Khắc phục thực trạng lập kế hoạch cao nhưng giải ngân thấp

NDO -

Sáng 19/1, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, giai đoạn 2021-2025, cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 2).

Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài.
Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài.

Sáng 19/1, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, giai đoạn 2021-2025, cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 2).

Trình bày báo cáo, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn từ vốn ngân sách Trung ương hơn một triệu tỷ đồng, số vốn chưa được phân bổ chi tiết là 639.061 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, hoàn thiện để giao vốn theo thẩm quyền là hơn 23 nghìn tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa phẩn bổ là hơn 542 nghìn tỷ đồng, trong đó bao gồm 225 dự án khởi  công mới, với số vốn 154 nghìn tỷ đồng chưa được hoàn thiện thủ tục đầu tư trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách nhận định, tiến độ giao vốn như vậy là chậm, ảnh hưởng lớn việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Khắc phục thực trạng lập kế hoạch cao nhưng giải ngân thấp -0
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cho ý kiến tại phiên họp.

Trước thực trạng chậm trễ trong phân bổ, bố trí và giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng chậm là do công tác chuẩn bị đầu tư chậm. Như hai chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đã hết một năm nhưng chưa chuẩn bị gì cả. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không phải cứ có vấn đề lại sửa, không phải cái gì cũng xin thí điểm mà cần nhìn vào khâu tổ chức thực hiện, cách tổ chức giám sát. Đề nghị Chính phủ cần báo cáo thêm một số dự án dở dang, dự án thay đổi danh mục, tránh sự phân tán, dàn trải, manh mún. Nguyên tắc là điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn và gói chính sách tài khóa tiền tệ, nhất là đầu tư công cần được áp dụng ngay trong lần phân bổ này.

Đồng tình quan điểm trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ rà soát kỹ các danh mục, đảm bảo bố trí vốn tập trung, không dàn trải; tiến hành thay thế, điều chỉnh dự án nhưng không làm thay đổi mức vốn theo cơ cấu ngành, lĩnh vực được Quốc hội quyết định.

Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương cần rút kinh nghiệm, chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, bảo đảm kế hoạch sát với yêu cầu thực tế; đồng thời kế hoạch cần phối hợp chặt chẽ với nguồn lực dành cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án để chương trình sớm phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt trong xã hội.

Giải trình tại phiên làm việc, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đồng tình với đánh giá của các đại biểu về việc giải ngân chậm. Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc thủ tục đầu tư các dự án còn lại, bảo đảm tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư. Trong trường hợp thay đổi dự án sẽ không được tăng dự án, chia nhỏ dự án, rà soát kỹ tính cần thiết, tính hiệu quả, ý nghĩa dự án thay thế, bảo đảm kế hoạch sát thực tiễn, tránh lập kế hoạch cao nhưng khi giải ngân lại thấp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho rằng giải ngân đầu tư công chậm là vấn đề nhức nhối, dù đã bàn bạc và thảo luận nhiều năm nhưng chưa đẩy nhanh được do khâu chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện. Vấn đề này có cải thiện tuy nhiên vẫn rất chậm, Chính phủ xin hứa đẩy nhanh hơn nữa. 

Về việc phối hợp linh hoạt giữa vốn đầu tư công trung hạn và chương trình phục hồi kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án nào nằm trong các chương trình đầu tư công trung hạn, hay chương trình phục hồi kinh tế để thực hiện giải ngân.

Sau phiên thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành với Chính phủ về chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ là hơn 8,2 nghìn tỷ đồng cho 49 dự án. Tiếp tục phân bổ vốn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định gần 89 nghìn tỷ đồng cho 340 dự án; điều chỉnh vốn hợp lý giữa các dự án nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Khắc phục thực trạng lập kế hoạch cao nhưng giải ngân thấp -0
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn thiện danh mục, phân bổ vốn chi tiết cho các dự án tuân thủ đúng quy định. Việc bố trí vốn phải bảo đảm tập trung, không dàn trải, thay thế dự án không làm thay đổi tổng mức vốn. Đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo về chuẩn bị đầu tư, không để ách tắc, chậm trễ kéo dài qua nhiều năm.

Giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để phân bổ hết số vốn còn lại  là hơn 542 nghìn tỷ đồng theo đúng quy định. Đồng thời, điều hòa, phối hợp chặt chẽ với nguồn lực dành cho Chương trình phục hồi ưu tiên cho dự án trọng điểm có tính lan tỏa, liên kết vùng, hấp thụ vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, sớm phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.