Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn

NDO - Chiều 30/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn chuyên đề Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn. Đây là diễn đàn chuyên đề duy nhất về công tác quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn Việt Nam được tổ chức trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn

Diễn đàn đã quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý của Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban xã hội của Quốc hội và các đại biểu thuộc các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương...

Hướng tới mục tiêu tài chính công đoàn bền vững

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Những ý kiến thảo luận tại diễn đàn góp phần hình thành một hệ thống các luận cứ khoa học cho việc đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn nhằm hướng đến mục tiêu tài chính công đoàn phát triển bền vững.

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn ảnh 1

Đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn.

Đồng chí cũng gợi mở cho diễn đàn 4 nhóm vấn đề then chốt cần tập trung làm rõ, bao gồm:

Thứ nhất, công tác nghiên cứu, ban hành các quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn; quy định về quản lý hoạt động đơn vị sự nghiệp, kinh tế công đoàn; quy định về quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản.

Thứ hai, tăng cường công tác về thu, chi, phân phối, quản lý tài chính, tài sản công đoàn; công tác quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản của tổ chức công đoàn.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, kinh tế công đoàn.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công khai minh bạch tài chính

Đồng chí khẳng định: Thành công của Diễn đàn Tài chính Công đoàn sẽ góp phần vào thành công chung của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028; là động lực quan trọng để tiếp tục xây dựng nguồn lực tài chính công đoàn đủ mạnh nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo tiền đề cho những sáng kiến mới về vấn đề tài chính-tài sản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Nhiều kiến nghị thiết thực từ cấp cơ sở

Tại diễn đàn, đại diện Liên đoàn Lao động các địa phương, doanh nghiệp đã trình bày các tham luận, trong đó tập trung nêu rõ những khó khăn trong công tác tài chính công đoàn; đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn nói chung.

Đồng chí Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thông tin: Mặc dù hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phố đều hoàn thành dự toán tài chính công đoàn; tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chây ì, cố tình trốn tránh trách nhiệm không đóng kinh phí công đoàn. Bên cạnh đó, việc thực hiện phân cấp thu kinh phí chưa triệt để, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trích đóng kinh phí công đoàn chưa đúng tỷ lệ hoặc mức lương quy định...

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn ảnh 2
Đồng chí Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phát biểu tại diễn đàn.

Đồng chí cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp để xây dựng nguồn tài chính Công đoàn đủ mạnh, phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả thu đoàn phí công đoàn; mở rộng phát triển nguồn lực tài chính tiềm năng; đổi mới phương thức thu, nộp, quản lý tài sản theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động cân đối nguồn kinh phí được sử dụng hằng năm...

Liên quan đến việc tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế để hạn chế thất thu tài chính công đoàn, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng đưa ra nhóm các giải pháp cụ thể. Điển hình như: Tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan chức năng ngành thuế, bảo hiểm xã hội để triển khai quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ, kịp thời, chống thất thoát kinh phí và đoàn phí công đoàn.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương kịp thời huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực tổ chức công đoàn tăng nguồn thu cho công đoàn các cấp; duy trì việc tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra chống thất thu và thu hồi nợ kinh phí công đoàn...

Tại diễn đàn, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương đã đưa ra một số giải pháp để hạn chế sai phạm trong công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn tại công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở. Theo đó, công đoàn các cấp cần kiện toàn bộ máy kế toán, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thu chi tài chính công đoàn, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đoàn.

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn ảnh 3

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương trình bày tham luận tại diễn đàn.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương cũng kiến nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tiếp tục rà soát bổ sung, xây dựng mới các quy định cụ thể về thu, chi, quản lý tài chính, tài sản các cấp công đoàn; đề xuất với Chính phủ sửa đổi bổ sung, ban hành mới các quy định về quản lý tài chính, tài sản của công đoàn bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đề nghị cần xây dựng và thực hiện đề án cán bộ làm kế toán ở các cấp công đoàn; tăng cường đào tạo, tập huấn; đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương để bổ sung biên chế cho Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố.

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn ảnh 4

Quang cảnh chung diễn đàn.

Cũng tại khuôn khổ diễn đàn, đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cũng có các tham luận trình bày kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn tại địa phương và cơ sở.

Nâng cao tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công đoàn

Đứng trên góc độ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: Tự chủ tài chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp các đơn vị sự nghiệp công đoàn bảo đảm hoạt động ổn định và phát triển bền vững.

Ông Dũng đã đưa ra 4 nhóm giải pháp; bao gồm: Hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ; Thực hiện các biện pháp tăng thu nhập; Thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí và Tăng tính minh bạch.

Về việc thực hiện các biện pháp tăng thu nhập, Phó Trưởng ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Các đơn vị sự nghiệp công đoàn cần phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, hướng tới đa dạng hoá nguồn thu, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn ảnh 5

Đoàn Chủ tịch điều hành diễn đàn.

Bên cạnh đó, các đơn vị có thể nghiên cứu tăng giá sản phẩm, dịch vụ. Việc tăng giá cần phải được thực hiện đúng quy trình theo quy định của Nhà nước và cần cân nhắc kỹ để tránh làm ảnh hưởng tới khách hàng.

Ngoài ra, theo ông Dũng, các đơn vị sự nghiệp công đoàn cũng có thể chủ động ký kết hợp đồng với các đối tác, tham gia các chương trình đối tác công tư; thu hút đầu tư nước ngoài; tạo nguồn thu đơn vị sự nghiệp từ sử dụng hiệu quả nguồn lực tài sản công đoàn vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định đã trình bày kinh nghiệm triển khai thực tiễn tại địa phương mình. Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định đang nghiên cứu, lập và xin phê duyệt các đề án cho thuê tài sản công để tăng nguồn thu chi thường xuyên bổ sung và các quỹ...

Việc sử dụng tài sản công chưa sử dụng hết công suất vào mục đích cho thuê được thực hiện trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ sở; không làm mất quyền sở hữu tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn tài sản nhà nước được giao; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản...

Đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Trưởng ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Bên cạnh các vấn đề trên, các cấp công đoàn cần đặc biệt chú ý tới công tác kiểm tra tài chính. Theo đồng chí, đây là công cụ đắc lực giúp tổ chức công đoàn thực hiện đầy đủ quyền hạn, chức năng của mình.

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn ảnh 6

Đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Trưởng ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra tài chính, Trưởng ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh việc tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tới công đoàn cấp dưới.

Bên cạnh đó, đồng chí lưu ý cần tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác kiểm tra. Công tác đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị kiểm tra, xử lý số liệu tài chính phải cương quyết, dứt điểm nếu không thực hiện phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, lý do khách quan, chủ quan.

Đồng thời, định kỳ hằng năm hoặc kết thúc nhiệm kỳ có sơ kết, tổng kết, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, phân loại và thực hiện khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tài chính và hoạt động kiểm tra; ngược lại phê bình, khiển trách những cá nhân, tập thể chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa tốt các chế độ quy định về công tác này.

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn ảnh 7

Quang cảnh diễn đàn.

"Song song, công đoàn cấp trên cơ sở cũng cần xây dựng đề án để thuê kiểm toán độc lập thực hiện công tác kiểm toán tại những công đoàn cơ sở có nguồn thu tài chính công đoàn lớn", đồng chí Nguyễn Minh Dũng nói.

Trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức 10 Diễn đàn thảo luận chuyên đề tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Theo đó, 1.100 đại biểu chính thức dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ tham gia thảo luận tại 10 diễn đàn, đề xuất sáng kiến để giải quyết vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới thông qua 10 chủ đề cụ thể.