Tổ chức công đoàn Việt Nam được giao xây dựng nhà ở xã hội là quyết định nhân văn

NDO - Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn, thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
0:00 / 0:00
0:00
Niềm vui của gia đình công nhân được thuê căn hộ trong Khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam.
Niềm vui của gia đình công nhân được thuê căn hộ trong Khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam.

Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành phương án quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.

Với nhiều ý kiến được đưa ra tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.

Tại khoản 2 Điều 84 quy định: Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn, việc xác định chủ đầu tư dự án được thực hiện theo quy định áp dụng với dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Theo đó, việc quản lý và triển khai thực hiện dự án đầu tư sẽ do đơn vị quản lý dự án trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Tại Điều 86 quy định một số nguyên tắc xác định giá thuê và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định giá thuê nhà ở xã hội; đồng thời khoản 4 Điều 89 giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội, bảo đảm cơ chế triển khai đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng và cho thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư.

Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng bổ sung các quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào các điều 94, 95 của dự thảo Luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi khoản 1 Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, do Luật Đầu tư chỉ điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong khi Luật Nhà ở đã bổ sung dự án nhà lưu trú công nhân, để tránh cách hiểu, áp dụng pháp luật khác nhau, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản 3 Điều 95 của dự thảo Luật về việc “Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý Khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư…”.

Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực là từ ngày 1/1/2025 để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sau, đồng thời bảo đảm chất lượng ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

Tổ chức công đoàn Việt Nam được giao xây dựng nhà ở xã hội là quyết định nhân văn ảnh 1

Khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam là dự án đầu tiên hoàn thành theo Đề án " Đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất".

Nước ta đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu thực về nhà ở.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng. Trong đó, nhiều khu trọ thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn với giá thuê khoảng 1,5 đến 4 triệu đồng/tháng, chiếm 25% - 30% thu nhập của công nhân lao động.

Năm 2020, Viện Công nhân và Công đoàn tiến hành một cuộc khảo sát, cho biết có tới 66% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ để ở. Trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% công nhân lao động đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan.

Tại Chương trình Thủ tướng gặp mặt, đối thoại với công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức khảo sát, ghi nhận gần 10 nghìn câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên và công nhân lao động gửi đến người đứng đầu Chính phủ, tập trung vào 10 nhóm vấn đề lớn. Trong đó có vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cũng theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62,7 nghìn căn hộ, tổng diện tích 3.135.000 m2. Con số này chỉ mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Trước thực trạng bức xúc về nhà ở của công nhân, theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sau này sửa đổi thành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập Ban quản lý dự án thiết chế Công đoàn.

Khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam, đóng tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên là dự án đầu tiên hoàn thành trên cả nước theo Đề án "Đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất" của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/5/2017. Công trình được thiết kế gồm 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ. Sau khi công trình đưa vào sử dụng, 100% công nhân đã vào thuê ổn định.

Việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg và Quyết định số 1729/QĐ-TTg được lãnh đạo và nhân dân các địa phương, nhất là công nhân rất ủng hộ, mong chờ; Đến nay, đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm khu đất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó có 13 đơn vị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội là quyết định nhân văn. Đây không chỉ là vấn đề an sinh xã hội, kinh tế, thúc đẩy đoàn viên, người lao động gắn bó với doanh nghiệp, tạo nguồn lực lao động tốt hơn so với những địa phương không có nhà ở xã hội, mà còn là vấn đề có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn. Từ đó giúp Công đoàn làm tròn sứ mệnh của mình - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định.