Nhiều thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi liên quan đến tác hại của thuốc lá

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc lá; thực thi các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên tổ chức.
Cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên tổ chức.

Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 30 tỉnh, thành phố năm 2022-2023 cho thấy đã có nhiều thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi liên quan đến tác hại của thuốc lá.

Đến nay, tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi là 97,1%, gây đột quỵ là 80,9%, gây bệnh tim mạch là 77,8%. Tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hít phải khói thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc lá 87,7%.

Việc thực hiện môi trường không khói thuốc cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông cộng cộng. Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan công sở việc hút thuốc hầu như không còn. Nhiều sự kiện trong cộng đồng như đám cưới, đám tang... tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá. Kết quả này cho thấy ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc trong cộng đồng đã có chuyển biến tích cực - là một trong những kết quả bền vững trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại nước ta.

Những thành công bước đầu này đã góp phần thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 20/2017/NQ-TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá”.