Thông tin kinh tế:

Nhiều doanh nghiệp thực phẩm "khát" đường dịp lễ tết cuối năm

Giá đường tăng tích cực giúp các nhà máy đường giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải đối mặt với bài toán nan giải là tình trạng thiếu đường phục vụ sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Niên vụ 2022-2023, giá đường tăng tích cực với sự trợ lực từ Chính phủ thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại.
Niên vụ 2022-2023, giá đường tăng tích cực với sự trợ lực từ Chính phủ thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngành mía đường nội địa với sự trợ lực của Chính phủ

Niên vụ 2022-2023, giá mía được dự báo tăng 50.000-80.000 đồng/tấn khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thương mại bằng hình thức áp thuế phòng vệ thương mại đối với 5 quốc gia khu vực ASEAN sau khi đã áp dụng đối với Thái Lan.

Các chính sách phòng vệ thương mại chính đáng là biện pháp hỗ trợ đúng đắn của Chính phủ cho doanh nghiệp và người dân trồng mía khi lợi nhuận của các nhà máy đường tăng mạnh. Điển hình như Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ghi nhận lãi sau thuế 81 tỷ đồng quý I, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm ngoái và đã vượt 8% kế hoạch cả niên độ 2022-2023. Giá thu mua mía cũng tăng lên mức cao kỷ lục từ hơn 1,16-1,22 triệu đồng/tấn mía tươi sạch 10 chữ đường khiến người nông dân phấn khởi, an tâm phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Thiếu đường vẫn là bài toán nan giải

Đan xen với các yếu tố tích cực về giá, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nước giải khát vẫn đang phải đối mặt với áp lực thiếu đường kéo theo nạn đường lậu hoành hành cho những tháng cuối năm.

Tính đến ngày 30/9/2022, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021-2022. Lũy kế đến kết thúc vụ toàn ngành đã ép được 7,5 triệu tấn mía sản xuất gần 747.000 tấn đường. Dù sản lượng đường cả nước có tăng nhưng cũng chỉ cao hơn 11,64% so với vụ 2020-2021, chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu trong nước với sản lượng tiêu thụ ước tính lên đến gần 2 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, giai đoạn quý III, IV là giai đoạn cao điểm sản xuất thực phẩm, bánh kẹo dịp Trung thu và chuẩn bị hàng hóa cho Tết Nguyên đán. Trong khi vụ ép mía của các nhà máy thường bắt đầu từ tháng 12 đã gây ra tình trạng thiếu hụt “giáp hạt” - tồn kho giảm mà chưa vào vụ ép.

Nhiều doanh nghiệp thực phẩm "khát" đường dịp lễ tết cuối năm ảnh 1

Ngành mía đường nội chưa thể phát triển bền vững Vùng nguyên liệu - tự chủ nguồn cung vẫn là bài toàn lớn

Trong bối cảnh thiếu hụt như hiện tại, ngày 18/11 vừa qua, Bộ Công thương đã ra quyết định bổ sung lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường niên vụ 2021-2022 là 200 nghìn tấn, trong đó, đường thô là 160 nghìn tấn, đường tinh luyện là 40 nghìn tấn để giúp bổ sung nguyên liệu, phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Trước đó, ngày 23/9/2022, Bộ trưởng Công thương đã phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá năm 2022 với tổng lượng 113.000 tấn.

Việc mở thêm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được coi là động thái mới nhất của nhà nước nhằm hỗ trợ ngành mía đường giải quyết tình hình thiếu hụt đường nội địa trong ngắn hạn. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tăng lên ở đúng thời điểm này đã thực sự cứu cánh cho toàn ngành khi thị trường đường được bình ổn, các doanh nghiệp sản xuất sử dụng đường làm nguyên liệu chính có nguồn cung chất lượng và ổn định, người tiêu dùng sẽ được sử dụng các sản phẩm an toàn với mức giá hợp lý.

Như vậy, sau thuế phòng vệ thương mại, hạn ngạch nhập khẩu tăng cao tiếp tục là tín hiệu đáng kỳ vọng cho sự hồi phục mạnh mẽ của ngành mía đường nội địa sau đại dịch. Đồng nghĩa Chính phủ đang đặt trọng tâm bồi đắp bệ phóng cho ngành mía đường, giúp bảo đảm nguyên liệu sản xuất trong nước, lợi ích người tiêu dùng và người dân trồng mía.

Tuy vậy, trong dài hạn, trước tình hình thiếu trầm trọng nguồn cung và nhu cầu đường gia tăng đột biến cho sản xuất thực phẩm các dịp lễ tết, thì lượng quota năm 2022 chỉ đáp ứng một lượng rất nhỏ lượng cầu.

Thực tế, các doanh nghiệp và hiệp hội các ngành sản xuất trong nước cũng đã kêu gọi sự hỗ trợ từ Chính phủ và đề nghị bổ sung lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường để bảo đảm nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trên cả nước.

Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề xuất xem xét cho tiến hành thêm ít nhất 2 lần đấu thầu hạn ngạch bổ sung sớm trong năm 2022.

Nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng người nông dân và phát triển vùng nguyên liệu bền vững giúp chủ động nguyên liệu cho sản xuất còn cần rất nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ. Diễn biến giá đường và triển vọng của ngành trong thời gian gần phụ thuộc rất lớn vào việc bổ sung cấp bách lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường trước dịp Tết Dương lịch để cân bằng nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường.