Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân cho nên được các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tập trung triển khai ngay từ đầu năm 2021. Các đơn vị đã bám sát ba nhiệm vụ trọng tâm và 18 chỉ tiêu của Chương trình như: Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hóa, không gian cây xanh; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông... Thành phố đặt chỉ tiêu, xây dựng thêm 130 trường chuẩn quốc gia, tổng số trường được công nhận là 167 trường, đạt 128% kế hoạch. Đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố là 64,3% (1.805/2.809 trường), trong đó số trường công lập chiếm 79,3%. Đến nay, thành phố đã công nhận thêm năm trường chất lượng cao. Thành phố đặt chỉ tiêu đến năm 2025 công nhận thêm 10 trường chất lượng cao.
Đáng chú ý, sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các địa phương, đơn vị tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô như: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ, ẩm thực... và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ đầu năm 2024 đến hết tháng 6, lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đến nay, thành phố đã hoàn thành 14 chỉ tiêu của Chương trình 06 và tập trung nâng cao chất lượng. Trong đó, tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; tỷ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa hằng năm... đã hoàn thành chỉ tiêu thành phố đề ra. Một số chỉ tiêu vượt kế hoạch như: Công nhận di tích quốc gia đặc biệt (đã thực hiện vượt chỉ tiêu một di tích, dự kiến vượt thêm một di tích nữa vào cuối năm 2024), số di sản được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Mặc dù vậy, hiện vẫn còn một số chỉ tiêu cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong năm 2024; ba chỉ tiêu khó khăn cần có giải pháp để hoàn thành trong năm 2025 là: Nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia, tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa, xây dựng các trường liên cấp ngang tầm các nước trong khu vực. Đối với tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa, hiện vẫn còn 34 thôn, làng chưa có nhà văn hóa, nhiều khả năng đến năm 2025 không hoàn thành. Một số địa bàn khác như các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Phúc Thọ... còn một số thôn, làng chưa có nhà văn hóa, chủ yếu do thiếu mặt bằng hoặc thiếu kinh phí, nhưng số lượng không lớn và đang từng bước khắc phục. Tuy nhiên, huyện Chương Mỹ còn tới 11 thôn, huyện Ba Vì còn năm thôn nhiều khả năng không đạt chỉ tiêu. Về tiêu chí trường chuẩn quốc gia, thành phố Hà Nội đang vượt chỉ tiêu, nhưng một số quận nội thành gặp khó khăn. Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Trần Thị Phương Hoa cho biết, quận Cầu Giấy không đạt được chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia theo yêu cầu. Trong nhiệm kỳ này, quận xây dựng được sáu trường và hiện nay hai trường đang khởi công, tuy nhiên, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chỉ đạt 40%. Khó khăn lớn nhất chính là không đủ mặt bằng để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Thời gian từ nay đến khi tổng kết thực hiện Chương trình không còn nhiều, bởi vậy, các ngành, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn để bảo đảm thực hiện tiến độ các dự án, các chỉ tiêu của chương trình. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, kết quả của Chương trình 06 khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Để chương trình thực hiện hiệu quả và tốt hơn nữa trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các địa phương, đơn vị rà soát lại các chỉ tiêu, nỗ lực, cố gắng phấn đấu thực hiện, nhất là cần sớm khắc phục việc thiếu nhà văn hóa tại các thôn, làng. Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc phát triển công nghiệp văn hóa để đẩy mạnh hoạt động du lịch phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của các địa phương, quyết tâm của người đứng đầu. Đồng chí đề nghị, các địa phương rà soát và xác định xây dựng ít nhất một sản phẩm du lịch và một sự kiện có liên quan đến văn hóa trên địa bàn để phát triển công nghiệp văn hóa hiệu quả, xứng tầm với tiềm năng ■