Tuy nhiên, ở nhiều nơi bà con nông dân chưa mặn mà cho nên chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế loại cây trồng này.
Những ngày cuối tháng 10, tranh thủ thời tiết nắng ấm, trên cánh đồng thôn Mạc Bình, bà con nông dân xã Thái Tân, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) tất bật xuống giống khoai tây vụ đông năm 2024.
Điều đáng nói trong vụ đông năm nay, nhiều nông dân trong xã tiếp tục tham gia mô hình chuỗi giá trị khoai tây do Công ty PepsiCo Việt Nam thực hiện. Mặc dù mô hình này mới được thử nghiệm từ vụ đông năm 2023 nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực đối với bà con nông dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách, là một thành viên trong những gia đình tham gia mô hình chia sẻ với chúng tôi: “Từ năm 2023, gia đình tôi được Công ty PepsiCo Việt Nam chọn tham gia mô hình liên kết sản xuất khoai tây.
Khi tham gia mô hình, nông dân chúng tôi được Công ty hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn quy trình canh tác và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, trồng khoai tây theo mô hình này do áp dụng tưới tự động cho nên giảm công chăm sóc và hiệu quả cao hơn so với trồng truyền thống từ 20-30%. Điển hình như vụ đông trước, mỗi sào trồng khoai tây thu hoạch từ 8,5 tạ đến 1,1 tấn, trừ chi phí đầu tư lợi nhuận mang lại hơn 4 triệu đồng”.
Bà Nguyễn Thị Ngân, ở xã Thái Tân, cho biết: “Năm 2023, trồng một sào khoai tây liên kết với Công ty PepsiCo Việt Nam, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận được 5,2 triệu đồng. Đến vụ đông năm nay, gia đình tôi tiếp tục liên kết trồng 3,6 sào, hy vọng năng suất tốt để mang lại hiệu quả cao”.
Giám đốc Nông nghiệp Công ty PepsiCo Việt Nam Nguyễn Kim Hành cho biết: “Sau hai năm triển khai thực hiện liên kết sản xuất khoai tây trong vụ đông ở phía bắc, chúng tôi thấy khí hậu, đất đai ở nhiều địa phương rất thuận lợi cho phát triển loại cây này nhằm đáp ứng nhu cầu cho chế biến.
Chính vì vậy, vụ đông năm nay chúng tôi thực hiện 320 ha với sản lượng khoảng 4.600 tấn. Khi tham gia mô hình, bà con ở 11 địa phương khu vực phía bắc được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình canh tác, vì vậy hiệu quả mang lại cao.
Theo thống kê, năng suất bình quân ở khu vực miền bắc nếu sản xuất theo hướng truyền thống chỉ đạt 14 đến 16 tấn/ha, còn sản xuất trong mô hình liên kết năng suất đạt 25 đến 27 tấn/ha, cá biệt có một số hộ ở Bắc Giang và Thanh Hóa đạt 32 đến 34 tấn/ha. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cũng giảm và lợi nhuận tăng lên từ 50-70% so với canh tác truyền thống”.
Theo ước tính, nhu cầu của các nhà máy chế biến khoảng 180.000 tấn nguyên liệu/năm nhưng sản lượng khoai tây sản xuất trong nước mới đáp ứng được từ 35-40%, còn lại phải nhập khẩu. Với ưu đãi về điều kiện đất đai và khí hậu, theo đánh giá, tiềm năng sản xuất khoai tây của các địa phương phía bắc vào khoảng 150 đến 200 nghìn ha/năm.
Nguyên nhân diện tích cây trồng này còn khiêm tốn là do những trở ngại như: Thiếu nguồn giống chất lượng, đầu ra sản phẩm bấp bênh, áp lực sâu bệnh hại lớn. Ngoài ra, để bảo đảm yêu cầu của nhà sản xuất, khoai tây thương phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, vì vậy nhiều nông dân chưa mặn mà với cây trồng này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, trước đây, khoai tây là cây trồng chính trong vụ đông trên địa bàn nhưng những năm gần đây do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp nhiều, hơn nữa giống khoai tây giá cao, công chăm sóc nhiều và tiêu thụ không ổn định nên diện tích có xu hướng giảm. Đến nay, diện tích trồng khoai tây của tỉnh khoảng 700 ha/năm.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Đoàn Xuân Cảnh, Phó Viện trưởng Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: “Ruộng đất ở miền bắc còn manh mún, nhỏ lẻ cho nên khó tổ chức sản xuất và cơ giới hóa.
Bên cạnh đó, khu vực miền bắc cũng thiếu lao động trẻ ở những vùng trọng điểm sản xuất vụ đông; biến đổi khí hậu, vụ đông ấm, làm giảm năng suất khoai tây; chế biến và chuỗi giá trị sản xuất khoai tây còn kém bền vững...”.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng: “Để phát triển nhanh và bền vững ngành hàng khoai tây, thời gian tới cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc hình thành vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ. Mô hình sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị sẽ tạo ra một vòng tròn liên kết sản xuất khép kín.
Ở đó, người nông dân có được nguồn giống bảo đảm, được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm canh tác khoai tây hiệu quả, an toàn, chất lượng đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Để thực hiện thành công, cần có sự phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước”.
Theo Tiến sĩ Đoàn Xuân Cảnh, Phó Viện trưởng Cây lương thực và Cây thực phẩm, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức và hoàn thiện công nghệ nhân giống ứng dụng công nghệ cao, tạo giống khoai tây sạch bệnh bằng hệ thống nuôi cấy mô phục vụ sản xuất; nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật trồng khoai vụ đông xuân hoặc xuân góp phần rải vụ trên chân đất thích hợp, vừa phục vụ mục tiêu nhân giống đồng thời cũng kết hợp sản xuất củ thương phẩm cho ăn tươi hoặc chế biến, giảm thời gian bảo quản kho lạnh.
Đồng thời, cần quy hoạch vùng sản xuất khoai tây thích hợp, chủ động tưới tiêu; khuyến khích dồn đổi đất đai để sản xuất theo vùng lớn, tập trung, ứng dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật; tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, nhóm hộ với sự vào cuộc của doanh nghiệp.