Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong những năm qua, ngành chế biến lương thực, thực phẩm Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, thể hiện tầm quan trọng của ngành trong việc bảo đảm nhu cầu lương thực của người dân, cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ngành chế biến lương thực, thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.
Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD.
Với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành lương thực, thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.
Để ngành chế biến lương thực, thực phẩm tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố giai đoạn 2020-2030. Đây được xem là một trong những chương trình đột phá để thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển.
Hội thảo giúp các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm trong nước cập nhật các thông tin mới nhất về các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đồng thời giải đáp vướng mắc về các quy định, tiêu chuẩn cũng như các bước thâm nhập vào thị trường xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới.