Kết quả khảo sát do ngân hàng Hamburg Commercial Bank (HCOB) thực hiện cho thấy, Chỉ số Quản lý Mua hàng (PMI) của Eurozone đã tăng từ 53,7 hồi tháng 3 lên 54,4 tháng 4/2023. PMI ở mức hơn 50 phản ánh tín hiệu tăng trưởng kinh tế. Lạm phát của khu vực này trong tháng 3 cũng đã giảm từ mức 8,5% tháng 2 xuống 6,9%, mức thấp nhất trong vòng một năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 10,6% ghi nhận hồi tháng 10/2022.
Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone có thể sẽ giảm những tháng tới. Trong các dự báo gần đây nhất, ECB cho rằng lạm phát ở Eurozone sẽ ở mức trung bình 5,3% năm 2023, cao hơn nhiều mục tiêu 2%. Sau đó, lạm phát dự báo sẽ giảm xuống 2,9% năm 2024 và 2,1% năm 2025.
Trong khi đó, Giám đốc bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Alfred Kammer cho biết, IMF đã điều chỉnh dự báo kinh tế Eurozone tăng so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2023 nhờ mùa đông ấm áp hơn và hành động quyết đoán của các nhà hoạch định chính sách. Ông cũng hy vọng dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ trở thành hiện thực cuối năm nay trước khi tăng tốc hơn nữa trong năm 2024.
Theo ông Kammer, dù kinh tế châu Âu chứng kiến sự sụt giảm mạnh năm nay, nhưng hầu hết các quốc gia sẽ tránh được suy thoái. Theo dự báo của IMF, Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% năm 2023 dù Đức được cho là sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái nhẹ.
Nhà kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia của HCOB nêu rõ, các chỉ số nêu trên cho thấy bức tranh tổng thể tích cực của nền kinh tế Eurozone vẫn đang tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, khi xem xét sâu hơn sẽ thấy tăng trưởng phân bố không đồng đều. Khoảng cách giữa một bên là mảng dịch vụ bùng nổ với một bên là mảng sản xuất đang suy yếu ngày càng nới rộng. Mảng dịch vụ vẫn phục hồi bất chấp lạm phát trong Eurozone tiếp tục ở mức cao và thu nhập của người dân không bắt kịp với đà tăng giá tiêu dùng.
Nỗi lo suy thoái đang giảm dần ở châu Âu sau những lo ngại về một mùa đông khó khăn do giá năng lượng tăng vọt. Mặc dù tỷ lệ lạm phát tại Eurozone vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của các nhà hoạch định chính sách, nhưng giá tiêu dùng tại các nước thuộc Eurozone cũng dần hạ nhiệt những tháng gần đây.
Số liệu khảo sát của HCOB cũng cho thấy sản lượng trong ngành sản xuất của Pháp sụt giảm mạnh. Các công ty sản xuất cho biết tình trạng này là do nhu cầu giảm sút. Theo S&P Global, trong một số trường hợp, điều này có liên quan các cuộc đình công gần đây tại Pháp. Trái lại, lĩnh vực sản xuất tại Đức vẫn phục hồi nhẹ.
Dữ liệu mới nhất của S&P cho thấy một bức tranh ngắn hạn về khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, những kỳ vọng còn mong manh của giới doanh nghiệp là dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế trong nửa sau của năm 2023 có thể đối mặt nhiều thách thức. Mặc dù quan ngại về nguy cơ suy thoái lan rộng tại châu Âu đã giảm bớt những tháng gần đây, nhưng quan chức của IMF cảnh báo tăng trưởng kinh tế của châu Âu sẽ sụt giảm mạnh năm nay.
Đức là quốc gia duy nhất mà IMF dự báo rơi vào suy thoái. Phần lớn nguyên nhân là do tác động kinh tế của cuộc xung đột Ukraine. Với việc bị hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, Đức sẽ cùng với Anh là hai nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có khả năng suy giảm kinh tế năm 2023.
Những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế châu Âu giúp duy trì niềm tin của doanh nghiệp vào khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế khu vực, bất chấp các đợt tăng lãi suất và diễn biến căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua loạt biến động, song các doanh nghiệp vẫn duy trì được sự lạc quan, vượt qua nỗi lo về nguy cơ của một cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng.
Nỗi lo suy thoái đang giảm dần ở châu Âu sau những lo ngại về một mùa đông khó khăn do giá năng lượng tăng vọt. Mặc dù tỷ lệ lạm phát tại Eurozone vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của các nhà hoạch định chính sách, nhưng giá tiêu dùng tại các nước thuộc Eurozone cũng dần hạ nhiệt những tháng gần đây.