Nhiều nhà dân bị ngập, giao thông chia cắt do mưa lớn tại Thừa Thiên Huế

NDO - Trong hai ngày 2 và 3/12, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xuất hiện đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 400mm. Mưa lớn cộng thêm nước từ thượng nguồn Vườn Quốc gia Bạch Mã đổ về nhanh gây ngập nặng và ách tắc tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng giao thông, hướng dẫn phương tiện lưu thông qua đoạn đường bị ngập.
Lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng giao thông, hướng dẫn phương tiện lưu thông qua đoạn đường bị ngập.

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế ách tắc vì ngập sâu

Chiều tối 2/12, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, các địa phương ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong ngày 2/12 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Riêng tại huyện Phú Lộc có mưa to đến rất to, đặc biệt khu vực núi Bạch Mã mưa như trút nước với lưu lượng đo được từ 13 giờ đến 15 giờ là 80mm.

Mưa lớn cộng thêm nước từ thượng nguồn Vườn Quốc gia Bạch Mã đổ về nhanh gây ngập lụt, giao thông bị chia cắt trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc). Đặc biệt, tại Km867 Quốc lộ 1A qua thôn Cao Đôi, xã Lộc Trì bị ngập sâu khoảng 50cm, kéo dài gần 200m, nên lực lượng Cảnh sát giao thông phải túc trực tại các vị trí ngập nước phân luồng, cảnh giới và hướng dẫn giao thông. Nếu mưa lớn kéo dài thì đoạn đường này sẽ tiếp tục ngập sâu, Quốc lộ 1A có thể phải tạm thời dừng lưu thông đoạn qua xã Lộc Trì.

Nhiều nhà dân bị ngập, giao thông chia cắt do mưa lớn tại Thừa Thiên Huế ảnh 1

Mưa lớn khiến tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) ngập sâu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Trì Cái Trọng Như cho biết, từ trưa tới chiều tối 2/12, nước lũ dâng cao khiến hơn 1.000 hộ dân ở địa phương bị ngập. Ở các tuyến đường trong xã, nước ngập khoảng 60-70cm, nhiều nhà dân nước đã tràn vào nhà khoảng 20cm và có xu hướng tiếp tục dâng lên. "Mưa lớn tại vùng núi Bạch Mã khiến nước đổ về địa phương gây ngập lụt, đồng thời hiện nay trên địa bàn mưa đang rất to, nguy cơ lũ sẽ tiếp tục lên trong đêm. Nếu mưa lớn tiếp diễn, nước lũ dâng cao sẽ tiến hành di dời dân tại chỗ, những nhà thấp đến những nhà cao hơn ở lân cận để trú ngụ", ông Cái Trọng Như thông tin.

Trước diễn biến phức tạp tình hình thời tiết, gây ngập lụt cục bộ trên nhiều tuyến đường, làm ách tắc giao thông, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp Công an huyện Phú Lộc nhanh chóng triển khai lực lượng điều hoà, hướng dẫn giao thông; đồng thời về vùng xung yếu giúp đỡ người dân.

Nhiều nhà dân bị ngập, giao thông chia cắt do mưa lớn tại Thừa Thiên Huế ảnh 2

Nhiều nhà dân tại Phú Lộc nước ngập tràn vào nhà từ 30-40cm.

Tại Km867, tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì do mưa lớn, nước đã ngập sâu, có đoạn ngập 1,5m, lực lượng cảnh sát giao thông triển khai lượng điều hòa, hướng dẫn, kiên quyết không cho các phương tiện lưu thông qua đoạn ngập sâu. Hiện tại, lực lượng chức năng đã yêu cầu các phương tiện như ô-tô dưới 7 chỗ ngồi và xe máy ngừng lưu thông qua đoạn đường bị ngập. Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng 24/24 giờ hướng dẫn các phương tiện đi từ phía bắc vào lưu thông theo hướng cao tốc La Sơn-Túy Loan.

Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai lực lượng kiểm tra, chốt chặn các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, nước ngập bảo đảm an toàn cho người dân và các phương tiện qua lại. Lực lượng công an các đơn vị liên tục tuyên truyền cho các lái xe hạn chế lưu thông, nên dừng nghỉ lại các quán cơm trên đường tránh Huế; phối hợp Công an Đà Nẵng hướng dẫn các phương tiện đi lại trên tuyến cao tốc để bảo đảm an toàn.

Nhiều nhà dân bị ngập, giao thông chia cắt do mưa lớn tại Thừa Thiên Huế ảnh 3

Lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết phương tiện đi theo hướng La Sơn-Túy Loan để tránh đoạn Quốc lộ 1A bị ngập sâu.

Nhiều nhà dân bị ngập, giao thông chia cắt do mưa lớn tại Thừa Thiên Huế ảnh 4

Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, lũ ống, trượt lở đất đá vùng đồi núi, lũ cường suất cao trên địa bàn do mưa lớn trong 2 ngày 2 và 3/12.

Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đặng Văn Hòa, do ảnh hưởng mưa lớn, nhiều tuyến đường và một số khu dân cư thấp, trũng tại địa bàn huyện Phú Lộc bị ngập cục bộ, có nguy cơ xảy ra lũ quét ở miền núi, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông suối.

Khẩn trương ứng phó thời tiết xấu

Chiều 2/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã phát thông báo khẩn cảnh báo thiên tai gửi các địa phương, đơn vị liên quan và chủ hồ đập về việc cảnh báo, ứng phó với không khí lạnh, gió mạnh trên biển, mưa lớn diện rộng.

Theo thông tin từ Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong hai ngày 2 và 3/12, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 400mm, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc sét và gió giật mạnh.

Dự báo diễn biến trong 24 và 48 giờ tới, từ chiều tối 2/12 đến ngày 3/12, trên địa bàn Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Hiện trạng độ ẩm đất (lượng nước tích lũy trong đất) đã đạt trạng thái bão hòa và gần bão hòa, từ 85%-95%. Mưa lớn gây nguy cơ xảy ra lũ quét ở miền núi, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối và nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại các khu đô thị và vùng trũng thấp.

Để ứng phó với thời tiết xấu, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các địa phương, chủ hồ đập theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến cộng đồng biết để chủ động các biện pháp phòng tránh, có kế hoạch bảo vệ sản xuất.

Trong đó, chú ý diễn biến của gió mạnh trên biển, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh. Chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh rét đậm, rét hại bảo đảm an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ. Các biện pháp an toàn cho cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là đối với vùng núi cao.

Kiểm tra, rà soát phương án sơ tán dân tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đô thị, để chủ động sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công.

Đáng chú ý, đợt không khí lạnh mạnh ảnh hưởng đến Bắc bộ và địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với nhiệt độ dự báo thấp nhất ở huyện vùng núi A Lưới từ 14-16 độ C, gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và hoạt động chăn nuôi đối với địa bàn biên giới này.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, toàn địa bàn hiện có tổng đàn trâu bò gần 1.000 con. Hiện, các địa phương tại A Lưới đã dự trữ gần 600 cuộn rơm cho gia súc trong mùa giá rét, bảo đảm quá trình nuôi nhốt, tránh thiệt hại cho trâu, bò mỗi đợt rét đậm rét hại.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế điều tiết phương tiện đi theo hướng La Sơn-Túy Loan để tránh mưa lũ trên QL1A qua huyện Phú Lộc.