Ngay từ đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã xác định 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành và giao cụ thể nhiệm vụ cho từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện, đã ban hành hơn 4.100 văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ lợi, phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới.
Với quyết tâm trong công tác tham mưu ban hành các văn bản bảo đảm kế hoạch, tiến độ đề ra; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu các giải pháp chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được ban hành sớm, kịp thời. Các văn bản cụ thể hóa việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia thuộc nhiệm vụ được giao của ngành cơ bản đã được tham mưu ban hành tạo điều kiện để các địa phương có cơ sở, căn cứ triển khai thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời, Sở tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy rừng. Các đối tượng sinh vật gây hại, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát tốt. Công tác quản lý vật tư nông lâm nghiệp phục vụ sản xuất, công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giết mổ và vận chuyển gia súc được tăng cường, không xảy ra sự cố về mất an toàn vệ sinh thực phẩm và vật tư nông nghiệp.
Mô hình chăn nuôi của nông dân. |
Trên cơ sở theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất và diễn biến của thời tiết, khí hậu, Sở kịp thời tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất trên các loại cây trồng; phối hợp thực hiện công tác điều tra, dự tính, dự báo không để bị động, bất ngờ; chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tốt, bảo đảm các điều kiện tổ chức sản xuất, khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ và sạt lở đất. Tăng cường phối hợp, hướng dẫn với đơn vị chuyên môn cấp huyện tổ chức thực hiện tốt điều tra phát hiện, dự tính dự báo ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất; trong các cao điểm dịch hại tổ chức điều tra bổ sung, thống nhất trong tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng chống kịp thời.
Tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững; trong đó, lồng ghép các nội dung IPHM tại 102 lớp tập huấn cho 6.045 người tham gia, ứng dụng một số kỹ thuật IPHM trong 62 dự án, chương trình với diện tích khoảng 4.000 ha trên các cây trồng chủ lực.
Mô hình cây ăn quả tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên. |
Thực hiện ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phát triển sản xuất trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thực hiện quản lý các yếu tố đầu vào trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; quản lý nuôi thuỷ sản lồng bè hồ chứa; hướng dẫn người dân trồng cỏ, ủ chua thức ăn chăn nuôi, ủ phân gia súc,.. để người dân chủ động trong hoạt động sản xuất. Khuyến khích người dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thành lập mới các hợp tác xã chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để chủ động trong công tác vật tư sản xuất, tương trợ trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; mô hình chăn nuôi theo liên kết cơ bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao đang dần được phổ biến, nhân rộng.
Phát triển lâm nghiệp trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất rừng gắn với bảo tồn sinh thái cụ thể bằng việc tham mưu ban hành Kế hoạch về việc triển khai Tuyên bố Glasgow của Chính phủ giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Kế hoạch xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh. Chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất, sản lượng rừng trồng.
Khuyến khích người dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được chú trọng. |
Sở đã phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng; tiếp tục hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố sử dụng các nguồn vốn lồng ghép thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện các dự án hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, để hình thành các khu vực sản xuất tập trung theo định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Năm 2024, có 98 dự án liên kết sản xuất nông nghiệp được UBND cấp huyện triển khai thực hiện bằng nguồn vốn các Chương trình Mục tiêu quốc gia: huyện Tuần Giáo phê duyệt 79 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm quả mắc ca; 3 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm quả cà phê Catimor; Huyện Mường Ảng phê duyệt 13 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm quả cà phê Catimor; Huyện Nậm Pồ phê duyệt 3 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm quế. Thông qua các dự án hợp tác liên kết hình thành các khu vực sản xuất tập trung về mắc ca, cà phê, quế.
Với sự chỉ đạo điều hành cùng cố gắng nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân; sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, phát triển nông thôn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng giá trị sản phẩm GRDP khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 2.549,6 tỷ đồng, tăng 4,06% so với năm 2023.
Sản xuất lương thực tiếp tục được quan tâm phát triển và có cải thiện cả về cơ cấu sản phẩm và chất lượng sản xuất. Sản xuất cây công nghiệp chủ lực của tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển, các diện tích trồng mới liên tục được mở rộng thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất.Tốc độ phát triển của đàn vật nuôi tương đối ổn định. Toàn tỉnh trồng được 946,16 ha rừng tập trung, đạt 209,8% kế hoạch. Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2024 là 2.668,22 ha, tăng 233,5 ha so với năm 2023.
Nông dân thu hoạch, sơ chế cà-phê. |
Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tạo sự tăng tốc, về đích trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là tiếp tục rà soát, xây dựng hoàn thiện và triển khai đồng bộ các Đề án sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản quan trọng của ngành gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả một số đề án, chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng của ngành, kịp thời làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản trong nước, khu vực và quốc tế.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất,tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã và hộ sản xuất cá thể phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thuỷ lợi và phòng chống thiên tai, tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.