Trung Đông và Ấn Độ: Cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ

NDO - Trong khi xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường truyền thống như: Mỹ, EU… sụt giảm mạnh thì thị trường Ấn Độ và Trung Đông đang nổi lên, tạo hy vọng mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường Trung Đông và Ấn Độ đang tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.
Thị trường Trung Đông và Ấn Độ đang tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các thị trường chính là Mỹ, EU đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê thông tin sơ bộ từ các doanh nghiệp chế biến gỗ cho thấy, riêng đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã giảm từ 50-55% tùy từng chủng loại sản phẩm gỗ, đồ gỗ.

Tương tự đối với thị trường EU cũng đã giảm tới 60% đơn hàng, các đơn hàng mới rất ít, mặc dù thời điểm này đang là chính vụ “mua hàng” của EU.

Trong khi các thị trường chính nói trên đang suy giảm trầm trọng các đơn hàng, thì hai thị trường mới nổi là Trung Đông và Ấn Độ lại đang trở thành điểm sáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam, mặc dù giá trị kim ngạch nhập khẩu chưa cao, chủng loại chưa nhiều và chưa có những đơn hàng lớn, dài hạn.

Thị trường Ấn Độ không phải là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Tuy nhiên, số liệu từ hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này những tháng đầu năm 2023 đã đạt hơn 21 triệu USD tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2022. Mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là gỗ MDF, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu.

Trung Đông và Ấn Độ: Cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ảnh 2

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các nước thuộc thị trường Trung Đông cũng tăng cao trong các tháng đầu năm năm 2023. UAE là thị trường chính, đạt hơn 11triệu USD tăng 38% so năm 2022. Mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường này gồm đồ gỗ sử dụng trong xây dựng, ghế ngồi và một số đồ gỗ khác.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quản lý doanh nghiệp, tại thị trường Ấn Độ thị hiếu tiêu dùng khác với châu Âu và Mỹ. Sản phẩm sử dụng là những mặt hàng cá biệt và chưa phù hợp với sản xuất của Việt Nam.

Hiện, chỉ có giới tiêu dùng trẻ của nước này mới sử dụng các mặt hàng giống như các nước phương tây, nhưng tỷ lệ chưa nhiều.

Với thị trường Trung Đông, các tháng đầu năm nhu cầu xây dựng tại khu vực này tăng lên trong khi việc nhập khẩu các mặt hàng đồ gỗ lại gặp khó khăn do những bất ổn về kinh tế, chính trị tại các thị trường nhập khẩu truyền thống, do đó các doanh nghiệp đã tìm đến sản phẩm gỗ Việt.

Dù sao, dẫu sức mua còn ít, chưa có hợp đồng dài hạn, chủng loại cũng không nhiều, song việc gia tăng nhập khẩu đồ gỗ từ các doanh nghiệp Việt Nam từ hai thị trường Ấn Độ và Trung Đông cũng tạo ra những hy vọng mới cho các doanh nghiệp trong nước trong thời điểm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang rơi vào khủng hoảng hiện nay.

Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập cho rằng, hiện Mỹ vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam. Để có lợi thế cạnh tranh tại thị trường này, các doanh nghiệp gỗ Việt rất cần thông tin để đánh giá lại sản phẩm chiến lược, sản phẩm có tiềm năng mà doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh.

Với thị trường EU, trước diễn biến trái chiều đối với mặt hàng gỗ dán, doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn có thông tin về thị trường, yêu cầu chất lượng, đánh giá tiềm năng đối với dòng sản phẩm này.

Với thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp ngành gỗ cần tìm hiểu thông tin về tiềm năng đối với các sản phẩm gỗ trong đó có đánh giá nhu cầu về sản phẩm MDF và các sản phẩm khác. Còn tại thị trường Trung Đông, các doanh nghiệp phải khảo sát kỹ tiềm năng về cơ hội xuất khẩu sang thị trường này và các mặt hàng doanh nghiệp có thế mạnh.

Để cạnh tranh với các doanh nghiệp gỗ tại các nước như: Ấn Độ, Indonesia, Trung Đông… đổi mới công nghệ đang là mục tiêu mà doanh nghiệp Việt hướng tới để giảm giá thành, tận dụng nguyên liệu đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước còn yếu ở các khâu xử lý nguyên liệu đầu vào như công nghệ sấy gỗ, xẻ, sử dụng hóa chất để xử lý cho gỗ không bị ẩm mốc, mối mọt… nhằm nâng cao chất lượng của các sản phẩm gỗ.