Hội nghị, nhằm cung cấp thông tin cho các phóng viên, biên tập viên về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới; đồng thời đưa ra các giải pháp trong công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam thời gian tới.
Chia sẻ thông tin tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, thuốc lá là nguy cơ gây tử vong, bệnh tật và gây ra đói nghèo, tác hại môi trường, kinh tế-xã hội trên thế giới.
Trên thế giới có hơn 1 tỷ người hút thuốc, trong đó ở người trưởng thành, nam giới 847 triệu, nữ giới 153 triệu người; ở nhóm tuổi thanh thiếu niên từ 13 đến 15 tuổi là 24 triệu người. Hơn 8 triệu người tử vong hằng năm do thuốc lá, trong đó 7 triệu người do trực tiếp sử dụng thuốc lá và 1,2 triệu người không hút thuốc lá tử vong do hút thuốc thụ động; 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ chi phí mỗi năm chi phí chăm sóc sức khỏe cũng như giảm năng suất lao động do thuốc lá gây ra.
Diễn giả chia sẻ, trao đổi thông tin về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên thế giới và Việt Nam tại hội thảo. |
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá (sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 bệnh); dự báo, đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70 nghìn người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Các bệnh có nguyên nhân chính sử dụng từ thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam thời gian qua.
Đáng chú ý, chi phí điều trị năm nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) tại Việt Nam chiếm khoảng 1% GDP, tương đương khoảng 67 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương cho biết thêm, sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi) ở Việt Nam giảm từ 22,5% (năm 2015) xuống 21,7% (năm 2022), trong đó nam giới là từ 45,3% (năm 2015) xuống 42,3% (năm 2020).
Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại 30 tỉnh, thành phố năm 2022-2023 cho thấy: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 42,3% (năm 2020) xuống 38,9% (năm 2022). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở lứa tuổi học sinh từ 13 đến 15 tuổi (2014-2022) giảm từ 3,5% (năm 2014) xuống 2,7% (năm 2022), trong đó nam giới giảm từ 6,3% xuống 4%.
Đối với hút thuốc lá thụ động (2015-2022), giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với thuốc lá (hút thuốc thụ động) tại các địa điểm công cộng như: tại nơi làm việc giảm từ 42,6%, xuống 23%; tại nhà giảm từ 59,9%, xuống 45,6%; tại nhà hàng giảm từ 80,7%, xuống 68%; tại quán bar/cà-phê/trà giảm từ 89,1%, xuống 54,3%.
Với kết quả nêu trên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có thể phòng tránh được 280 nghìn ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp; giá thuốc rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh niên và người nghèo. Mặt khác, hiện trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đáng lo ngại, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh 13 đến 15 tuổi theo giới tại Việt Nam (năm 2022) là 3,5% trong độ tuổi nêu trên sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó nam giới là 4,3%, nữ giới là 2,8%. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử chung ở người trên 15 tuổi (năm 2020) tăng 18 lần so với (năm 2015) từ 0,2% lên 3,6%.
Diễn giả trao đổi, cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá tại hội thảo. |
Chia sẻ về tác hại thuốc lá điện tử đến sức khỏe người hút trực tiếp và thụ động, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thuốc lá điện tử có rất nhiều tác hại đối với sức khỏe, vì các thành phần trong thuốc lá điện tử như: nicotine, acetaldhyde, formaldehyde, crôm, chì, niken... gây ung thư, tổn thương gan, phổi, não, viêm phế quản, viêm phổi, hen, tổn thương não, thận, máu, tăng huyết áp...
Ngoài ra, hít thụ động với hơi thuốc lá điện tử tăng nguy cơ hen phế quản, gây viêm đường hô hấp; giảm chất lượng không khí: tăng các hạt ô nhiễm kể cả ở khu vực thông khí đầy đủ; nồng độ nicotine hít phải: tương đương so với hút thuốc lá thông thường. Đáng lo ngại, nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử; tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, qua theo dõi một số bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai thường bị tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, tổn thương tim, sốc, suy thận, tiêu cơ vân, nhịp tim chậm...
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã trao đổi, chia sẻ một số thông tin liên quan đến công tác phòng chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam như: một số ưu tiên trong phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới; những thách thức kiểm soát thuốc lá toàn cầu; khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về quan điểm cấm các sản phẩm thuốc lá mới; tác hại của thuốc lá điện tử...