Nhiều việc làm thiết thực, nghĩa tình

Hơn ba năm nay, cứ vào những ngày cuối tháng, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Hậu cần Quân khu 4 lại hành quân về Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An, thực hiện mô hình "Đồng hành cùng thương binh, tình thương và trách nhiệm", bằng những việc làm thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà, cắt tóc, gội đầu; cắt móng tay, xoa bóp trị liệu cho các thương binh; tổng dọn vệ sinh môi trường nhà ở, cắt tỉa bồn hoa, cây cảnh ở trung tâm…, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên quê hương Bác kính yêu.
0:00 / 0:00
0:00
Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 4 thuộc Cục Hậu cần Quân khu 4 xoa bóp, trị liệu cho các thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 4 thuộc Cục Hậu cần Quân khu 4 xoa bóp, trị liệu cho các thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An.

Những tiếng cười giòn tan, giọng nói hào sảng, với những câu chuyện hàn huyên về "một thời hoa lửa" ùa về trong ký ức các đồng chí thương binh kể cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị tại khu cắt tóc, gội đầu trong chương trình "Đồng hành cùng thương binh, tình thương và trách nhiệm", làm cho mọi người thấy bồi hồi, xúc động, xen lẫn tự hào.

Gặp chúng tôi, Thương binh hạng ¼ Trần Quốc Tế, 75 tuổi, quê ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) nói như khoe: "Cứ mỗi lần cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Hậu cần về đây là hôm đó vui như ngày hội. Các anh, các chị không chỉ thăm hỏi, tặng quà, cắt tóc làm đẹp cho chúng tôi, mà còn bảo quản, bảo dưỡng xe lăn như mới…, giúp chúng tôi quên đi bệnh tật".

Thương binh hạng ¼ Ngô Xuân Kiện, quê ở thành phố Vinh (Nghệ An), vừa được cán bộ, chiến sĩ đơn vị cắt mái tóc mới gọn gàng, không giấu được niềm vui nhớ lại: "Trong năm 2020, 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mọi người, trong đó có chúng tôi. Vậy nhưng, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ở Cục Hậu cần Quân khu 4 đã tiếp tế lương thực, thực phẩm, lúc thì bó rau, cân miến, lúc thì cá hộp, thịt hộp…

Đôi lúc tôi cảm thấy việc làm đó có một không hai trên cuộc đời này. Điều đó càng thúc giục chúng tôi cần phải thêm cố gắng, vượt lên bệnh tật để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: Thương binh tàn nhưng không phế.

Bà Nguyễn Thị Lượng, thương binh hạng ¼, quê ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), điều dưỡng tại Trung tâm hơn 40 năm nay. Bà Lượng chỉ có một mình, mỗi lần có cán bộ, đoàn viên công đoàn, hội viên phụ nữ Cục Hậu cần Quân khu 4 về chăm sóc, giúp đỡ, căn phòng bà Lượng ở lại rộn rã tiếng cười.

Thực hiện mô hình "Đồng hành cùng thương binh, tình thương và trách nhiệm", ban đầu Cục Hậu cần Quân khu 4 gặp không ít khó khăn, vì một số bác thương binh tỏ ra không đồng tình, ngại tiếp xúc với người ngoài Trung tâm và sợ làm phiền các chú bộ đội.

Nhưng với tinh thần mưa dầm thấm lâu, những bác thương binh dễ tính được chăm sóc trước, khó tính được chăm sóc sau; phải người thật việc thật, không được làm qua loa, đại khái, không phải làm cho có, hình thức, mà phải thực hiện công việc bằng tất cả tình cảm, ý thức trách nhiệm và bằng cái tâm của mình; chăm sóc các thương binh như chăm sóc chính người thân trong gia đình.

Bởi vậy đến nay, cán bộ, nhân viên cùng các thương binh ở Trung tâm coi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đơn vị như người trong một nhà; cứ tuần cuối tháng mọi người lại nhớ, lại mong đợi...

Đại tá Vương Kim Hải, Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 4 cho biết: Với truyền thống của người lính hậu cần trên quê hương Bác và chức năng, nhiệm vụ bảo đảm công tác hậu cần, nhất là công tác chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Hậu cần mong muốn được góp một phần công sức để chăm sóc cho các thương, bệnh binh, những người đang gánh trên mình những mất mát thiệt thòi do hậu quả của chiến tranh để lại.

Mô hình "Đồng hành cùng thương binh, tình thương và trách nhiệm" được lãnh đạo, chỉ huy hai đơn vị là Cục Hậu cần Quân khu 4 và Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An tiến hành ký và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/10/2019.

Từ mô hình nêu trên đã lan tỏa đến các cơ quan, đơn vị và xuất hiện nhiều mô hình mới trong Cục Hậu cần Quân khu 4, như mô hình: "Bát cháo tình thương, bữa cơm nghĩa tình"; mô hình "Cắt tóc, gội đầu, mát-xa cho bệnh nhân nặng" của Bệnh viện Quân y 4, Bệnh viện Quân y 268; mô hình "Nét đẹp quân nhân", "Kỹ năng sống cho em" của Lữ đoàn Vận tải hỗn hợp 654; mô hình "Đồng hành cùng trẻ em khuyết tật" của Kho KX3; mô hình "Đồng hành cùng tuổi thơ" của Kho K55.

Việc làm của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Hậu cần Quân khu 4 đã để lại tình cảm tốt đẹp đối với cán bộ, nhân viên và các đồng chí thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên quê hương Bác kính yêu; đồng thời tiếp thêm tinh thần, nghị lực cho các thương binh xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: Thương binh tàn nhưng không phế.