Nhiều kỹ thuật điều trị ung thư tại Việt Nam ngang tầm khu vực

NDO - Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, những năm qua Bệnh viện K tập trung đầu tư trang thiết bị máy móc; triển khai các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cũng như mở rộng hợp tác quốc tế. Nhờ đó, đến nay Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật cao ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới trong chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật nội soi 3D cho người bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Các bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật nội soi 3D cho người bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về phòng, chống ung thư, sau 100 năm hình thành, xây dựng và phát triển Bệnh viện K đã có 3 cơ sở với 2.400 giường bệnh, gần 1.800 cán bộ viên chức, người lao động.

Bệnh viện đã có 6 hệ thống xạ trị gia tốc đơn và đa mức năng lượng cùng hệ thống xạ phẫu Gamma knife hiện đại, cho phép triển khai được các kỹ thuật tiên tiến như xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT), giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng phụ.

Các trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, đặc biệt như PET/CT, CT đa dãy, MRI từ lực cao, hệ thống nội soi tiên tiến, xét nghiệm giải trình tự gene… không thua kém các nước phát triển.

GS,TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện luôn chú trọng ứng dụng, triển khai các tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển kỹ thuật cao, tạo thế mạnh mũi nhọn như các can thiệp xâm lấn tối thiểu, nổi bật là phẫu thuật nội soi robot, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sau mổ hay lĩnh vực y học chính xác, cá thể hóa điều trị theo đặc điểm sinh học khối u ở cấp độ phân tử bằng liệu pháp nhắm đích và miễn dịch.

Bệnh viện cũng rất quan tâm việc hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước có nền y học phát triển trên thế giới. Tới nay đã có 50 cơ sở, đơn vị, tổ chức ung thư thuộc 33 quốc gia có quan hệ hợp tác với bệnh viện ở tất cả các lĩnh vực dự phòng, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, đào tạo và nghiên cứu ung thư. Bệnh viện là cơ sở điều trị ung thư đầu tiên của châu Á đang hoàn thiện hồ sơ làm thành viên của Tổ chức các bệnh viện, Viện ung thư châu Âu.

Nhiều kỹ thuật điều trị ung thư tại Việt Nam ngang tầm khu vực ảnh 1
GS,TS Lê Văn Quảng (bên phải) ký kết với đối tác nước ngoài về đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống ung thư

Nhờ những nỗ lực, Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật cao ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư như phẫu thuật, xạ trị, điều trị nội khoa.

Về phẫu thuật, bệnh viện đã triển khai đồng loạt các kỹ thuật mới ở hầu hết các chuyên ngành, nổi bật nhất là các can thiệp xâm lấn tối thiểu, tiêu biểu là phẫu thuật nội soi Robot.

Trong phẫu thuật đầu cổ, cũng có khá nhiều kỹ thuật được như phẫu thuật nội soi, robot cắt tuyến giáp qua đường tiền đình miệng (đây là kỹ thuật lần đầu tiên được triển khai tại Đông Nam Á), phẫu thuật tạo hình vi phẫu…

Trong phẫu thuật tiêu hóa, gan mật tụy đã có nhiều thành công như phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng, bảo tồn cơ thắt, phẫu thuật nội soi 3D một lỗ điều trị, phẫu thuật cắt thực quản không mở ngực và các kỹ thuật cắt gan khó….

Trong xạ trị, các kỹ thuật xạ trị chính xác, điều biến liều, xạ theo hình dạng khối u và nhịp chuyển động của khối u theo thời gian, với các kĩ thuật xạ trị hình cung, điều biến liều theo thể tích, kỹ thuật xạ phẫu giúp tối ưu hoá liều tại khối u, ít ảnh hưởng mô lành.

Đến nay, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện K đã cập nhật ứng dụng hầu hết các phác đồ điều trị tiên tiến của thế giới, nhất là điều trị đích, miễn dịch, nội tiết giúp nâng cao tỷ lệ điều trị khỏi bệnh, cải thiện thời gian sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Điều trị miễn dịch là một trong những bước tiến lớn trong điều trị ung thư gần đây, tiêu biểu nhất là các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Bệnh viện đã sử dụng các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch PD-L1/PD-1 trong thực hành điều trị.

Các thuốc đích tiêu biểu được ứng dụng hiệu quả và thành công tại bệnh viện bao gồm các thuốc phân tử nhỏ ức chế EGFR, ức chế VEGF, ức chế mTOR, các kháng thể đơn dòng ức chế VEGF, ức chế Her 2, ức chế EGFR.

Đáng chú ý, Bệnh viện đang quản lý trên 40 thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia; đồng thời, cũng là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam được cho phép triển khai thử nghiệm lâm sàng pha 1 trong điều trị bệnh ung thư.

Nhiều kỹ thuật điều trị ung thư tại Việt Nam ngang tầm khu vực ảnh 2
Triển khai các thiết bị hiện đại ứng dụng trong xạ trị cho người bệnh.

Với vai trò là cơ sở đầu ngành, Bệnh viện K cũng chủ động trong việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở tuyến dưới, dẫn dắt mạng lưới phòng, chống ung thư tại 3 miền với 11 bệnh viện chuyên khoa, 72 Trung tâm, khoa, đơn vị ung bướu.

Các bệnh viện là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K có tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt như Trung tâm ung bướu Phú Thọ giảm tỷ lệ chuyển tuyến xuống dưới 1% so năm 2013 là trên 75%; Trung tâm ung bướu Bắc Ninh trước đây chuyển tuyến là 80% thì nay chỉ còn dưới 10%...

Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước nghèo, các nước đang phát triển.

Việc phòng chống căn bệnh này đặt ra cho ngành ung thư nói riêng, ngành y tế nói chung những yêu cầu và nhiệm vụ nặng nề.

Theo thống kê hiện nay, hằng năm có khoảng 182.600 người Việt Nam mắc bệnh ung thư, khoảng 122.700 người tử vong và hiện có hơn 350 nghìn bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này. Đây là gánh nặng bệnh tật rất lớn, ảnh hưởng nguồn lực lao động xã hội và sự phát triển kinh tế đất nước.

Công tác phòng chống ung thư ở Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề, nhiều thách thức và trọng trách nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của ngành y tế cũng như sự quan tâm, chung tay chia sẻ của toàn xã hội.