Nhiều quốc gia nhỏ đệ trình Liên hợp quốc tăng cam kết về khí hậu

NDO -

Tuần này, một nhóm hầu hết các quốc gia nhỏ hơn đã đệ trình lên Liên hợp quốc các cam kết mới, tham vọng hơn về khí hậu, gây áp lực lên các quốc gia phát thải lớn phải làm điều tương tự trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 11 tới.

Khói bốc lên từ ống khói của nhà máy nhiệt điện than Belchatow, Ba Lan. (Ảnh: Reuters).
Khói bốc lên từ ống khói của nhà máy nhiệt điện than Belchatow, Ba Lan. (Ảnh: Reuters).

Trưởng ban khí hậu Liên hợp quốc Patricia Espinosa cho biết, tính đến ngày 31/7, Liên hợp quốc đã nhận được cam kết mới từ 110 quốc gia, trong số gần 200 quốc gia đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Bà Espinosa cho biết trong một tuyên bố: “Vẫn còn lâu mới đạt yêu cầu vì chỉ có hơn một nửa số quốc gia (58%) đưa ra cam kết trước thời hạn chót”, đồng thời kêu gọi các quốc gia tụt hậu "nỗ lực gấp đôi" và đưa ra các cam kết tham vọng hơn để bảo vệ hành tinh.

Tổng cộng có 15 quốc gia, hầu hết đều nhỏ và có lượng khí thải CO2 tương đối thấp, đã đệ trình các cam kết mới trong tuần này, trước thời hạn 30/7 để được tính vào báo cáo của Liên hợp quốc.

Các quốc gia này bao gồm Sri Lanka, Israel, Malawi và Barbados. Các quốc gia lớn hơn như Malaysia, Nigeria và Namibia cũng đệ trình các mục tiêu khí hậu khắc nghiệt hơn trong tuần này.

Trên khắp thế giới đang xảy ra những đợt nắng nóng, lũ lụt và cháy rừng thảm khốc. Vì thế, ngày càng có nhiều lời kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2 làm nóng hành tinh.

Tuy nhiên, phân tích mới nhất của Liên hợp quốc về cam kết khí hậu của các quốc gia cho thấy, nếu kết hợp tất cả các cam kết với nhau thì Trái đất vẫn sẽ xảy ra hiện tượng ấm lên toàn cầu vượt xa giới hạn 1,5 độ nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Bà Espinosa nói: “Tôi thực sự hy vọng rằng những nỗ lực tập thể của các quốc gia đưa ra cam kết khí hậu mới sẽ cho thấy một bức tranh tích cực hơn”.

Trung Quốc - quốc gia phát thải CO2 lớn nhất thế giới - và các quốc gia lớn khác như Ấn Độ và Hàn Quốc vẫn chưa đệ trình các cam kết mới về khí hậu. Các quốc gia này đang phải đối mặt với áp lực quốc tế đáng kể để làm như vậy trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc.

Mỹ và Liên hiệp châu Âu, hai khu vực phát thải lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, đã tăng mục tiêu trong những tháng gần đây, hứa hẹn sẽ cắt giảm lượng khí thải nhanh hơn trong thập kỷ này.

Bà Tina Stege, đặc phái viên khí hậu của Quần đảo Marshall, một quốc đảo gần Xích đạo ở Thái Bình Dương, nơi rất dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng cao, kêu gọi các quốc gia giàu có chưa cam kết cần đưa ra cam kết thực hiện.

Bà nói: “Nếu các nền kinh tế lớn này đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) phù hợp với mục tiêu tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C, thì điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt trên thế giới”.

Các quốc gia bỏ lỡ thời hạn đưa vào báo cáo của Liên hợp quốc hôm 30/7 vẫn có thể đệ trình các cam kết mới trước Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11, vào thời điểm đó mọi quốc gia dự kiến ​​sẽ đệ trình một cam kết mới.