chế biến gỗ với mục tiêu xuất khẩu, như Công ty Leechenwood, Công ty Cổ phần Govina… Tuy nhiên, vì đa số người trồng rừng không thể cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu nên dù nhà máy sát vùng rừng trồng nhưng các công ty này đều phải nhập gỗ từ các tỉnh khác. Từ đó đã dẫn tới tình trạng khai thác cả rừng non, chế biến thô sơ ở các xưởng gỗ bóc gây lãng phí và dễ thất thu thuế. Mặc dù cơ sở chế biến nhiều nhưng số thu thuế từ công nghiệp chế biến gỗ của Bắc Kạn lại rất thấp. Thống kê của UBND tỉnh Bắc Kạn cho thấy, sản lượng gỗ khai thác từ năm 2016 đến 2021 đạt hơn 1.100.000 m3 nhưng tỷ lệ gỗ chế biến chỉ chiếm hơn 34%; sản lượng gỗ xẻ, gỗ bóc chỉ đạt hơn 400 nghìn m3. Có nghĩa là, phần lớn gỗ nguyên liệu “chảy ra” khỏi tỉnh.
Rừng trồng ở Bắc Kạn tuy nhiều nhưng chất lượng không cao do ít rừng gỗ lớn và chăm sóc chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do phần lớn người trồng rừng vẫn mua giống cây trôi nổi để trồng trong khi lại chưa áp dụng đúng, đầy đủ các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, luân canh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng tăng trưởng bình quân trên 1 ha rừng trồng của tỉnh trong một năm chỉ khoảng 7 đến 8 m3. Trong khi đó, ở các tỉnh thâm canh tốt con số này có thể lên tới 20 đến 25 m3/ha/năm.
Điều bất cập lớn là hiện tại dù dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng, trong đó đa phần là rừng tự nhiên nhưng Bắc Kạn chưa bán được tín chỉ các-bon. Nguồn lợi này dường như đang bị lãng phí, rất thiệt thòi cho người trồng rừng và giữ rừng. Trong khi trên thế giới vẫn đang ưu tiên đánh giá, mua tín chỉ các bon của rừng trồng. Ngành nông nghiệp từng thực hiện đánh giá để bán tín chỉ các bon trên diện tích hơn 500 ha rừng. Dự án đã đến bước ký hợp đồng mua bán nhưng cuối cùng vẫn phải bỏ vì vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Khu công nghiệp Thanh Bình. |
Sớm tháo gỡ
Những bất cập nói trên đang khiến trồng rừng ở Bắc Kạn có nguy cơ “thua” ngay trên sân nhà. Người trồng rừng và giữ rừng thì thiệt thòi vì giá trị kinh tế thu lại không tương xứng giá trị thực tế. Một ha rừng trồng sau 8 đến 10 năm được khai thác, tính ra lợi nhuận người dân chỉ được khoảng 15 triệu đồng/năm là rất thấp. Rừng tự nhiên được bảo vệ tốt nhưng người dân không được hưởng lợi gì đáng kể.
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, những diện tích rừng trồng bị “vướng” vào quy hoạch rừng đặc dụng đã kéo dài nhiều năm. Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát và sẽ có điều chỉnh để đưa hơn 500 ha ra ngoài quy hoạch rừng đặc dụng. Đến quý II năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành báo cáo, tham mưu UBND tỉnh để tiến hành những thủ tục tiếp theo. Sau khi đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng người dân sẽ có thể khai thác và tiếp tục trồng rừng.
Nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng, Bắc Kạn đã chỉ đạo các địa phương tập trung trồng rừng gỗ lớn. Tỉnh cũng chỉ đạo nhân rộng kỹ thuật tỉa thưa và trồng cây bản địa dưới tán theo dự án KfW8 vốn là biện pháp kỹ thuật lâm sinh rất phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Để tránh việc gỗ nguyên liệu nhiều nhưng chủ yếu bán ra ngoại tỉnh trong khi các nhà máy trong tỉnh thì “đói nguyên liệu”, UBND tỉnh đã yêu cầu phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội, tạo nguồn thu ổn định từ hoạt động chế biến gỗ; thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào hoạt động chế biến gỗ tạo giá trị gia tăng cao… Cuối tháng 11, Bắc Kạn đồng ý cho Công ty TNHH Kẻ Gỗ tại Bắc Kạn khảo sát, đánh giá rừng trồng sản xuất để thực hiện xây dựng hồ sơ quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC.
Hiện tại, mặc dù chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể nhưng Bắc Kạn đã chủ động nghiên cứu, xem xét, chuẩn bị các bước cơ bản cho việc sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mỹ Hải, với rừng tự nhiên điều kiện để tham gia thị trường tín chỉ các-bon sẽ thuận lợi hơn.
Một trong những điều kiện tiên quyết để các diện tích rừng tự nhiên tham gia thị trường tín chỉ các-bon là phải được giao cho nhân dân quản lý. Theo hướng này, trong thời gian qua, Bắc Kạn đã thực hiện giao được hơn 10 nghìn ha rừng tự nhiên. Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so tổng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh. Nguyên nhân là vì việc giao rừng tự nhiên rất tốn kém kinh phí trong khi nguồn lực của tỉnh thì hạn chế. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo xây dựng chiến lược giao rừng để định hướng, đánh giá nguồn lực và đề xuất dự án triển khai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nông Quang Nhất cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp nỗ lực triển khai, kết nối với doanh nghiệp và hiện tại đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến khảo sát, đánh giá, lập hồ sơ công nhận chứng chỉ FSC. Tỉnh cũng đồng thời rà soát lại các cơ chế, chính sách để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để có cơ chế nguồn lực cho thực hiện rừng FSC trong thời gian tới. Đối với thị trường tín chỉ các-bon, chúng tôi xác định đây là lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm và sẽ từng bước học hỏi, triển khai sớm nhất có thể”.
Để sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ các-bon, Bắc Kạn kiến nghị Trung ương cần sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể về đối tượng, trình tự, thủ tục để địa phương có thể sớm triển khai.