Tiêu biểu cho loại sản phẩm nông nghiệp của Điện Biên được lựa chọn để sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi chính là gạo Bắc thơm số 7 và IR. Trên cánh đồng lớn nhất khu vực Tây Bắc (4.300 ha) - cánh đồng Mường Thanh, những năm qua các loại gạo Điện Biên nức tiếng dẻo thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Song, do tập quán canh tác truyền thống cho nên nhiều năm gần đây cánh đồng Mường Thanh hay xảy ra tình trạng lúa lẫn gây ảnh hưởng chất lượng, sản lượng. Cùng với đó, do nhu cầu tiêu thụ cho nên không ít nông dân dành ưu tiên hàng đầu cho giống mới năng suất cao mà chưa chú trọng chất lượng, thương hiệu dẫn đến cánh đồng Mường Thanh có quá nhiều giống lúa. Các giống lúa thuần gắn với Điện Biên như tám, IR64 ngày càng ít hơn… Thực tế đó khiến chất lượng gạo Điện Biên bị giảm.
Với mong muốn giữ gìn chất lượng, thương hiệu gạo Điện Biên, năm 2016, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Vụ đầu tiên năm 2016, công ty liên kết với người dân ở các xã: Thanh Yên, Thanh Xương, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) tổ chức sản xuất lúa gạo theo chuỗi trên diện tích gần 10 ha. Theo đó, công ty có trách nhiệm hướng dẫn người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng cách cấy thưa, làm cỏ sục bùn và khuyến khích sử dụng phân hữu cơ, vi sinh… để mang lại sản phẩm gạo có chất lượng, an toàn. Về phía người dân, công ty yêu cầu phải thực hiện đúng lịch sản xuất theo thời vụ, đúng quy trình kỹ thuật từ khâu gieo mạ, làm cỏ, bón phân. Khi thu hoạch, công ty thu mua 100% sản lượng trên diện tích sản xuất theo chuỗi với giá bằng và cao hơn giá thị trường. Từ thành công vụ đầu, các vụ sau, công ty mở rộng diện tích liên kết. Đến nay, hàng nghìn hộ dân ở huyện Điện Biên đã hợp tác với công ty sản xuất hơn 50 ha lúa, sản lượng tiêu thụ mỗi vụ hơn 300 tấn gạo. Cũng tại huyện Điện Biên, nhiều doanh nghiệp hợp tác xã đã tham gia phát triển sản xuất gạo theo chuỗi liên kết, như: Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green liên kết thực hiện dự án cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ lúa IR64, Bắc thơm số 7; liên kết trồng và bao tiêu quả vú sữa tại xã Thanh Hưng.
Tại huyện Tủa Chùa, mô hình liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện với sản phẩm chè Shan tuyết - loại chè đặc trưng của vùng núi cao sương mù. Bà Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh (trụ sở tại tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Tủa Chùa) cho biết: Với mong muốn nâng cao giá trị, giữ gìn thương hiệu chè Tủa Chùa và để người trồng chè sống được nhờ chè, công ty ký cam kết với người trồng chè các xã: Sính Phình, Tả Phình, Tả Sìn Thàng, Sín Chải để hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái và thu mua sản phẩm chè búp tươi bằng giá thị trường tại thời điểm thu mua. Tuy mới triển khai hợp tác, song năm 2018, công ty đã thu mua hàng chục tấn chè búp tươi, giúp người dân yên tâm sản xuất, thu hái chè. Dự tính, năm nay sản lượng chè thu hái sẽ cao hơn rất nhiều vì người dân đã chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Từ đầu năm 2019, Công ty TNHH Hương Linh đã đầu tư thêm hàng tỷ đồng mua sắm máy móc sao chế, đóng gói, bảo đảm chè sạch, chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Với huyện Mường Ảng, cũng nhờ thực hiện liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cho nên cây cà-phê Mường Ảng ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Năm 2018, huyện Mường Ảng tiếp tục triển khai hỗ trợ dự án trồng cây ăn quả theo chuỗi liên kết với tổng diện tích 44,9 ha, gồm các giống: bưởi da xanh, xoài Ðài Loan. Nói về quy trình thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: UBND huyện quy định, mỗi dự án hỗ trợ cây ăn quả theo hình thức liên kết chuỗi phải đủ bốn thành phần, gồm: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT); người dân; đơn vị cung ứng cây giống và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Mỗi thành phần có vai trò và trách nhiệm cụ thể. Riêng đối với đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm phải xác định và thống nhất với chủ đầu tư, người dân tham gia dự án mức giá sàn của sản phẩm. Nếu giá thị trường cao hơn giá sàn, đơn vị thu mua theo giá thị trường, trong trường hợp giá thị trường thấp hơn thì vẫn phải mua với mức giá sàn đã ký.
Đánh giá kết quả thực hiện các dự án hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Giám đốc Sở NN và PTNT Điện Biên Bùi Minh Hải cho biết: Tuy khó khăn về kinh phí song những năm qua, UBND tỉnh vẫn chỉ đạo ưu tiên dành nguồn hỗ trợ các dự án, mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và giữ gìn thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Theo đó, năm 2018, Sở NN và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 28 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2020. Sở NN và PTNT đã hướng dẫn các huyện thủ tục, các bước thực hiện hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, đem lại hiệu quả cao. Đến cuối năm 2018, đã giải ngân gần 11 tỷ đồng hỗ trợ bốn huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Tủa Chùa và Tuần Giáo thực hiện 36 chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có hai chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; 34 chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả (vú sữa, bưởi da xanh, xoài, nhãn chín muộn), quy mô 136,06 ha. Sáu tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Điện Biên có thêm bảy dự án liên kết được phê duyệt mới (trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả; nuôi và tiêu thụ sản phẩm cá rô phi đơn tính, cá mè, cá chép), với tổng kinh phí được phê duyệt 2.479 triệu đồng. Bước đầu, Sở NN và PTNT Điện Biên đánh giá các dự án hợp tác, liên kết mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với sản xuất truyền thống: chi phí sản xuất giảm từ 10 đến 15%; sản lượng tăng thêm từ 15 đến 25%, lãi tăng thêm từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/1.000 m2/vụ. Tham gia các mô hình liên kết, nông dân giảm ngày công lao động, giảm chi phí đầu tư mà trình độ sản xuất lại được nâng lên do được tham gia các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm và được làm việc bằng máy móc vì tất cả các khâu đều được cơ giới hóa.
Tiếp tục khuyến khích sản xuất nông nghiệp thông qua việc tăng cường hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, thời gian tới, ngành nông nghiệp Điện Biên đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân (liên kết ngang) tạo vùng sản phẩm có khối lượng đủ lớn, đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp lớn đến mua sản phẩm. Với trồng trọt, Điện Biên ưu tiên chủ trương “dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất” ở những nơi có điều kiện, phù hợp với quy hoạch, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; liên kết, liên doanh giữa các nhà đầu tư có năng lực với người dân có đất để cùng phát triển; hình thành vùng sản xuất chè, cà-phê an toàn, tập trung với quy mô lớn hơn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng chè và cà-phê Điện Biên. Trong lâm nghiệp, đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đồi rừng; trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng thâm canh; nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu có giá trị dưới tán rừng. Với lĩnh vực thủy sản sẽ ưu tiên các mô hình liên kết tập trung thâm canh và bán thâm canh tại huyện Điện Biên; đẩy mạnh nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước ở thị xã Mường Lay và khu vực lòng hồ ở huyện Tủa Chùa. Về tài chính, ngành NN và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính để doanh nghiệp mua máy cày, máy cấy, máy san ủi đồng ruộng, máy tưới tiêu, xây kho chứa lúa, máy xay xát, chế biến lúa gạo… để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư cho các chuỗi liên kết sản xuất nông - lâm nghiệp thật sự lớn mạnh ở địa phương.