Cuộc chiến trong lòng đất: Hành trình dài phía trước

Cuộc chiến trong lòng đất: Hành trình dài phía trước

NDO - Hàng chục năm qua, ngoài đầu tư của Trung ương, Quảng Trị được các tổ chức phi chính phủ và nước ngoài giúp đỡ rà phá bom mìn, vật nổ, từng bước làm sạch lòng đất, bàn giao mặt bằng cho nhân dân sản xuất, ổn định cuộc sống.

Một trong những đơn vị quốc tế đến giúp Quảng Trị trong việc rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tích cực nhất là Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy (NPA).

CAM KẾT TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH CÙNG VIỆT NAM

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Jan Erik Stoa - Giám đốc quốc gia Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) cho hay: Dù chiến tranh đã kết thúc hàng thập kỷ, cuộc sống và sinh kế của người dân ở Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng bởi bom đạn chùm và các loại vật nổ khác nằm rải rác trên cả nước.

“Theo ước tính, có đến hàng triệu tấn bom mìn, vật nổ đã được sử dụng trong các cuộc chiến kéo dài, để lại hàng trăm nghìn tấn bom mìn, vật nổ trên toàn quốc. Theo đánh giá của Chính phủ Việt Nam, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều bị ô nhiễm bởi bom mìn, vật nổ với các mức độ khác nhau với tổng số diện tích đất bị ô nhiễm chiếm đến 18% tổng diện tích cả nước, đặc biệt có những địa phương bị ô nhiễm đến 80% như Quảng Trị”, Giám đốc Quốc gia NPA Việt Nam nhấn mạnh.

Cuộc chiến trong lòng đất: Hành trình dài phía trước ảnh 1

Ông Jan Erik Stoa - Giám đốc quốc gia Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) khẳng định: NPA sẽ tiếp tục đồng hành của Chính phủ, nhân dân Việt Nam trong nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

Quảng Trị là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước. Theo khảo sát, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng tại đây lên tới 3.861km2, chiếm 81,36% tổng diện tích toàn tỉnh. Đặc biệt, kể từ sau chiến tranh tới nay đã có khoảng hơn 8.500 người bị tai nạn từ các loại bom mìn vật nổ còn sót lại, chiếm 1,2% dân số. Đáng tiếc nhất là trong số này có tới 31% nạn nhân là trẻ em. Ngoài ra, tỉnh có trên 37.000 người khuyết tật, chiếm 6% dân số; trong đó hơn 9.000 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhiều gia đình để lại di chứng đến thế hệ thứ ba.

Nhận thức được thực trạng này, ngay từ năm 2007, để thực hiện được tầm nhìn dài hạn cũng như hỗ trợ cho mục tiêu của các cơ quan quản lý hành động bom mìn cấp tỉnh và cấp quốc gia, NPA hỗ trợ và thực hiện hoạt động khảo sát dấu vết bom đạn chùm (CMRS), rà phá hiện trường giao tranh (BAC), xử lý hủy nổ bom mìn lưu động (EOD) và giáo dục nguy cơ BMVN (EORE).

Cuộc chiến trong lòng đất: Hành trình dài phía trước ảnh 2

Bản đồ khu vực khẳng định nguy hiểm do bom, mìn, vật nổ tại Quảng Trị.

Dẫn chứng cụ thể, Giám đốc quốc gia NPA Việt Nam cho biết: Riêng tại Quảng Trị, tính đến cuối tháng 6/2023, NPA/RENEW đã hoàn thành công tác lập bản đồ các khu vực ô nhiễm bom đạn chùm tại 690 thôn của tỉnh Quảng Trị, với diện tích ô nhiễm lên đến hơn 619km2.

“Tới nay, chúng tôi đã rà sạch được hơn 29km2 với tổng 128.399 vật liệu nổ được phát hiện và xử lý an toàn”, Giám đốc quốc gia NPA tại Việt Nam thông tin thêm.

Tính đến tháng 11/2023, NPA/RENEW đã hoàn thành khảo sát phi kỹ thuật 728 thôn với 9.066 nhiệm vụ báo cáo vật liệu nổ, 1.051 nhiệm vụ cho hoạt động khảo sát kỹ thuật. NPA/RENEW cũng hoàn thành 6.481 xử lý khẩn cấp qua đường dây nóng.

Bên cạnh hoạt động kể trên, trong suốt những năm qua, NPA đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng và đào tạo được đội ngũ nhân viên kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với kỹ thuật, công nghệ hiện đại và không ngừng cải tiến quy trình và phương pháp hoạt động. Hiện nay, các nhân sự hiện trường đã đủ năng lực thực hiện tất cả các khâu trong công tác rà phá, xử lý bom mìn trên thực địa. Đây cũng là một nguồn lực quan trọng để giúp tỉnh giải quyết vấn đề hậu quả bom mìn bền vững trong tương lai.

Đặc biệt, mô hình khắc phục hậu quả bom mìn của Quảng Trị đang được quốc tế đánh giá thành công với nhiều bài học kinh nghiệm được chia sẻ ra nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.

Đáng chú ý, ngoài Quảng Trị, NPA cũng đã và đang triển khai dự án trên 4 tỉnh, thành phố khác bao gồm: Hà Nội, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Kon Tum với các hoạt động chính bao gồm: Khảo sát dấu vết bom đạn chùm, rà phá hiện trường giao tranh, hủy nổ bom mìn lưu động, giáo dục phòng tránh nguy cơ bom mìn, vật nổ và nâng cao năng lực.

Cuộc chiến trong lòng đất: Hành trình dài phía trước ảnh 3

Suốt hàng chục năm qua, các cán bộ, nhân viên của NPA/RENEW nói riêng, các tổ chức quốc tế nói chung đã không ngừng nỗ lực để trả lại màu xanh cho Quảng Trị.

Giám đốc quốc gia NPA Việt Nam thông tin thêm: Trong hành trình gần 2 thập kỷ, NPA cũng đã tiến hành giới thiệu và đánh giá ứng dụng của các thiết bị tiên tiến, như thử nghiệm công cụ dò sâu Scorpion và hệ thống cắt thảm thực vật Bearcat.

Hệ thống Scorpion đã được đưa vào hoạt động trong các điều kiện đất đai và mặt bằng khác nhau, cho thấy được khả năng phát hiện vật nổ ở các mức độ sâu hơn dưới tầng mặt đất. Với khả năng loại bỏ thảm thực vật hiệu quả nhằm chuẩn bị cho hoạt động rà phá hiện trường, máy Bearcat đã được thử nghiệm và hỗ trợ các hoạt động rà phá của NPA, cho phép các đội tập trung vào việc rà phá, thay thế cho phương pháp chuẩn bị mặt bằng thủ công.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, NPA đã thiết lập một hệ thống cắt bom di động. Hệ thống này được dùng cho các loại bom không kích có kích cỡ lớn và không thể phá hủy tại chỗ. Một hệ thống X-quang được sử dụng trong quá trình này nhằm xác định các vật liệu và cấu trúc bên trong vật liệu nổ, sau đó sử dụng lưỡi cưa máy để cắt hở vật liệu nổ, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công tác phá hủy thuốc nổ.

Cuộc chiến trong lòng đất: Hành trình dài phía trước ảnh 4

Hệ thống Scorpion có thể dò tìm bom chùm và vật nổ khác bằng một cảm biến điện từ và từ kế. (Ảnh: NPA)

Về định hướng tương lại, khẳng định với phóng viên Báo Nhân Dân, Giám đốc Jan Erik Stoa khẳng định: Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ, nhân dân Việt Nam để khắc phục triệt để hậu quả của bom mìn và vật liệu nổ trong tương lai.

MỘT HÀNH TRÌNH NỐI TIẾP

Tại Quảng Trị những ngày này, màu xanh bình yên đang dần bừng lên trên những xóm làng vốn hứng chịu nhiều đau thương do bom mìn thời hậu chiến. Trôi qua cửa kính ô-tô chạy bon bon trên tuyến Đường 9 lịch sử, bạt ngàn rừng cao su, rừng tràm trải dài ngút mắt. Những địa danh từng được mệnh danh là “túi bom” như Phường Cội, Hải Thái… dần được làm sạch.

Ông Đinh Ngọc Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị đánh giá cao nỗ lực của NPA trong rà phá bom mìn trên địa bàn tỉnh trong suốt 16 năm qua. NPA đã hỗ trợ tỉnh có lập được bản đồ ô nhiễm trên địa bàn – từ đó, giúp tỉnh có thể lập kế hoạch và triển khai các hoạt động một cách hiệu quả. Với sự chung tay của các tổ chức hành động bom mìn trong những năm qua, hàng chục nghìn hécta của tỉnh Quảng Trị đã được làm sạch đem đến sự an toàn cho người dân khi thực hiện việc xây dựng nhà cửa, sản xuất và các sinh hoạt hàng ngày.

Ông Nguyễn Đức Sự (sinh năm 1963 ở xã Gio Châu, Gio Linh, Quảng Trị) từ nhỏ đã bị mất đi một phần cơ thể do sự cố liên quan tới bom mìn hậu chiến. Nhiều năm đã qua đi, nhưng nỗi ám ảnh vẫn hằn nguyên trên những vết thương nhăn nhúm.

Cuộc chiến trong lòng đất: Hành trình dài phía trước ảnh 5

Ông Sự là một nạn nhân từ bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh.

“Có rất nhiều người tại Gio Châu cũng gặp nạn do bom, mìn còn sót lại như tôi. Hai mươi năm trước, dù đi làm nông hay đi chăn thả gia súc, chúng tôi cũng nơm nớp lo sợ”, ông Sự khẽ sờ cánh tay cụt đến tận khuỷu kể.

Thế nhưng, đến nay, nỗi lo sợ đó đã dần được xua tan. Nhờ sự chung tay của chính quyền và các tổ chức quốc tế, ám ảnh “đạp trúng bom” đã dần trở thành dĩ vãng. Thậm chí, những nạn nhân như ông còn được trao sinh kế để khắc phục khó khăn. Năm 2019, gia đình người đàn ông 60 tuổi nhận được một con bò thịt để nâng cao chất lượng cuộc sống. Sau 4 năm, nhờ “chiếc cần câu” ấy, ông đã có trong tay một số vốn nhỏ để hướng tới tương lai.

Tại xã Hải Lệ (Hải Lăng, Quảng Trị), bà Nguyễn Thị Mễ cũng là một trong số rất nhiều người đang được hưởng lợi từ các dự án rà phá bom mìn nói chung. Trong chiến tranh, bà đã mất đi 5 người thân cùng một lúc. Hòa bình lập lại, những tưởng hạnh phúc sẽ tới nhưng năm 1977, khi đang khai hoang, phục hóa đất đai phục vụ sản xuất, bà đã giẫm phải một vật nổ và bị mất một cánh tay. Mới đây, bà Mễ đã nhận được vốn từ dự án RENEW để mua bò giống. Đến nay, đàn bò của gia đình bà đã phát triển lên tới 7 con.

“Tôi coi đàn bò như của để dành nhằm lúc khó khăn và phòng đau ốm”, bà nói.

Cuộc chiến trong lòng đất: Hành trình dài phía trước ảnh 6

Sau nhiều năm, những nạn nhân bom, mìn, vật nổ còn sót lại như ông Sự, bà Mễ đã có thể nở nụ cười khi được trao sinh kế, trao cả niềm tin vào tương lai bình an phía trước.

Trên phạm vi cả nước, sự nỗ lực làm việc của 370 nhân viên NPA cùng 90 cán bộ công tác tại các đơn vị hành động bom mìn cấp tỉnh và quốc gia trong năm qua, với sự hỗ trợ kinh phí từ các nhà tài trợ đã tạo nên nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả và năng suất nhất từ trước tới nay. Chỉ tính riêng trong năm 2022, các đội NPA đã xác định được hơn 130 km2 đất bị ô nhiễm vật liệu nổ, phát hiện và phá hủy an toàn hơn 13.700 vật nổ, chiếm 28% tổng số vật nổ NPA tìm được trên phạm vi toàn cầu. Các hoạt động này đã hỗ trợ trực tiếp đến 27.000 người, trong đó có 7.400 phụ nữ, 5.800 bé gái, 7.900 nam giới và 5.900 bé trai.

Với những người trong cuộc, hành trình “trả lại màu xanh” cho túi bom Quảng Trị vẫn đang tiếp nối. Như đã nhắc tới trong các bài trước, năm 2016, đội trưởng Ngô Thiện Khiết thuộc dự án NPA/RENEW trong lúc làm nhiệm vụ đã hy sinh khi một trái bom chùm bất ngờ phát nổ. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, hành trình đội trưởng Khiết bỏ dở đã ngay lập tức được con trai anh, Ngô Thiện Hoàng “tiếp bước”.

Cuối năm đó, anh quyết tâm vào công tác tại NPA/RENEW khi nỗi ám ảnh về tai nạn của cha vẫn chưa nguôi. Đặc biệt, đồng hành với anh còn là người vợ trẻ Trần Thị Mỹ Lệ.

Cuộc chiến trong lòng đất: Hành trình dài phía trước ảnh 7

Hành trình người đội trưởng Ngô Thiện Khiết để lại vẫn được tiếp nối bởi chính con trai, con dâu và những người đồng đội của anh. Trong ảnh là chị Trần Thị Mỹ Lệ, con dâu của đội trưởng Khiết. Hiện chị Lệ đang là thành viên của Đội xử lý lưu động thuộc dự án NPA/RENEW tại Quảng Trị.

Hiện Hoàng đang là thành viên của đội khảo sát phi kỹ thuật, có nhiệm vụ thu thập bằng chứng về bom, mìn tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong khi Lệ ở lại Quảng Trị, ngày ngày rà bom trên những mảnh ruộng vườn, bãi cát, rừng cây... Bất cứ nơi đâu, Lệ và Hoàng đều “cảm nhận được hình bóng của ba vẫn dõi theo, bảo bọc và dẫn đường chỉ lối” để họ góp một phần nhỏ làm sạch quê hương.

Ngày mai, hành trình của Hoàng, Lệ và hàng trăm người khác sẽ lại được bắt đầu…

Cuộc chiến trong lòng đất: Hành trình dài phía trước ảnh 8

Infographic Kết quả đạt được của dự án NPA tại Việt Nam giai đoạn 2020-2022.

(Bài cuối: Quảng Trị cần nhiều thập kỷ nữa để khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ )

“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp cùng sự đồng hành của ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

back to top