Nhiều vi phạm đê điều tại Hải Phòng

Thời gian qua, tại TP Hải Phòng, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, hành lang thoát lũ trên các tuyến sông đã được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm chưa được xử lý triệt để, các công trình xây dựng liên tiếp được hoàn thiện, gia tăng cả về mức độ và quy mô đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, an toàn của các tuyến đê.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh khu vực đê tả sông Lạch Tray, TP Hải Phòng bị chiếm dụng xây dựng trái phép.
Hình ảnh khu vực đê tả sông Lạch Tray, TP Hải Phòng bị chiếm dụng xây dựng trái phép.

Với chiều dài 45 km, sông Lạch Tray không chỉ là tuyến đường thủy quan trọng của TP Hải Phòng mà còn bảo đảm thoát lũ nhanh trong mùa mưa bão. Ðiều này cũng đã được khẳng định trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng về việc phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông được ban hành từ năm 2015. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, tình trạng vi phạm tả, hữu đê Lạch Tray vẫn diễn ra ở nhiều hình thức, mức độ khác nhau.

Tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, nơi có sông Lạch Tray chảy qua, mặc dù có nguồn gốc là đất nuôi trồng thủy sản, nhưng nhiều năm qua, các cá nhân đã tự ý chuyển nhượng, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình, nhà ở, khu sinh thái, tập kết vật liệu trên bãi sông trái phép.

Tại khu vực tiếp giáp với Khu đô thị Cầu Rào 2, tình trạng san lấp, lập bến bãi, xây dựng công trình với quy mô lớn diễn ra nghiêm trọng. Ở ngay sát Cầu Rào 2 là một nhà hàng rộng hàng nghìn m2 của Khu sinh thái Bình Minh trải dài trên bờ sông và nghiêm trọng hơn là địa điểm này nằm trên hành lang thoát lũ. Và suốt chiều dài gần 1 km dọc đê tả sông Lạch Tray, từ cầu Võ Nguyên Giáp đến gần Cầu Rào 1, nhiều công trình trái phép được xây dựng đang hình thành như một khu dân cư mới.

Ðiều đáng nói các vi phạm này đều được phát hiện và trong suốt một thời gian dài, từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp TP Hải Phòng liên tiếp phát hành văn bản tới chính quyền quận Lê Chân và Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng cũng có nhiều chỉ đạo nhưng vi phạm vẫn chưa được xử lý và để các vi phạm tái diễn, mở rộng.

Ðiển hình, tại Km25+150, theo ông Nguyễn Bá Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai TP Hải Phòng, từ năm 2017, lực lượng chức năng đã lập biên bản, kiến nghị xử lý và Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng cũng liên tiếp có văn bản yêu cầu xử lý sai phạm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ðình Thụy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Lê Chân cho biết, toàn bộ đất bãi bồi ven sông Lạch Tray trước đây là do các hộ tự khai hoang vùng đầm lầy từ năm 1980. Năm 2004, xã Vĩnh Niệm, huyện An Hải được sáp nhập về quận Lê Chân, chính quyền quận và phường đã ký hợp đồng cho 32 hộ dân thuê đất bãi bồi để nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích hơn 23 ha, đến nay mới thanh lý hợp đồng được 31 trường hợp. Ủy ban nhân dân quận đã rà soát và xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm đối với các hộ vi phạm, trước mắt sẽ là 4 hộ tại tổ 19 của phường Vĩnh Niệm.

Cũng ở tuyến sông Lạch Tray tại phường Tràng Cát, quận Hải An, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, đê điều diễn ra công khai. Nhiều công trình kiên cố được xây dựng, có công trình được xây dựng biệt thự. Các tổ chức, cá nhân đã nhiều lần bị lập biên bản, phạt hành chính với số tiền lớn và yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu, nhưng không chấp hành, mà còn tiếp tục hoàn thiện các công trình.

Tại bãi sông vị trí Km18+450, Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính và cá nhân đã nộp phạt nhưng chưa khắc phục hậu quả theo quy định, hoạt động vi phạm vẫn diễn ra và còn phát sinh vi phạm mới, với diện tích 540 m2. Còn tại Km17+920 đã diễn ra việc xây dựng trái phép khi dựng công trình nhà khung thép, đổ bê-tông cốt thép 22 đê móng của Công ty cổ phần Du lịch sinh thái Hùng Hải, Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng cũng đã xử phạt 180 triệu đồng, dù đã nộp phạt nhưng mới chỉ khắc phục hậu quả một phần.

Hiện nay, tại khu vực bãi bồi ven sông ngoài đê Tràng Cát, thuộc địa bàn phường Tràng Cát, quận Hải An, có 6 trường hợp sai phạm nhưng chưa thực hiện giải tỏa đúng theo quy định. Theo ông Bùi Duy Hưng, Hạt trưởng Hạt Quản lý Ðê điều Bắc Lạch Tray, các hoạt động xây dựng công trình trái phép với quy mô và diện tích lớn có liên quan tới việc giao đất, cho thuê đất và quản lý đất của địa phương. Theo tìm hiểu, năm 1981, Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng giao nhiệm vụ khai thác kinh tế, trong đó có khu vực đê sông Lạch Tray cho một xí nghiệp nhưng sau đó xí nghiệp đã hợp đồng với cá nhân để liên doanh khai thác thủy sản. Và theo quyết định của Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng chỉ cho phép cơ sở sản xuất được xây công trình nhà đơn giản cấp 4 để phục vụ sản xuất nhưng lại chuyển nhượng cho nhiều người khác và xây dựng trái phép các công trình.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có văn bản chỉ đạo cho Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng yêu cầu kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã yêu cầu UBND các quận, huyện rà soát, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm đê điều trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền; đối với các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa chấp hành quyết định xử phạt hoàn thiện hồ sơ thực hiện cưỡng chế theo quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân không thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính khi nhận được kiến nghị xử lý của cơ quan quản lý đê điều; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng công trình trái phép; cương quyết thu hồi phần diện tích đất lấn, chiếm, sử dụng sai mục đích. Bên cạnh đó, thành phố sẽ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện nếu không thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm hiện nay, để các vi phạm mới phát sinh không được xử lý kịp thời, hiệu quả...

Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 70 vụ việc vi phạm xây dựng công trình trên hành lang đê và bãi sông, trong đó đã xử lý 7 vụ việc, và còn lại 63 vụ việc. UBND các cấp đã ban hành 31 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 840 triệu đồng.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng

Ðể tăng cường hiệu lực, hiệu quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều đạt hiệu quả, các ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 16/1/2017 và Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 25/8/2017 xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố để xử lý ngay từ khi mới phát sinh.

Ðỗ Gia Khánh

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng