Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 06) đề ra nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ toàn diện cả về kiến thức lẫn đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử.
Cụ thể hóa nhiệm vụ này, thành phố đã xây dựng Bộ tài liệu giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch trong nhà trường ở ba cấp học: Trung học, Trung học cơ sở, tiểu học. Từ năm học 2024-2025, việc giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho các bé 5-6 tuổi ở bậc học mầm non.
Từ nền tảng chung này, các quận, huyện thị xã đã chủ động và có cách làm hay trong triển khai Chương trình 06 của Thành uỷ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, văn minh, góp phần nâng cao nguồn nhân lực và phát triển con người Hà Nội trong thời kỳ mới.
Nhấn mạnh vai trò nêu gương trong xây dựng văn hóa, người Hà Nội thanh lịch
Trường trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình) là một thí dụ điển hình. Nhà trường giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch gắn với việc duy trì môi trường sư phạm sạch sẽ, ngăn nắp, hiện đại.
Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Thành Công Nguyễn Ngọc Anh cho biết, giáo viên của nhà trường có ý thức cao trong thực hiện văn hóa ứng xử để xây dựng môi trường giáo dục “An toàn - Chất lượng - Yêu thương”. Nhà trường đã xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử trong trường học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố bảo đảm phù hợp với điều kiện của nhà trường. Trong đó, nhà trường mời chuyên gia về phổ biến cho giáo viên các kỹ năng ứng xử với phụ huynh và học sinh; tổ chức các chuyên đề cho học sinh như: Ứng xử trên không gian mạng - Sử dụng mạng internet an toàn, chuyên đề “Giáo dục về lòng biết ơn”, “phòng chống bạo lực học đường”.
Khắp nơi trong trường học dù là phòng làm việc, phòng học hay cầu thang đều có những nội dung tuyên truyền về Quy tắc ứng xử. Nhà trường cũng yêu cầu mỗi giáo viên chủ động đưa nội dung về văn hóa ứng xử vào các bài học phù hợp như trong các môn hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, giáo dục lịch sử địa phương, giáo dục công dân, lịch sử, ngữ văn…
Địa bàn quận Long Biên là nơi các hoạt động giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh diễn ra với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều có sáng kiến thực hiện Chương trình “Trường Nguyễn Gia Thiều đẹp và chưa đẹp” trong đó nêu rõ các tiêu chí đánh giá lớp, tổ xanh - sạch - đẹp; thực hiện phong trào 3 xin “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn” trong Đoàn Thanh niên và phong trào “Nghĩ kỹ, nói chậm, hành động ngay” trong Công đoàn.
Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều Lê Trung Kiên chia sẻ: Nhiều năm qua, nhà trường đã bám sát các chỉ tiêu thực hiện của Chương trình 06, tổ chức xây dựng trường học hạnh phúc với 3 chữ an “học sinh an toàn, thầy cô an lành, phụ huynh an tâm”. Từ năm học 2020-2021 đến nay, nhà trường đã mở được 20 chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên và học sinh về ứng xử, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh.
Vừa qua, đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã kiểm tra việc thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” tại một số trường học trên địa bàn thành phố.
Sau khi kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá cao những sáng tạo mà các trường học đã triển khai. Những hoạt động này đã tạo sự chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử ngay từ học đường.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị các trường học cần tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình Giáo dục lịch sử địa phương và giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh; đồng thời, tổ chức các hoạt động sân khấu học đường bài bản đúng phương pháp để truyền cảm hứng cho học sinh về các bài học lịch sử, ngữ văn. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa ứng xử, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho học sinh Thủ đô.