Nhiều sai phạm trong quản lý, đầu tư xây dựng, sử dụng đất tại Kon Tum

NDO - Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo kết luận thanh tra số 1919/TB-TTCP việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng, các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn từ 1/1/2016 đến 31/12/2019.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sai phạm trong quản lý, đầu tư xây dựng, sử dụng đất tại Kon Tum.
Nhiều sai phạm trong quản lý, đầu tư xây dựng, sử dụng đất tại Kon Tum.

Theo đó, tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, công tác quản lý đất công, đất công ích, việc giao đất cho thuê đất chuyển mục đích sử dụng đất, việc cho thuê đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án vốn ngoài ngân sách, vốn đầu tư công cũng như việc thẩm định phê duyệt kế hoạch đấu thầu... đã xảy ra nhiều vi phạm, bất cập, yếu kém.

Thanh tra chính phủ đã trực tiếp thanh tra kiểm tra đối với một số dự án, công trình và chỉ ra nhiều yếu kém, sai phạm tại các dự án công trình này. Trong đó, qua kiểm tra 4 huyện (Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy, Ngọc Hồi) về công tác quản lý đất công, đất công ích, Thanh tra Chính phủ nhận thấy địa phương chưa tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh, vi phạm trình tự, thủ tục quản lý đất đai.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, có 3 trong số 6 đơn vị có quỹ công ích, với tổng diện tích hơn 303ha được cấp huyện giao cho các xã, phường quản lý. Qua kiểm tra, đơn vị thanh tra nhận định việc quản lý, sử dụng đất cấp huyện chưa chặt chẽ, buông lỏng, dẫn đến cấp xã, phường sử dụng đất chưa đúng. Nhiều cá nhân còn nợ tiền thuê đất, với số tiền hơn 345 triệu đồng.

Có sai phạm trong việc giao đất, cho thuê đất tại 4 huyện, thành phố: TP Kon Tum, huyện Đắk Hà, huyện Ngọc Hồi, huyện Kon Rẫy. Theo đó, tại TP Kon Tum phát hiện tình trạng giao đất vượt hạn mức; giao đất cho 43 trường hợp không thuộc đối tượng tái định cư, khiến nguy cơ thất thu cho ngân sách hơn 3,5 tỷ đồng.

Tại huyện Đắk Hà có 85 trường hợp giao đất không qua đấu giá đối với quỹ đất nhỏ, lẻ trong thời gian dài. Đáng chú ý, một số công chức của huyện này được giao diện tích đất lớn và nhiều trường hợp được giao đất để ở, nhưng thực tế không có nhu cầu. Các huyện Kon Rẫy, Ngọc Hồi vi phạm chủ yếu giao đất không qua đấu giá.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, khi kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất với một số hộ gia đình, cá nhân tại 5 huyện, thành phố (Kon Tum, Đắk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Sa Thầy) đều phát hiện dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó còn phát hiện vi phạm trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khu vực đô thị đối với 378 hồ sơ.

Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng phát hiện một số vi phạm. Cụ thể, việc xử lý các dự án chậm tiến độ, dự án đầu tư không hiệu quả, đặc biệt là thiếu kiên quyết xử lý các dự án không triển khai, nhất là các dự án thủy điện. Trong đó, có 54 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư không theo dõi, dẫn đến không tham mưu chấm dứt hoạt động theo quy định, chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ và vừa...

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những vi phạm trong quản lý vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, việc xây dựng, phê duyệt, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo đó, thời kỳ trên, UBND tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án không rõ xác định thời gian, nguồn vốn, tiến độ thực hiện dự án, vi phạm quy định của Luật Xây dựng 2014; vi phạm một số nghị định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1792 ngày 15/10/2011.

Đáng chú ý, tại dự án bố trí dân cư tại xã Đắk Hring (huyện Đắk Hà), dự án này được Thủ tướng phê duyệt với khung thời gian thực hiện từ 2009-2015. Tuy nhiên, đến nay đã qua hơn 13 năm, dự án chưa hoàn thành, triển khai chậm không theo chỉ đạo của Thủ tướng dẫn đến chưa phát huy hiệu quả. Dự án này thiếu nguồn vốn để thực hiện với số tiền gần 15 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng nêu một số dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh: Dự án kè chống sạt lở sông Đăk Bla, 2 dự án đường giao thông trung tâm thị trấn huyện lỵ Kon Rẫy và đường cứu hộ, cứu nạn từ thị trấn Đắk Rve đi xã Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy do UBND Kon Rẫy làm chủ đầu tư...

Thanh tra Chính phủ chỉ ra sự yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, dẫn đến các dự án phải điều chuyển vốn. Nhiều dự án được phê duyệt nhưng không xác định rõ nguồn vốn, cân đối vốn dẫn đến thiếu vốn, kéo dài thời gian thực hiện (Các dự án: Hệ thống đường giao thông, cấp và thoát nước khu công nghiệp Hòa Bình; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hòa Bình; cụm công nghiệp Thanh Trung II; dự án xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2016-2020).

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện nhiệm vụ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá tại dự án tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư là sai, vi phạm Nghị định số 151 của Chính phủ và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Vào thời điểm thanh tra (tháng 8/2020), sau hơn 1 năm, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đến giữa tháng 9/2020, Tập đoàn FLC mới nộp số tiền trúng đấu giá là hơn 204 tỷ đồng và hơn 20 tỷ đồng tiền phạt nộp chậm. Việc này, Thanh tra Chính phủ cho rằng là vi phạm quy chế đấu giá, nhưng địa phương này thiếu kiên quyết trong việc xử lý hủy kết quả đấu giá.

Thông báo kết luận thanh tra cũng chỉ ra những sai phạm tại các dự án khu dân cư Hoàng Thành; dự án đầu tư xây dựng siêu thị Co.opmart Kon Tum; dự án thủy điện Đăk Psi. Những dự án trên có nguy cơ gây thất thoát tài sản của nhà nước...

Đáng chú ý, liên quan tới thửa đất của bà Nguyễn Thị Ánh, vợ nguyên Bí thư Thành ủy Kon Tum (tỉnh Kon Tum) có tới 4 mặt tiền, Thanh tra Chính phủ kiến nghị lãnh đạo địa phương cần chỉ đạo xử lý hành vi làm đường giao thông sai quy định, tùy tiện trong quyết định thu hồi đất để làm đường giao thông...

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum căn cứ kết quả thanh tra, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của UBND tỉnh và cá nhân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành được nêu trong kết luận thanh tra; yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum căn cứ vào kết quả thanh tra, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của UBND tỉnh và các cá nhân liên quan; giao các cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra gần 195 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền hơn 150 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý sử dụng đất, nhất là xây dựng và ban hành điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý sử dụng đất công ích. Chỉ đạo thu hồi đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với việc UBND huyện Ngọc Hồi cho thuê đất để xây dựng nhà hàng, trung tâm thương mại, dịch vụ trên đất quy hoạch cây xanh...

Với các nội dung trong kết luận thanh tra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm đối với các nội dung kết luận. UBND tỉnh Kon Tum thực hiện các nội dung kết luận, xử lý nghiêm các sai phạm, không để thất thoát tài sản nhà nước. Thanh tra Chính phủ sẽ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc UBND tỉnh Kon Tum và các đơn vị liên quan thực hiện kết luận thanh tra.