“Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV, năm 2022 là tiếp nối hoạt động định kỳ 2 năm một lần, hợp tác tổ chức giữa Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tại hội thảo, các tác giả, nhóm tác giả có sáng kiến tiêu biểu chia sẻ những ý tưởng và tâm huyết trong triển khai các dự án, và tác động xã hội từ các sáng kiến vì cộng đồng. Nhiều sáng kiến tham gia cuộc thi được Ban tổ chức đánh giá cao, các tổ chức, cá nhân quan tâm vì những ảnh hưởng tích cực, lan tỏa những hành động thiện nguyện, phát huy giá trị khoa học, công nghệ, truyền thống văn hóa tốt đẹp trong đời sống.
Tác giả Hoàng Hoa Trung chia sẻ với báo chí về sáng kiến Hệ sinh thái nuôi em. |
Chia sẻ về sáng kiến “Hệ sinh thái nuôi em”, tác giả Hoàng Hoa Trung cho hay: năm 2020, dự án nuôi em đã nhận nuôi 20.000 trẻ em vùng cao, mục tiêu năm 2022 là 60.000 bé. Mỗi bé có một người nhận nuôi và được trợ cấp 150.000 đồng/tháng. Dự án đã xây 102 điểm trường, lắp thành công gần 20 bộ năng lượng gió và mặt trời tại 20 điểm bản giúp thầy cô, học sinh, hộ dân vùng dân tộc miền núi; cung cấp áo ấm đồng phục cho 12.000 bé”.
Về Sáng kiến Phát triển hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng (hay còn gọi: Đội hỗ trợ sơ cứu Fast Angel), tác giả Phạm Quốc Việt, thành phố Hà Nội, cho biết, Đội đã hoạt động nhiều năm qua trên tinh thần tự nguyện. Các thành viên của đội thường xuyên có mặt ngay sau khi được báo có tai nạn, tiếp cận hiện trường, hỗ trợ sơ cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời. Đội cứu hộ đã hỗ trợ hơn 9.000 vụ tai nạn. Anh chia sẻ cảm giác từng là người gặp nạn giao thông, bị bỏ rơi ở hiện trường nhưng không ai giúp đỡ, nên thấu hiểu nỗi cô đơn, sợ hãi của các nạn nhân. Bằng chính cảm giác đó, anh quyết định tìm kiếm, học hỏi các kỹ năng sơ cứu và tìm cách cứu giúp người bị nạn.
Theo Ban tổ chức chương trình, các sáng kiến đều xuất phát từ vấn đề thực tiễn trong lao động sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế, trong đời sống văn hóa-xã hội của đất nước. Nhiều sáng kiến đưa ra những giải pháp thông minh đóng góp hữu ích cho cộng đồng bắt nguồn từ ứng dụng thực tiễn thành công tại địa phương, tại đơn vị có thể được nhân rộng.
Về điểm chung, các sáng kiến tham gia bình chọn tại cuộc thi tiếp tục thể hiện sự đa dạng về lĩnh vực: giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải, khoa học-kỹ thuật và công nghệ, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từ thiện xã hội,... Trong đó, vấn đề an toàn giao thông tiếp tục thu hút sự chung tay của các tổ chức, cá nhân.
Điểm mới có ý nghĩa quan trọng ở cuộc thi lần này là 100% các sáng kiến đoạt giải đều được ứng dụng thử nghiệm, mang lại kết quả khả quan, hoặc đưa vào vận hành hiệu quả trong thực tiễn. Trong đó, có những sáng kiến góp phần tạo ra những bước chuyển mang tính đột phá, vừa làm lợi cho tổ chức tập thể vừa giúp giải quyết vấn đề xã hội đang cần, đồng thời góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa, tinh thần tương thân tương ái, kiến tạo lối sống xanh vì môi trường, tiêu biểu như các sáng kiến Hệ sinh thái Nuôi Em, của tác giả: Hoàng Hoa Trung, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia;
Xây dựng mạng xã hội thiện nguyện Việt Nam, tác giả Trung tá Vũ Thành Trung, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội;
Xây dựng hệ thống tra cứu chỉ số công tơ và chủ động cảnh báo sản lượng điện bất thường, tác giả Nguyễn Thảo Nguyên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực Đà Nẵng (DNPC);
Phát triển hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng (hay còn gọi: Đội hỗ trợ sơ cứu Fast Angel), tác giả Phạm Quốc Việt, thành phố Hà Nội;
Mì tôm xanh - Hồi sinh trong ánh sáng, tác giả: Vũ Thị Thảo, giáo viên Trường Trung học Vinschool Timescity, thành phố Hà Nội;
Mắt kính thông minh cho người khiếm thị, nhóm tác giả là sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh...
Các thành viên Đội hỗ trợ sơ cứu Fast Angel (áo vàng) luôn sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào nhận tin có nạn nhân tai nạn cần hỗ trợ. |
Đặc biệt, một số sáng kiến trong lĩnh vực y tế như: Khẩu trang giấy kháng khuẩn nhiều lớp và Lọc máu thay huyết tương ở bệnh nhân bị Covid-19 nặng và nguy kịch và xây dựng quy trình lọc máu thay huyết tương, nhằm cải thiện hiệu quả điều trị và làm giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh - hai công trình nghiên cứu của GS, TSKH, BS Dương Quý Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng khi đưa vào ứng dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực trong giai đoạn cấp thiết cam go, cả nước cùng chung tay “chống dịch như chống giặc”…
Chương trình góp phần thúc đẩy phong trào sáng tạo trong quần chúng nhân dân, tăng cường sự gắn kết giữa công tác nghiên cứu với ứng dụng thực tiễn, cùng sự cần thiết tham gia đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, sự gia tăng hoạt động truyền thông lan tỏa đối với những sáng kiến, giải pháp vì cộng đồng.
Theo dự kiến, tối ngày mai, 29/11, Lễ biểu dương “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV, năm 2022 và Phát động Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ V được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam, từ Nhà hát Lớn Hà Nội. Ban Tổ chức đã bình chọn 22 hồ sơ sáng kiến xuất sắc, trong tổng số hơn 400 hồ sơ gửi dự thi, để trao 2 Giải A; 4 Giải B; 6 Giải C; 10 Giải Khuyến khích.