Nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non

Tại kỳ họp thứ 24, kỳ họp chuyên đề vừa diễn ra, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa 9 đã thông qua các nghị quyết về chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non (GDMN). Đây là động lực để giáo viên mầm non (GVMN) mới ra trường, nhóm có thu nhập thấp, ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với nghề.

Giáo viên Trường mầm non Phan Văn Cội 2, huyện Củ Chi hướng dẫn trẻ học tập. Ảnh: NGUYỄN NAM
Giáo viên Trường mầm non Phan Văn Cội 2, huyện Củ Chi hướng dẫn trẻ học tập. Ảnh: NGUYỄN NAM

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) TP Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ban hành ngày 14-6-2014 của HĐND thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ GDMN đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi và tác động mạnh mẽ đến các ngành, các cấp cùng phối hợp chăm lo giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ mầm non. Qua đó, mạng lưới trường, lớp mầm non ngày càng được đầu tư mở rộng, cơ sở vật chất từng bước được xây dựng mới, đáp ứng cơ bản nhu cầu nuôi dạy trẻ trên địa bàn. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp cận nhiều phương pháp tiên tiến vận dụng vào thực hiện chương trình GDMN.

Chính sách này cũng thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố để giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non yên tâm công tác. GVMN mới ra trường có thêm điều kiện ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, từ năm học 2020 - 2021, việc hỗ trợ giáo viên mới ra trường được tuyển dụng không còn hiệu lực đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống các GVMN mới ra trường trong thời điểm hiện nay.

Mặc dù thành phố có chính sách hỗ trợ chung cho công chức, viên chức theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hồ Chí Minh ngày 16-3-2018 về Ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý, nhưng GVMN mới ra trường vẫn là đối tượng có thu nhập thấp (mức lương gần ba triệu đồng/tháng, thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng). Với công việc đặc thù, nặng nhọc, GVMN không có điều kiện làm thêm để cải thiện thu nhập, cho nên khó trụ vững với nghề, dễ chuyển ngành. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ngành học mầm non rất khó bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định.

Hiện, toàn thành phố có 1.374 trường mầm non, trong đó có 472 trường công lập, 902 trường ngoài công lập và hơn 14 nghìn nhóm trẻ ngoài công lập. Hằng năm, dân số thành phố tăng cơ học hơn 200 nghìn người, riêng lứa tuổi mầm non chiếm gần 10 nghìn trẻ. Đây là áp lực rất lớn cho ngành giáo dục bậc mầm non thành phố trong việc bảo đảm cơ sở vật chất trường lớp cũng như áp lực tuyển GVMN bảo đảm công tác chăm sóc, dạy học cho trẻ. Bình quân mỗi năm, thành phố phải tuyển 600 GVMN mới ra trường.

Trưởng phòng GD và ĐT quận Tân Bình Trần Khắc Huy cho biết, khi biết được thông tin HĐND thành phố thông qua các chính sách hỗ trợ GVMN, lãnh đạo các trường mầm non rất vui mừng. Các chính sách này không chỉ thể hiện sự quan tâm của thành phố mà còn là niềm tin, động lực để GVMN an tâm cống hiến với nghề. Đồng thời là cơ sở để các đơn vị tuyển dụng GVMN đúng chuẩn.

Tại kỳ họp thứ 24, HĐND thành phố đã thông qua các nghị quyết về chính sách hỗ trợ GDMN. Theo đó, thành phố tiếp tục duy trì chế độ hỗ trợ đối với GVMN mới ra trường được tuyển dụng mới kể từ năm học 2020 - 2021 đến hết năm học 2024 - 2025. Cụ thể, năm đầu được tuyển dụng hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ hai sau khi được tuyển dụng hỗ trợ 70% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ ba sau khi được tuyển dụng hỗ trợ 50% lương cơ sở/người/tháng và từ năm thứ tư thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành. Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ gần 20 tỷ đồng/năm.

HĐND thành phố cũng thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2, điều 1, Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 6-7-2017 của HĐND thành phố về chính sách thu hút GVMN. Theo đó, thành phố cho phép các đơn vị hợp đồng GVMN (hợp đồng lao động dưới 12 tháng) với mức hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu vùng I do Chính phủ công bố trong 9 tháng/năm; hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng được hỗ trợ bằng 50% mức lương tối thiểu vùng I do Chính phủ công bố (chi từ ngân sách thành phố), còn lại chi từ nguồn xã hội hóa, tùy theo điều kiện cụ thể từng đơn vị trong 9 tháng/năm. Thành phố hiện còn thiếu 871 GVMN hợp đồng và cần hợp đồng thêm 3.561 nhân viên nuôi dưỡng. Tổng kinh phí hỗ trợ đối tượng này khoảng 11 tỷ đồng/năm.

Giám đốc Sở GD và ĐT thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho rằng, đây là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố đối với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên bậc mầm non. Đây cũng là chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực ở bậc mầm non để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học. Thực tế, từ năm 2014, chính sách hỗ trợ GDMN của thành phố đã phát huy hiệu quả, tạo niềm tin cho GVMN gắn bó với nghề và khắc phục được khó khăn về tuyển giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng ở bậc học mầm non.

HĐND thành phố cũng thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích giáo viên, học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, khu vực, quốc tế… Học viên đoạt Huy chương vàng trong các kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế được thưởng theo mức tăng lên 20 lần so trước đây, từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Học sinh đoạt Huy chương vàng trong các kỳ thi Ô-lim-pích khu vực được thưởng từ 30 triệu đồng đến 120 triệu đồng, tăng 15 lần. Học sinh đoạt các giải quốc gia, được thưởng từ 20 đến 50 triệu đồng, tăng 10 lần so với mức quy định trước đây. Ngoài ra, học sinh đoạt giải nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố được thưởng từ 5 đến 12 triệu đồng tùy cấp học...